Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa thông báo sẽ xét nghiệm Covid-19. (Ảnh: Philstar)
Ông Iraj Harirchi, quan chức phụ trách lực lượng chống dịch Covid-19 ở Iran, được chẩn đoán nhiễm bệnh này hôm 25/2, sau khi chính ông hạ thấp tính nghiêm trọng của dịch bệnh. 20 nghị sĩ Iran cũng đang phải cách ly vì nhiễm bệnh, và ít nhất 2 người trong đó đã thiệt mạng. Quan chức phụ trách cơ quan quản lý khủng hoảng Iran, ông Esmail Najjar cũng phải cách ly vì nhiễm virus.
Tại châu Âu, nhiều chính trị gia cấp cao ở Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Italy đã bị Covid-19 tấn công. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester được xác định dương tính với Covid-19 hôm 9/3.
Quan chức này đã có mặt tại Quốc hội nơi đã có 5 người nhiễm virus. Trước khi có triệu chứng, bà có tiếp xúc với Thủ tướng Boris Johnson và nhiều chính trị gia cấp cao khác.
Ở nước láng giềng Tây Ban Nha, ông Javier Ortega Smith, Tổng thư ký đảng cực hữu Vox dã nhiễm bệnh và kêu gọi cần đóng cửa trụ sở Quốc hội.
Tại Italy, nơi có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai sau Trung Quốc, lãnh đạo Đảng Dân chủ Italy Nicola Zingaretti thông báo qua video trên Facebook rằng ông đã “dính” virus. “Ồ, nó đã đến rồi. Tôi cũng đã có virus corona”, ông Zingaretti nói trong video đăng ngày 7/3.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrido Duterte vừa thông báo ông sẽ xét nghiệm Covid-19. Thượng nghị sĩ Christopher “Bong” Go cũng đưa ra thông báo tương tự. Còn Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, Bộ trưởng giao thông Arthur Tugade, Chủ tịch Cơ quan phát triển và chuyển đổi cơ sở Vivencio Dizon, cùng 2 thượng nghị sĩ Sherwin Gatchalian và Nancy Binay thông báo sẽ tự cách ly.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để giải thích vì sao số lượng chính trị gia dương tính với Covid-19 cao hơn tỷ lệ trung bình trong dân số. “Các chính trị gia tiếp xúc với nhiều người, có thể nhiều hơn mức của người bình thường. Họ cũng phải bắt tay và họp hành nhiều”, ông Francois Balloux, một giáo sư về sinh học tại ĐH London, nói với tạp chí Time.
Các chính trị gia có thể chủ quan vì họ được xét nghiệm nhanh chóng hơn người dân thường. Một người bình thường sẽ phải gọi điện đến đường dây nóng nếu họ có triệu chứng, còn các chính trị gia sẽ được xét nghiệm ngay.
Các chính trị gia thường nhiều tuổi hơn độ tuổi trung bình của dân số, vì thế cũng dễ nhiễm bệnh hơn.
Trong khi các chính trị gia đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao hơn, nhiều cơ sở chính trị trên thế giới không được đóng cửa, khiến virus càng lây dễ hơn. Các chính trị gia ở một số nước như Mông Cổ và Scotland tự cách ly sau khi phơi nhiễm Covid-19, nhưng nhiều chính trị gia khác như Tổng thống Mỹ Donald Trump không làm như vậy, cho dù ông đã tiếp xúc gần với các đồng nghiệp đang tự cách ly.
“Nếu đó là trường học thì người ta sẽ không ngần ngại đóng cửa. Nhưng điều mỉa mai là những người đề ra hướng dẫn lại không tuân thủ hướng dẫn”, ông Balloux nói.