Hình ảnh các tín đồ tham dự một sự kiện của đạo Hồi tại tình Nam Sulawesi, Indonesia hôm 19-3. Ảnh: THE STRAITS TIMES
Theo cập nhật của báo The Jakarta Post, đến cuối ngày 19-3, Indonesia vẫn là quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á với 25 ca. Trong khi đó, cả nước xác nhận có 311 ca nhiễm COVID-19, xếp sau Singapore và Malaysia trong khu vực.
Sự kiện tôn giáo vẫn diễn ra
Khoảng 10.000 người Hồi giáo và Cơ đốc giáo đã tham gia vào một số sự kiện tôn giáo ở Indonesia hôm 19-3, theo đài Fox News.
Đầu tiên là sự kiện tôn giáo được phong trào truyền giáo Hồi giáo Jamaat Tabligh tổ chức hôm 19-3, tương tự sự kiện tại Malaysia vào cuối tháng 2. Tại Indonesia, tín đồ Hồi giáo đã đổ về một ngôi trường ở tỉnh Nam Sulawesi trong chương trình sự kiện 4 ngày. Fox News nói rằng sự kiện này vẫn chưa được chính quyền tỉnh phê duyệt.
Những tín đồ Hồi giáo tại Indonesia tham dự sự kiện tôn giáo hôm 19-3 tại tỉnh Nam Sulawesi. Ảnh: AP
Hình ảnh và video được đăng trên mạng xã hội cho thấy những dãy lều tạm dài được dựng trên sân lớn của trường. Các tín đồ trong bộ áo choàng dài màu trắng đã ngồi hoặc ngủ cùng nhau trên một chiếc bạt lớn trải trên mặt đất.
Một thành viên ban tổ chức sự kiện tên là Sentot Abu Thoriq nói với hãng tin AP rằng rất thất vọng khi chính phủ quyết định không cho phép tổ chức sự kiện này, vốn đã lên kế hoạch từ một năm trước.
"Quyết định và điều trị bệnh rõ ràng là trái với đức tin và làm tổn thương chúng tôi" – ông Thoriq nói. “Sức khỏe, bệnh tật hay cái chết là do Thượng đế sắp đặt. Chúng tôi tin rằng Thượng đế sẽ ban phước và bảo vệ những người sùng đạo”.
Sau đó, thông tin nói rằng Ủy ban tổ chức sự kiện cũng chấp nhận quyết định của chính quyền tỉnh vì sự an toàn của người tham gia.
Ngày 19-3, tín đồ đổ về tình Nam Sulawesi tham dự sự kiện của đạo Hồi. Ảnh: THE JAKARTA POST
“Chúng tôi đã tích cực làm việc để đối phó với vấn đề liên quan đến các nhà lãnh đạo tôn giáo và lực lượng an ninh” – Thống đốc tỉnh Nam Sulawesi Nurdin Abdullah nói. “Chúng tôi đã nói với những người hành hương rằng ở trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19 và chỉ có kỷ luật thông thường mới có thể phá vỡ sự lây lan dịch bệnh”.
Ông Abdullah cho biết các đội y tế tiến hành kiểm tra thân nhiệt 8.600 người tham gia và phát hiện một số người địa phương bị sốt và đã đưa họ đến bệnh viện.
Nhân viên y tế phun xịt khử trung bên trong các lều bạt của sự kiện tôn giáo hôm 19-3. Ảnh: AP
Theo ông Abdullah, có 11 người tham dự trong số đó đến từ chín quốc gia, kể cả Malaysia, Singapore và Saudi Arabia. Những người này sẽ bị cách ly tại một khách sạn. Trong khi đó, người Indonesia sẽ được đưa về quê của họ hoặc đưa về cách ly 14 ngày trong một ký túc xá của Chính phủ.
Một cuộc tụ họp lớn của người Công giáo cũng đã được tổ chức hôm 19-3 tại một thị trấn hẻo lánh ở đảo Flores, Indonesia.
Hình ảnh của buổi lễ được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy nhiều người đã cùng nhau có mặt tại nhà thờ Ruteng, ngồi cùng nhau. Một người tham dự cho biết cơ quan y tế đã yêu cầu người tham dự đeo khẩu trang và rửa tay nhưng hầu như mọi người ít tuân thủ, theo Fox News.
Indonesia chưa sẵn sàng để phong tỏa
Tờ The Jakarta Post ngày 19-3 dẫn lời Bộ trưởng tài chính Indonesia Sri Mulyani rằng nước này vẫn chưa sẵn sàng để áp dụng các biện pháp phong tỏa. Theo bà Sri Mulyani, biện pháp phong tỏa này sẽ phá vỡ sự phân phối hàng hóa cơ bản đến các khu vực nông thôn và đông dân của đất nước.
“Vấn đề đặt ra là các nguồn nhân lực có sẵn để cung cấp các mặt hàng cơ bản. Làm thế nào để chúng tôi cung cấp các mặt hàng cơ bản đến các khu vực bị cách ly để người dân có thể tiếp cận vào các nhu cầu cơ bản của họ? Đó là mối quan tâm hàng đầu của người khác”, bà nói.
Chính phủ đẩy mạnh xét nghiệm COVID-19
Sau những chỉ trích về cách ứng phó với đại dịch, ngày 19-3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói rằng cần phải ngay lập tức tăng cường xét nghiệm COVID-19, theo The Jakarta Post.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và phu nhân đều có kết quả âm tính với COVID-19. Ảnh: THE JAKARTA POST
Theo lời ông Widodo, việc xét nghiệm là vô cùng cần thiết và ông đưa ra yêu cầu thực hiện xét nghiệm theo quá trình “drive-thru” (lấy mẫu xét nghiệm khi tài xế còn ngồi trong xe”.
“Tôi đề nghị tăng số lượng bộ dụng cụ xét nghiệm và số lượng trung tâm xét nghiệm phải có thêm nhiều bệnh viện tham gia” - ông Widodo nói.
Jakarta nói rằng rất hoanh nghênh nếu các nước ngoài đề nghị cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 cho Indonesia.
Ông Doni Monardo - người đứng đầu Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) cũng là lãnh đạo nhóm phản ứng của Indonesia đối với COVID-1-9 cho biết sẽ yêu cầu các bộ và cơ quan tạo điều kiện để dễ dàng tiếp nhận việc vận chuyển bộ dụng cụ xét nghiệm đến quốc đảo Indonesia.
“Bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh hiện chưa có sẵn ở trong nước, vì vậy chúng tôi phải mang về từ các quốc gia có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản” - ông Monardo trả lời báo chí sau cuộc họp với Tổng thống Widodo hôm 19-3.
Theo PLO