Đem dịch Corona ra tấu hài: Thú tiêu khiển hay trò đùa vô đạo đức?

Thứ hai, 10/02/2020, 17:23
Muốn thu hút dư luận, nhiều chủ kênh YouTube không ngần ngại chế nhạc, làm clip tấu hài liên quan đến dịch bệnh Corona để câu view. Hành động phản cảm này nhanh chóng nhận về chỉ trích.

Một số người đem ám ảnh dịch Corona làm trò tiêu khiển, tấu hài trên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ

Giữa thời điểm dịch Corona đang diễn biến phức tạp và gây hoang mang dư luận, một số người đã lợi dụng chủ đề này để câu view. Bên cạnh những tin tức đáng chú ý liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán, hàng loạt nội dung bám trend (xu hướng) khiến dư luận bức xúc. Cụ thể, nhiều kênh YouTube liên tiếp ra nhạc chế, làm clip tấu hài nhằm "tranh thủ" tăng lượng tương tác “mùa cao điểm”.

Giữa sự hoang mang của người dân, một số YouTuber bất chấp dùng dịch Corona để câu view

‘Corona’' trở thành từ khóa giải trí

Chỉ cần gõ cụm từ “hài Corona” trên thanh tìm kiếm, hàng loạt video nhanh chóng xuất hiện. Đáng chú ý, những nội dung này đều có điểm chung là bắt chước, nhại lại những dấu hiệu của dịch bệnh Corona khiến cả thế giới lo sợ. Đặc biệt, một số đoạn video còn có cảnh đóng giả người Trung Quốc mắc bệnh tại Việt Nam. Theo đó, những đối tượng liên tục được cài cắm vào các tình huống nguy hiểm, có nguy cơ lây nhiễm cao như: xuất hiện trong taxi, vừa đi vừa ho, nói tiếng Trung Quốc ở nơi công cộng… Ngoài ra, nhiều người xem cũng vô cùng bức xúc khi một số thành phần ăn mặc phản cảm, sử dụng quần áo lót, bọc ni lông làm khẩu trang… vô tư ca hát, nhảy múa trong các đoạn nhạc chế.
Đáng quan ngại, nhiều người còn bất chấp câu view vi phạm bản quyền một số chương trình hài kịch, ca nhạc để trục lợi. Theo đó, những thước phim này được cắt ghép, chỉnh sửa tiêu đề, thậm chí là gắn tên các nghệ sĩ nổi tiếng như: Hoài Linh, Chí Tài, Trường Giang… để tối ưu hóa tìm kiếm dựa trên thuật toán của Google. Chưa dừng lại ở đó, những tác phẩm điện ảnh nước ngoài, phim cung đấu cũng không thoát khỏi “tầm ngắm” của lực lượng câu view bẩn. Cụ thể, chúng được biên tập và lồng tiếng để phù hợp với ngữ cảnh và câu chuyện như "kịch bản".
Không chỉ tấu hài gây phản cảm, một số người còn đem hình ảnh chiếc khẩu trang làm công cụ gây cười với tạo hình thái quá

Đem đại dịch trăm người chết ra tiêu khiển là vô đạo đức

Theo ghi nhận của chúng tôi, những kênh này tập trung đông đảo người xem ở độ tuổi thiếu nhi, thanh thiếu niên nên dễ dẫn đến việc định hướng lệch lạc về tác hại của dịch Corona. Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng video của những đối tượng câu view chứa nội dung phản cảm, kém văn minh nhưng lại không giới hạn độ tuổi người xem, điều này vô cùng nguy hiểm. Điển hình, một số clip có tiêu đề vô cùng “nhức mắt” như: Corona khiến ta xa cách - gái ngành cũng phải nghỉ làm, Cưa gái thời vi-rút Corona, Trộm áo... em gái nuôi làm khẩu trang chống Corona…
Xu hướng làm clip đóng giả người Trung Quốc nhiễm Corona cũng được nhiều kênh bất chấp thực hiện
Mặc dù xuất hiện hàng loạt, nhưng những nội dung phản cảm này nhanh chóng vướng phải nhiều chỉ trích của người xem. Bình luận dưới video, một chủ khoản bức xúc: “Không hiểu mấy trang này sao có thể tồn tại được. Câu view đã đành, giờ còn đem những chuyện bệnh tật ra mua vui. Người dân đang rất hoang mang đấy, các bạn biết không?”. Một người dùng khác lên tiếng: “Đem dịch Corona làm mấy trăm người chết mà vui được à. Giả sử bạn mắc bệnh thì xem còn tỏ ra hài hước như thế được không? Giải trí thì cũng cần sự văn minh và tử tế”.
Một tài khoản ngán ngẩm: "YouTube cứ chấp nhận những clip phản cảm, người xem cứ thế bị cuốn theo thì không biết sẽ ra sao. Không biết sợ hay sao mà câu view lắm thế. Đủ trò". Bên cạnh đó, một chủ khoản khác cũng cho biết: "Làm clip hài thì nên tìm hiểu và sáng tạo cho văn minh. Đừng đem dịch bệnh ra làm trò đùa, không phải cái gì cũng đưa lên mạng được đâu bạn ơi. Chủ thớt nên biết chọn lọc nội dung để không gây phản cảm".
Trong khi nhiều ý kiến lên án chỉ trích, một số cá nhân vẫn vô tư chia sẻ, lan truyền những video độc hại trên. Corona không đơn thuần chỉ là tên của một đại dịch khiến thế giới lao đao, giờ đây nó còn trở thành một trào lưu, mà ở đó người ta dễ dàng chấp nhận việc đổi chác “mối đại họa” thành những tiếng cười.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích