Ngày 9/3 vừa qua, chính phủ Italy tuyên bố các biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có ở một nước phương Tây thời hiện đại. Cả nước bị phong tỏa, giới hạn đi lại cho đến ngày 3/4. Đám cưới, đám tang đều bị cấm.
Khu vực phong tỏa được gọi là "vùng đỏ" ban đầu chỉ giới hạn ở vùng Lombardy, nay mở rộng ra cả nước.
Italy phải làm vậy vì virus corona đang khiến hệ thống y tế nước này quá tải, đặc biệt ở vùng Lombardy miền Bắc. Hơn 80% giường bệnh ở vùng này đang được dành cho các bệnh nhân virus corona, theo Bloomberg.
Italy đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ quốc gia 60 triệu dân. Ảnh: AFP. |
Các phòng điều trị tích cực quá tải khiến nhiều cuộc phẫu thuật cho các bệnh khác phải hoãn, nhiều bệnh nhân không được chăm sóc y tế.
Đằng sau số ca nhiễm tăng chóng mặt là cuộc khủng hoảng y tế không chỉ mang tên Covid-19. Bệnh viện quá tải đồng nghĩa với việc phụ nữ có thai và em nhỏ, bệnh nhân ung thư và HIV, hay các trẻ em cần tiêm vắc-xin sẽ đều không được chăm sóc đúng như họ cần, theo Vox.
“Hầu hết hệ thống y tế các nước được tinh giản khá hiệu quả... vì vậy nếu số bệnh nhân tăng quá nhanh, sẽ kéo căng nguồn lực”, Richard Neher, nhà nghiên cứu Đại học Basel đã mô phỏng dịch bệnh Covid-19, nói với Vox.
Nói cách khác, cuộc khủng hoảng quá tải y tế hôm nay ở Lombardy, một trong những vùng giàu nhất ở châu Âu, có thể lặp lại ở bất kỳ nước nào vào ngày mai, bao gồm cả Mỹ và các nước phát triển ở châu Âu.
Theo Vox, chưa rõ vì sao số ca nhiễm ở Italy lại tăng vọt như vậy, nhưng có nhiều cách giải thích.
Ngày 23/2, ở Italy có 76 ca nhiễm được xác nhận. Hai ngày sau, con số đó tăng lên 229. Từ đó, số ca tăng theo cấp số nhân, và nhiều ca bệnh xa xôi như ở Nigeria, Thụy Sĩ và Brazil có nguồn gốc từ Italy.
Giới chức nước này chật vật đưa ra các biện pháp quyết liệt theo kiểu Trung Quốc để cố ngăn chặn lây lan, bao gồm phong tỏa nhiều thị trấn vùng Lombardy. Đến ngày 9/3, lệnh phong tỏa còn được mở rộng ra toàn quốc. Mọi nơi công cộng đều bị đóng cửa, bao gồm phòng tập, rạp chiếu phim, hàng quán, trường học, sân thi đấu, thậm chí đám cưới, đám tang.
Một cách giải thích cho sự tăng vọt số ca nhiễm là chiến dịch xét nghiệm rộng lớn ở vùng Lombardy. Tương tự như ở Hàn Quốc, càng xét nghiệm nhiều, số ca phát hiện càng tăng.
Cách giải thích khác là virus lây mạnh trong số các y bác sĩ, trước khi họ kịp nhận ra dịch bệnh. Khoảng 10% số y bác sĩ ở vùng Lombardy đã nhiễm bệnh, Washington Post đưa tin ngày 3/3. Nhân viên y tế chiếm 5% tổng số ca bệnh cả nước. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết luận Italy nên cải thiện vấn đề bảo hộ cho y bác sĩ.
Ngoài ra, còn có giả thuyết nêu ra việc Italy có tỷ lệ dân số già cao. Covid-19 ảnh hưởng nặng tới người già, và chính ca bệnh nặng này đang làm hệ thống bệnh viện quá tải.
Matteo Renzi, cựu thủ tướng Italy, chỉ ra rằng virus đã lây lan ở Italy 10 ngày trước khi chính phủ hành động, và chính phủ đang ở thế phản ứng bị động với dịch bệnh. Các nước nên tránh rơi vào thế bị động, ông nói với New York Times. “Ngày hôm nay, Italy là vùng đỏ”, nhưng 10 ngày sau, có thể Madrid, Paris hay Berlin rơi vào cảnh tương tự, ông nói.
