Sáng 15.5, tiếp tục phiên họp 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo đánh giá tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng qua cho thấy nền kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề do đại dịch Covid-19.
Quý 1/2020 tăng trưởng GDP đạt thấp. Nhiều lao động bị mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.
Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015 - 2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh.
Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, nền kinh tế có một số điểm sáng là kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt 82,94 tỉ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỉ USD.
Đánh giá tình hình trong thời gian tới, ông Dũng cho hay, quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch Covid-19 và đã được đánh giá cao; quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng như: nhiều mặt hàng của Việt Nam gồm trang thiết bị y tế, gạo, nông sản... đã tìm được cơ hội để thâm nhập vào các thị trường mới; Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường thay thế trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn,...
Tuy nhiên, theo ông Dũng, do tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng gây khó khăn cho Việt Nam.
Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ khẳng định, đại dịch Covid-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam. "Căng thẳng Biển Đông sẽ tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch Covid-19 để gia tăng ảnh hưởng và sự bành trướng trên Biển Đông", ông Dũng nói.
Liên quan tới vấn đề này, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần đánh giá về tình hình và các giải pháp bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông và bảo đảm nguồn nước sông Mê Kông.
Thảo luận sau đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến, thời gian gần đây, Trung Quốc mạnh tay hơn, kiểu hành xử áp đặt rõ ràng hơn trên Biển Đông, đặc biệt là lập đơn vị hành chính, quân sự hóa biển đảo. Từ đó, ông Túy đề nghị cần có kịch bản ứng phó nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.