Ngày 19/3, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu, trong khi những hành động ứng phó ở từng quốc gia riêng lẻ hiện nay sẽ không đủ để chống chọi với quy mô rộng lớn và phức tạp của đại dịch COVID-19.
Phát biểu họp báo trực tuyến đầu tiên kể từ khi trụ sở Liên Hợp Quốc tại New York tạm dừng các hoạt động họp thường kỳ, ông Guterres khẳng định cộng đồng quốc tế cần hành động theo chính sách phối hợp, quyết liệt và sáng tạo với đầu tàu là những nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo ông Guterres, toàn cầu đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ và các quy tắc thông thường không còn phát huy tác dụng. Ông Guterres bày tỏ hy vọng cuộc họp khẩn của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tuần tới sẽ là dịp để các nước đưa ra những giải pháp hữu hiệu đối với dịch COVID-19.
Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau đoàn kết để tìm ra giải pháp tốt nhất đối phó với đại dịch. Ông khẳng định việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của Liên Hợp Quốc.
Ưu tiên thứ hai là giải quyết những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Theo tính toán mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dịch bệnh COVID-19 sẽ khiến người lao động toàn cầu thiệt hại khoảng 3,4 nghìn tỷ USD tiền thu nhập từ nay đến cuối năm.
Chính vì vậy, ông Guterres kêu gọi các nước cần tập trung hỗ trợ những người lao động thu nhập thấp thuộc nhóm dễ tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đưa ra giải pháp để bảo đảm an sinh xã hội, giảm thiểu phá sản và thất nghiệp.
Theo ông Guterres, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính quốc tế khác sẽ đóng vai trò chính trong công cuộc phục hồi kinh tế thế giới sắp tới.
Trong khi đó, Giám đốc khu vực châu Phi của Tổ chức y tế thế giới (WHO), bà Matshidiso Moeti cho rằng châu lục này đang phải chứng kiến những diễn biến cực kỳ nhanh chóng và phức tạp của đại dịch COVID-19.
35 trong tổng số 54 quốc gia châu Phi ghi nhận các ca mắc COVID-19, với gần 650 trường hợp. Hiện một số nước châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn dụng cụ y tế, đặc biệt là các bộ kit xét nghiệm.
Bà Moeti bày tỏ quan ngại về những biện pháp hạn chế đi lại và các tác động của nó đối với khả năng cung cấp nguồn lực cần thiết trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Hiện WHO đang xem xét thiết lập các hành lang nhân đạo ở châu Phi.