Trong một thư ngỏ, các bác sĩ Italy cảnh báo thế giới: “Chúng tôi đang thấy tỷ lệ số ca nặng phải cần điều trị tích cực (ICU) vào khoảng 10% toàn bộ số ca dương tính... Chúng tôi muốn gửi thông điệp mạnh mẽ: Hãy chuẩn bị trước!”.
Cảnh sát Italy đang kiểm tra các hành khách ngày 10/3. Ảnh: Getty Images. |
Dường như càng xét nghiệm nhiều sẽ càng có nhiều ca dương tính. Điều này đúng ở nhiều nơi, bao gồm Italy. Nếu vậy, người Mỹ có lý do để lo ngại, vì con số lượt xét nghiệm ở Mỹ đang tăng một cách chậm chạp. Nếu xét nghiệm nhiều hơn, có thể số ca ở Mỹ sẽ còn tăng mạnh.
Một ước tính cho thấy mức trầm trọng của dịch bệnh ở Mỹ được thực hiện ở Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, bởi nhà sinh vật học Trevor Bedford.
Theo đó, Covid-19 có thể đã lây lan ở Seattle từ giữa tháng 1. Theo mô phỏng của ông, đến ngày 10/3, có tới 1.100 ca nhiễm ở riêng Seattle, và sự lây nhiễm đã diễn ra trong cộng đồng mà không được phát hiện. Nhưng hiện nay ở bang Washington chỉ có 279 ca nhiễm được xác nhận (tính đến tối 11/3).
Số lượt xét nghiệm ở Mỹ đang vào khoảng 1.700 tính đến ngày 8/3, thua xa so với 50.000 ở Italy và 23.000 ở Anh, theo phân tích của Business Insider.
Nếu ước tính cho toàn nước Mỹ, đến ngày 13, có thể đã có 9.484 ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ, gấp 9 lần con số hơn 1.000 ca nhiễm được xác nhận trên toàn quốc.
“Nhìn vào các dấu hiệu hiện nay... tôi sẽ rất sốc nếu chúng ta không có số lượng lớn các ca đang ủ bệnh, và đang lây lan một cách thầm lặng”, Lawrence Gostin, giám đốc Viện O’Neill về Luật Y tế Quốc gia và Quốc tế, nói với Vox.
Nếu số ca cứ tăng gấp đôi mỗi tuần, như đang diễn ra ở Italy, thì một cơn “sóng thần” đang thực sự kéo đến với nước Mỹ.
“Tôi không nghĩ những gì diễn ra ở Italy là hậu quả riêng của cách Italy ứng phó. Thay vào đó, (tình hình ở Italy) thể hiện một điều là một khi đã chậm chân hơn, không phát hiện ra virus, sẽ rất khó để bắt kịp”, Emma Hodcroft, người tham gia dự án mô phỏng hợp tác với ông Trevor Bedford, nói với Vox.
Ông Lawrence Gostin từ Viện O’Neill cho rằng một hệ thống y tế quá tải sẽ có hậu quả lớn. “Từ những dịch bệnh trong quá khứ, chúng ta đã biết rằng khi hệ thống y tế quá tải - nhiều người sẽ chết vì các bệnh khác hơn là vì bản thân dịch bệnh”, ông nói với Vox.
Chẳng hạn, thời gian dịch Ebola năm 2014-2016 ở CHDC Congo, sự gián đoạn trong việc tiêm vắc-xin lại gây thêm dịch sởi.
Ở Trung Quốc, nhiều câu chuyện cho thấy các bệnh nhân ung thư cần điều trị lại bị trả về, và bệnh nhân HIV không tìm được thuốc. Chưa kể tác động tiêu cực về tâm lý.
Sinh viên Đại học Washington đang đi bộ trong trường ngày 6/3. Ảnh: Getty Images. |
Tổng thống Donald Trump tối 11/3 tuyên bố cấm toàn bộ di chuyển từ các nước châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày giữa diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19.
"Để ngăn chặn các ca nhiễm mới đi vào lãnh thổ, chúng ta sẽ tạm ngừng nhận tất cả người từ châu Âu đến Mỹ trong vòng 30 ngày tới", Tổng thống Trump tuyên bố.
Lệnh cấm nhập cảnh quyết liệt này có hiệu lực từ ngày 13/3 và kéo dài trong 30 ngày tới. Ông Trump tạm thời để Anh, một nước đồng minh, là nước ngoại lệ với lệnh cấm này, và người vào Mỹ từ Anh vẫn sẽ được nhập cảnh bình thường.
