Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng hành vi bắt nạt, khiêu khích ở Biển Đông

Chủ nhật, 21/07/2019, 12:13
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20-7 thể hiện sự quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu và khí đốt ở Biển Đông, bao gồm hoạt động; thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam.

"Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào hoạt động phát triển dầu và khí đốt ngoài khơi của các quốc gia tuyên bố chủ quyền khác đe dọa an ninh năng lượng khu vực, đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ Dương - Thái Binh Dương tự do và mở" – Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Washington phản đối mạnh mẽ mọi hành vi cưỡng chế và đe dọa từ bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ và hàng hải của mình.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đề cập lưu ý hồi đầu năm của Ngoại trưởng Mike Pompeo rằng "bằng cách ngăn chặn sự phát triển ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng chế, Trung Quốc đã ngăn các quốc gia ASEAN tiếp cận nguồn dự trữ năng lượng có thể phục hồi trị giá 2.500 tỉ USD".

Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng hành vi bắt nạt, khiêu khích ở biển Đông - Ảnh 1.

Tàu cảnh sát biển của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

"Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông… trong đó có việc sử dụng dân quân biển để gây sức ép, cưỡng chế và đe dọa các quốc gia khác, đang làm suy yếu hòa bình và ổn định của khu vực" – Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, đồng thời yêu cầu Trung Quốc ngưng hành vi bắt nạt, kiềm chế tham gia vào những hoạt động khiêu khích và gây bất ổn.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra 1 ngày sau khi Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nêu rõ Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.

Theo NLĐO

Các tin cũ hơn