'Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là không thể chấp nhận được'

Chủ nhật, 21/07/2019, 19:21
Giới quan sát khẳng định hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được và cảnh báo các nước có thể mất quyền tiếp cận tài nguyên đại dương trên Biển Đông.

Những diễn biến gần đây trên Biển Đông một lần nữa cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế và nếu các quốc gia thượng tôn pháp luật không cùng nhau chống lại sự ngang ngược của Bắc Kinh, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) sẽ trở nên vô nghĩa, theo các nhà phân tích.

Ngày 19/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã  lên tiếng phản đối việc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Trước đó, báo chí quốc tế đã đưa tin về sự xuất hiện của tàu khảo sát Trung Quốc ở phía Nam Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo UNCLOS - công ước mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại ngang nhiên ngụy biện rằng nhóm tàu khảo sát đang hoạt động trong phạm vi cái gọi là "vùng biển quần đảo Nam Sa" (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam).

Điều này có nghĩa là, theo lập luận của Trung Quốc, khu vực khảo sát nằm trong vùng có tranh chấp và đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được theo các chuyên gia.

Chà đạp lên luật hàng hải quốc tế

"Khu vực này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng Trung Quốc vẫn tranh chấp vì hai lý do: một là Trung Quốc cho rằng nó nằm trong 'đường 9 đoạn' và hai là Trung Quốc sẽ tuyên bố nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền", chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, nói với Zing.vn.

"Tất nhiên, cả hai đều không phải là yêu sách hợp pháp, nhưng Trung Quốc bác bỏ cách giải thích của cộng đồng quốc tế về luật hàng hải", ông Poling nhấn mạnh.

'Hanh dong cua Trung Quoc tai Bien Dong la khong the chap nhan duoc' hinh anh 1
Tàu Hải dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Theo quy định của UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển mở rộng tính từ đường cơ sở của các quốc gia ven biển hay quốc gia quần đảo, có chiều rộng 200 hải lý (1 hải lý = 1,852km).

Ông James Kraska, giáo sư về luật hàng hải quốc tế tại Trung tâm Luật Quốc tế Stockton Center thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, khẳng định các tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cách tiếp cận của Bắc Kinh "rõ ràng không được chấp nhận", chiếu theo phán quyết trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016.

"Đây là sự vi phạm rõ ràng đối với điều 56 của UNCLOS", giáo sư Kraska nói. Điều 56 của UNCLOS quy định về quyền chủ quyền, quyền tài phán và các nghĩa vụ của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế.

'Hanh dong cua Trung Quoc tai Bien Dong la khong the chap nhan duoc' hinh anh 2

Cách xác định các vùng biển của một quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo theo UNCLOS. Đồ họa: Wikimedia Commons.

Theo thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên luật biển quốc tế tại Đại học Quốc gia TP.HCM, quyền chủ quyền có thể hiểu là quyền độc quyền khai thác và sử dụng của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các quốc gia khác chỉ có thể tiến hành các hoạt động kể trên nếu được Chính phủ Việt Nam cho phép dưới hình thức phổ biến nhất là các hiệp ước với các điều khoản quy định chặt chẽ về việc khai thác này.

Trong khi đó, căn cứ vào phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, các thực thể tại quần đảo Trường Sa không thể thiếp lập các vùng biển xa hơn 12 hải lý xung quanh nó.

"Do đó, các vùng biển của Việt Nam độc lập và không bị chồng lấn với các vùng biển tạo ra từ quần đảo này", bà Trang khẳng định.

Phán quyết năm 2016 cũng bác bỏ cái mà Trung Quốc gọi là "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" mà họ đơn phương vẽ ra trên Biển Đông để tuyên bố chủ quyền. Tòa cũng khẳng định không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong "đường 9 đoạn".

Trung Quốc ngày càng táo bạo

Các chuyên gia đồng ý rằng Bắc Kinh đang ngày càng trở nên táo bạo và quyết đoán hơn trên Biển Đông. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động quân sự hóa các đảo, đá, gây leo thang căng thẳng bất chấp sự lên án của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc cũng có các hành vi nhằm “ngăn chặn phát triển kinh tế ở Biển Đông thông qua ép buộc... không cho các nước thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá 2.500 tỷ USDở đây”, theo thông cáo hôm 20/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong tuyên bố này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus dùng nhiều lời lẽ mạnh mẽ lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, dùng các tàu dân quân để “áp đảo, ép buộc và đe dọa các nước khác, gây nguy hại đến hòa bình và an ninh của khu vực”.

'Hanh dong cua Trung Quoc tai Bien Dong la khong the chap nhan duoc' hinh anh 3

Tàu hải cảnh 3901 của Trung Quốc tham gia hộ tống tàu Hải dương Địa chất 8.  Bắc Kinh thích áp dụng biện pháp hù dọa thông qua các tàu hải cảnh và tàu dân quân thay vì lực lượng quân sự chính thức. Ảnh: SCMP.

Chuyên gia Poling cho rằng sự việc tại Bãi Tư Chính nhắc lại ba bài học: Một là Trung Quốc không muốn các nước láng giềng tham gia vào các hoạt động dầu khí mới, nhưng cùng lúc lại sẵn sàng triển khai các hoạt động của riêng họ ở bất cứ nơi nào họ muốn. Hai là Trung Quốc thích áp dụng biện pháp hù dọa thông qua các tàu hải cảnh và tàu dân quân, thay vì lực lượng quân sự. Ba là khi các bên yêu sách khác kiềm chế, Trung Quốc thường rút lui thay vì leo thang quân sự.

Nhà nghiên cứu tại CSIS cũng lưu ý nguy cơ khi Trung Quốc điều rất nhiều tàu thuyền với lối hành xử hung hăng như vậy, "nếu xảy ra va chạm vô ý, căng thẳng có thể leo thang".

Cần chung tay ngăn chặn

Nhắc lại vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, ông Poling cho rằng nếu Việt Nam đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS, tòa án rất nhiều khả năng sẽ xử theo án lệ vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo phán quyết được đưa ra năm 2016, Trung Quốc không có quyền đưa ra yêu sách tại khu vực này.

'Hanh dong cua Trung Quoc tai Bien Dong la khong the chap nhan duoc' hinh anh 4
Mỹ nói Trung Quốc ngăn chặn phát triển kinh tế ở Biển Đông bằng cách cưỡng ép. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhấn mạnh việc Bắc Kinh đã cố tình phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong suốt 3 năm qua, cho rằng các quốc gia tuân thủ luật pháp cần hỗ trợ nhau để "cùng chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc".

"Đó là cách duy nhất để ngăn chặn Trung Quốc. Nếu không, UNCLOS sẽ trở nên vô nghĩa và các quốc gia yếu thế hơn trong khu vực sẽ đánh mất quyền của họ ở các đại dương, điều rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế", giáo sư Kraska nói với Zing.vn.

Chuyên gia Poling cho rằng Mỹ và các cường quốc khác bên ngoài có thể đóng vai trò quan trọng. "Các nước có thể chỉ rõ cái giá về ngoại giao và kinh tế đối với Trung Quốc để gây áp lực buộc Trung Quốc phải thay đổi hành vi", ông nói.

Điều này cũng phản ánh quan điểm mà Việt Nam nhiều lần khẳng định, rằng việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế.

"Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh trong tuyên bố hôm 19/7.

Theo Zing

Các tin cũ hơn