Nội dung này được Bộ Quốc phòng đề cập trong báo cáo trả lời kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Cử tri Đà Nẵng kiến nghị Bộ Quốc phòng làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trước Đảng và nhân dân trước tình trạng vừa qua có rất nhiều cán bộ, tướng lĩnh của ngành quân đội vi phạm pháp luật. Trong khi đó, quan điểm của Đảng và Nhà nước là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị.
Bộ Quốc phòng khẳng định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây cũng được xác định là một bước đột phá quan trọng trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Trong những năm qua và năm 2019, quân đội đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc. Tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ có quan điểm chính trị đúng đắn, rõ ràng, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách không có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
“Quân đội được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao trách nhiệm quản lý và sử dụng nhiều cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật có giá trị lớn. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường, một số cán bộ, đảng viên trong quân đội có biểu hiện thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo thiếu trách nhiệm, trong quản lý, chỉ huy đơn vị để xảy ra vi phạm”, Bộ Quốc phòng nhận định.
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến vừa bị Trung ương kỷ luật khai trừ khỏi Đảng vì có sai phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo đó, những vi phạm này đều được xem xét, xử lý một cách nghiêm minh, thận trọng, chặt chẽ, thấu đáo, có lý, có tình, đúng người, đúng khuyết điểm và không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”; rõ đến đâu xử lý đến đó.
Thừa nhận trong số cán bộ bị xử lý có một số cán bộ cấp tướng, song Bộ Quốc phòng cho rằng số quân nhân bị xử lý kỷ luật do tham nhũng rất ít (chủ yếu là cán bộ cấp phân đội và quân nhân chuyên nghiệp).
Riêng số quân nhân là cấp tướng không có ai bị xử lý do tham nhũng. Vi phạm của những người này chủ yếu là do buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của Nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Mặt khác, thời điểm xảy ra những vi phạm trên chủ yếu tập trung ở các nhiệm kỳ 2005-2010; 2010-2015.
Để khắc phục, ngăn ngừa các khuyết điểm trên, Bộ trưởng Quốc phòng đã chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng ngừa những biểu hiện, hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, nhất là trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Ngoài ra còn cùng cơ quan tư pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót để phòng ngừa sai phạm, tiêu cực.
Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn, rà soát, quy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với các sai phạm, thua lỗ, tồn đọng về tài chính trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo và bức xúc của nhân dân liên quan đến đất quốc phòng, không để phát sinh phức tạp.
Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ chuyển cơ quan điều tra để xác minh, điều tra, kết luận và đề xuất xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật với tinh thần kiên quyết, kiên trì không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”.
“Nơi nào để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, cấp ủy, cán bộ chủ trì phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chỉ huy cấp trên, trước Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và trước pháp luật”, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.
Theo Zing