Ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đi qua quý đầu tiên của năm 2020 dưới sự tác động của đại dịch Covid-19.
Khác với những phiên họp thường kỳ trước, lần này thành phần dự họp gọn hơn và ứng dụng công nghệ thông tin để nhiều bộ ngành, địa phương tham gia theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ đã giải thích thêm về vấn đề cách ly xã hội được nêu trong Chỉ thị 16 vừa được ban hành.
Theo Thủ tướng, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.
Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội, chứ chưa phải phong tỏa, để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng; không phải là ngăn cấm giao thông mà chỉ hạn chế.
Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng công việc tốt.
Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành cũng đặt vấn đề là có hiệu lực trong vòng 15 ngày, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế việc lây nhiễm ra cộng đồng - vấn đề một số nước đã vấp phải.
“Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ. Một lần nữa, Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”.
Thủ tướng nhấn mạnh cách ly xã hội mang ý nghĩa giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, không phải cấm giao thông, phong toả xã hội. Ảnh: Việt Linh. |
Ông yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt những giải pháp có thể để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng...
“Tôi yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khoẻ, an toàn cho người dân", Thủ tướng nói.
Theo nhận định của Chính phủ, trước tình hình kinh tế thế giới đang rơi vào suy thoái, tăng trưởng của nước ta trong quý I/2020 đạt 3,82% là con số đáng kích lệ. Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng kinh tế của quý I thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (kể từ quý I/2009).
Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chỉ đạt 5,28%, thấp nhất trong vòng 6 năm qua do gặp nhiều khó khăn, thách thức về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào; khó khăn về lao động, nguồn nhân lực; khó khăn về tài chính, thị trường tiêu thụ; tăng trưởng các ngành đều thấp hơn cùng kỳ, đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-3,18%).
Phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/4. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp chỉ đạt 0,08%, thấp nhất trong 4 năm qua do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; dịch cúm gia cầm và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; một số khu vực nông nghiệp vẫn có bước tăng trưởng khá như chăn nuôi…
Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ chỉ đạt 3,27%, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm sụt giảm mạnh khách du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2020 giảm 0,8%; tính chung 3 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 4,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, tiếp tục chiều hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2020 giảm 0,72% so với tháng trước; CPI tháng 3/2020 tăng 0,34% so với tháng 12/2019; CPI bình quân quý 1/2020 tăng 5,56% so với bình quân quý 1/2019.
Điểm sáng của xuất nhập khẩu hàng hóa là xuất khẩu khu vực trong nước tăng mạnh 8,7%, nhập khẩu giảm 3,4%, xuất siêu 2,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang giảm mạnh.
Tình hình đăng ký mới doanh nghiệp có phần chững lại, mức tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Xuất hiện xu hướng doanh nghiệp tạm rút khỏi thị trường, tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, "đóng băng" hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng "ngủ đông".
Đặc biệt, do tác động của dịch, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng gia tăng.
Theo Zing