Theo Vox, phản ứng trước hết ở Mỳ là các cơ quan y tế cần tìm cách “san bằng” biểu đồ tăng số ca nhiễm. Như vậy có nghĩa là giới hạn tiếp xúc, hủy bỏ các sự kiện đông người, khuyến khích làm tại nhà, thậm chí đóng cửa trường học.
“Sự nguy hiểm của một dịch bệnh là khi mọi người nhiễm bệnh cùng một lúc, hệ thống bệnh viện không tải nổi”, Steven Hoffman, giám đốc phòng lab chiến lược toàn cầu tại Đại học York, nói với Vox. “Mục tiêu của việc giới hạn tiếp xúc” là giảm gánh nặng lên hệ thống y tế.
Ở Italy, các biện pháp trên không mang tính chủ động, mà chỉ là phản ứng khi số ca tăng vọt. Nhưng các nước chưa bùng nổ dịch bệnh vẫn có thời gian để giành thế chủ động.
Theo Vox, ngoài việc làm chậm sự lây lan, còn nhiều biện pháp thực tế khác mà các nước có thể tiến hành. Chẳng hạn, tìm cách tăng số giường bệnh, phòng điều trị tích cực trống để đáp ứng nhu cầu, và bảo đảm rằng nhân viên y tế được bảo hộ đầy đủ. Cần bảo đảm rằng có đủ máy thở cho số 10% bệnh nhân Covid-19 nặng sẽ cần hỗ trợ thở để duy trì sự sống (như thống kê ở Italy), theo Vox.
Ở Trung Quốc, nỗ lực khổng lồ vừa xét nghiệm, vừa truy lùng manh mối tiếp xúc, vừa cách ly đã giúp kiềm chế được dịch bệnh, theo Bruce Aylward, trưởng phái đoàn WHO tới Trung Quốc. Nhiều nơi cho xét nghiệm miễn phí, và cử nhân viên y tế tới nhà người dân để xét nghiệm dịch cơ thể.
Ngoài ra, việc kê đơn thuốc cho các bệnh nhân có thể thực hiện online. Như vậy sẽ giúp rất nhiều cho các bệnh nhân cần thuốc khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ở Mỹ có hơn 100 triệu người có các chứng bệnh mạn tính cần thuốc theo đơn như tiểu đường, huyết áp cao, và “không thể để việc đó gián đoạn”, ông Aylward nói thêm.
Một bước căn bản nữa là làm sao bệnh nhân biết rõ khi nào thì đến phòng khám, khi nào đi xét nghiệm, khi nào nên ở nhà, theo Jennifer Nuzzo, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại trung tâm an ninh y tế Đại học John Hopkins.
“Lo lắng đầu tiên của tôi là mọi người đổ dồn tới phòng cấp cứu chỉ để tìm kiếm thông tin và xét nghiệm”, bà Nuzzo nói với Vox. “Điều đó xảy ra trong dịch H1N1 năm 2009. Riêng điều đó đã làm hệ thống bệnh viện quá tải”.
Các biện pháp trên đều cần được thực hiện, chứ không chỉ phong tỏa diện rộng, các chuyên gia cho biết.
“(Phong tỏa) có thể khiến nhiều người không nghĩ chuyện rời đi bỗng nhiên rời đi”, ông Hoffman nói.
Một mô phỏng ban đầu về tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc cho thấy lệnh phong tỏa ở đây chỉ làm chậm quá trình bùng phát dịch từ 3-5 ngày.
“Đúng, kìm hãm ba ngày còn hơn không, nhưng chúng ta thấy cái giá quá đắt mà Trung Quốc phải trả, sẽ còn kéo dài nhiều thập kỷ”, ông Hoffman nói thêm. “Nghĩ tới sự kinh hoàng về tâm lý mà những người bị nhốt trong nhà phải chịu... chỉ để trì hoãn ba ngày”.
Khi người dân bị cách ly, họ cảm thấy không an toàn và không được tôn trọng, “và họ sẽ phản ứng và có những hành đông không có lợi cho y tế cộng đồng”, ông Hoffman nói thêm.
Như vậy có thể phản tác dụng, và Italy có thể sẽ sớm phải chịu hậu quả của sự phản tác dụng đó. Các nước khác cũng sẽ có nguy cơ như vậy nếu không chuẩn bị đầy đủ trước.