Sử dụng rác thải nhựa làm đường tại Australia. Ảnh: abcnews |
Những rác thải nhựa khó tái chế hoặc không thể tái chế như bao bì nilon hiện nay giải pháp xử lý là chôn lấp. Công ty Dow Việt Nam hợp tác cùng DEEP C Hải Phòng và trường ĐH Hàng hải Việt Nam đã thử nghiệm xây dựng 1km đường từ rác thải nhựa. Công nghệ này không quá phức tạp, rác thải nhựa được cắt nhỏ, trộn lẫn cốt liệu và nhựa đường ở nhiệt độ cao và được thi công bằng phương pháp thông thường. Phương pháp xây dựng này giúp giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường đồng thời giải quyết vấn đề đầu ra cho rác thải nhựa.
Nếu thành công, đây sẽ là con đường đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ mới, mở ra hướng mới về xử lý rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Sau khi hoàn thành, con đường mới sẽ được ĐH Hàng hải Việt Nam đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi mở rộng dự án. Theo lãnh đạo trường ĐH Hàng hải Việt Nam: “Hiện Trung tâm tư vấn Phát Triển ĐH Hàng hải Việt Nam đang tiến hành thực nghiệm, kiểm tra chất lượng. Chúng tôi đang nghiên cứu các thông số kĩ thuật để đảm bảo sản phẩm nhựa đường làm từ rác thải nhựa đạt chuẩn TCVN”.
Phương pháp này đã áp dụng tại nhiều nước, công nghệ mới này đã được Ấn Độ, Anh, Australia áp dụng với phí rẻ hơn, bền hơn và an toàn hơn so với kỹ thuật làm đường thông thường. Công ty Dow cũng đã xây dựng hơn 90km đường giao thông từ rác thải nhựa tại Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Hoa Kỳ.
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa hàng đầu, trong đó các khu vực đô thị như Hà Nội và TP.HCM ước tính có khoảng 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi ngày. Rác thải nhựa vốn rất khó bị tiêu hủy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho nguồn nước, đất đai, không khí, tác động xấu đến sức khỏe. Bởi vậy, việc sử dụng rác thải nhựa làm nguyên liệu xây dựng đường giao thông giúp tiết kiệm nguyên liệu.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho hay, làm đường từ rác thải nhựa có độ bền cao hơn để chống chọi hiệu quả hơn với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt và nhiệt độ cực cao. Đây là công nghệ tiến bộ của thế kỷ 21.
Theo DNSG