Các tập đoàn tư nhân hiến kế tới Thủ tướng trong dịch Covid-19

Thứ năm, 12/03/2020, 18:43
Lãnh đạo Vingroup, Thaco, Vietjet, Masan, FLC... gửi Thủ tướng nhiều kiến nghị tại cuộc gặp mặt sáng 12/3, nhằm khơi thông phát triển trong lúc dịch Covid-19 lan rộng.

Theo Văn phòng Chính phủ, tại cuộc gặp, các tập đoàn kinh tế tư nhân đều thể hiện ủng hộ và cam kết nỗ lực thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng đề ra, đó là vừa chống dịch tốt, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp lớn cũng gặp khó

Về mục tiêu đầu tiên, các doanh nghiệp cho biết rất tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ và đã nhanh chóng có kịch bản ứng phó.

Một số doanh nghiệp cho biết hầu như đã chuyển sang làm việc online, hạn chế làm việc trực tiếp; tuyên truyền cho các công nhân lao động, trong đó có chuyên gia nước ngoài, tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là cách ly y tế.

Cac tap doan tu nhan hien ke toi Thu tuong trong dich Covid-19 hinh anh 1 NQH01141_1_.JPG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các tập đoàn tư nhân như những "pháo đài" trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Mặc dù bày tỏ trăn trở trước sự ảnh hưởng nặng nề của dịch đối với ngành du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, các biện pháp của Chính phủ về giảm bớt luồng khách từ nước ngoài là cần thiết.

“Chống được dịch, ổn định tâm lý, có môi trường an toàn thì du khách mới an tâm, đi du lịch”, đại diện Vietravel nói.

Lãnh đạo Vietravel cũng cho biết hiện sức nén tâm lý trong dịch rất lớn. Vì thế, sau dịch, cần có biện pháp truyền thông “giải tỏa tâm lý”.

Một số ý kiến cho rằng ổn định tâm lý là điều quan trọng, cần chống tâm lý hoang mang, lo lắng bởi cái đáng sợ nhất chính là nỗi sợ hãi.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, cho biết các nhà máy đang chạy hết công suất để bảo đảm cung ứng thực phẩm cho người dân. Vị này cũng cho rằng đây là thời điểm thúc đẩy thương mại điện tử.

Tập đoàn Vingroup kiến nghị các cơ quan chức năng của Chính phủ cần rà soát lại quy định, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để khi dịch chấm dứt, doanh nghiệp “rộng tay, rộng chân hơn để phát triển”.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG, cho biết từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đã có 12.000 lượt khách hủy đặt buồng phòng khách sạn mà doanh nghiệp này quản lý. Tương tự, nhiều lượt đặt chơi golf cũng hủy theo.

Bà cho rằng Bộ Tài chính đang dự thảo cho doanh nghiệp chậm nộp thuế 5 tháng là “rất quý”, nhưng đề nghị tăng thêm thời gian. Cụ thể, Chủ tịch BRG đề xuất tăng thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, gia hạn việc nộp các khoản thuế khác từ tháng 2 đến tháng 6.

Trong khi đó, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, đề xuất cần có các giải pháp về nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền, giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp...

Lãnh đạo Vietjet cũng chỉ ra sự cần thiết triển khai đồng bộ các gói giải pháp kích cầu tiêu dùng, du lịch. Trong giai đoạn này, theo bà Yến Phương, cần thúc đẩy thu hút đầu tư, trong đó bao gồm hạ tầng hàng không như nhà ga, sân đỗ, các công trình hàng không... thúc đẩy đầu tư công; khuyến khích đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài thông qua các biện pháp như hỗ trợ thủ tục, chính sách ưu đãi thuế tuỳ theo ngành nghề đầu tư.

Doanh nghiệp này cũng đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đánh vào giá xăng dầu. Theo vị này, hiện chi phí nhiên liệu của hãng bay là 30-40%. Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng dầu là 3.000 đồng/lít xăng, tương ứng khoảng 22% giá xăng. Trong bối cảnh hiện nay, giá xăng dầu giảm, nhưng thuế thì không nên doanh nghiệp vẫn phải mất một khoản chi phí lớn.

Cac tap doan tu nhan hien ke toi Thu tuong trong dich Covid-19 hinh anh 2 YenPhuong.jpg

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air, đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đánh vào giá xăng dầu. Ảnh: X.Được.

Bà Phương cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp dịch vụ mặt đất giảm phí, lệ phí sân bay, phí cất - hạ cánh, giãn thời gian nộp lệ phí.

“Thái Lan, Nhật Bản và Singapore đều đã giảm, tôi mong Chính phủ cũng giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp”, bà Phương nói.

Đồng tình, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc FLC, cho biết doanh nghiệp đang giảm sâu giá vé máy bay, trong khi vẫn phải thanh toán lệ phí dịch vụ tại sân bay. Vị này đề xuất giảm chi phí, giãn tiến độ thanh toãn, giảm giá xăng dầu.

Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như các giải pháp miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí, thúc đẩy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại các khoản nợ…

Có ý kiến kiến nghị miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay, miễn giảm từ 50% tới 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương cho rằng các địa phương cũng cần học tinh thần của Thủ tướng, mời các doanh nghiệp đến lắng nghe ý kiến, hiến kế, vừa về biện pháp chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh.

Vị này nhấn mạnh sự đồng hành, chia sẻ giữa chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh có dịch bệnh. Ông cho biết trong khó khăn nhưng vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Không chỉ kiến nghị sự hỗ trợ, có tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với Nhà nước, có thể trích bớt lợi nhuận để giảm lãi suất.

Tại cuộc làm việc, các lãnh đạo các bộ, ngành cho biết cụ thể hơn về các gói hỗ trợ tài chính, tín dụng; khẳng định tinh thần luôn ủng hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Không để doanh nghiệp đình đốn

Chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao sự kiên cường vươn lên của các tập đoàn, doanh nghiệp trong cả nước, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Càng khó khăn, càng thử thách lòng người, các doanh nghiệp đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam”, ông nói.

Trân trọng các ý kiến của doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp thu tối đa để làm sao có chính sách tốt hơn, phù hợp hơn với tinh thần tạo mọi điều kiện, tháo gỡ khó khăn mà doanh nghiệp vấp phải.

Nhắc lại phát biểu trên 700.000 doanh nghiệp Việt Nam chính là những "pháo đài" trong phòng, chống dịch, Thủ tướng nêu rõ chống dịch, chống suy thoái xã hội, đặc biệt là tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, giải quyết việc làm, chống thất nghiệp, bảo đảm kinh tế vĩ mô là những yêu cầu đặt ra, không tập trung riêng một khía cạnh nào.

“Tôi vừa nói với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là giảm lãi suất và tiếp tục kích cầu nền kinh tế với những gói phù hợp nhưng phải ổn định kinh tế vĩ mô. Đấy là tiền đề rất quan trọng”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn nhân dịp này, các doanh nghiệp cần tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, ứng dụng công nghệ, tăng cường hợp tác liên kết, chia sẻ rủi ro, thậm chí chia sẻ lợi nhuận.

Chính phủ sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn. Ngoài ra cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước doanh nghiệp, không để đất nước rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp đình đốn.

Ông cũng yêu cầu cần chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân, làm sao bảo đảm nhu yếu phẩm cần thiết, chất lượng tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào là yêu cầu của Chính phủ đối với doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều. Đồng thời chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng phục hồi kinh tế sau dịch kết thúc.

“Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba. Đó là phương châm thúc đẩy phát triển của chúng ta”, ông nói.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích