|
Quy trình sản xuất thuốc Remdesivir tại một nhà máy của Gilead ở Mỹ. Washington cho rằng Trung Quốc đang tấn công mạng để thu thập những nghiên cứu giá trị về COVID-19 (Ảnh: Plitico) |
Cảnh báo chung mà FBI và nhánh an ninh mạng của DHS (CISA) đưa ra nói rằng "các cơ quan chăm sóc sức khỏe, công ty dược phẩm và các tổ chức nghiên cứu đang tìm cách ứng phó COVID-19 nên thận trọng bởi họ có thể trở thành mục tiêu chính của những cuộc tấn công mạng và nên có các bước đi cần thiết để bảo vệ hệ thống của mình".
Cảnh báo mới đã nhắc lại cáo buộc của chính phủ Mỹ rằng Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch COVID-19 để thực hiện chiến dịch do thám trên mạng nhằm vào các tổ chức đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống virus corona.
Tuy nhiên, thông báo mới không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào liên quan tới sự dính líu của Trung Quốc.
Cảnh báo trên xuất hiện giữa lúc căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, khi hai bên liên tục chỉ trích lẫn nhau về cách ứng phó đại dịch. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gia tăng đòn công kích nhằm vào phía Trung Quốc, cho rằng chính quyền Bắc Kinh không minh bạch về nguồn gốc của dịch bệnh.
CNN trước đó đưa tin chính quyền Mỹ tố Trung Quốc âm mưu đánh cắp nghiên cứu về virus corona chủng mới, trong khi nhiều quan chức khác cảnh báo rằng họ nhận thấy nhiều đợt tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ và các tổ chức y tế Mỹ - những bên đang tham gia vào cuộc chiến chống COVID-19 - do các nhóm hacker nhà nước và các nhóm tội phạm thực hiện.
Bệnh viện, phòng thí nghiệm, các cơ sở dịch vụ y tế và công ty dược phẩm đều chịu ảnh hưởng từ các đợt tấn công mạng nói trên, giới chức Mỹ nói với CNN. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh - cơ quan quản lý Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ - đều hứng chịu nhiều đợt tấn công mạng hàng ngày; CNN dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay.
"Chúng ta cần phải là người đi tiên phong nếu muốn các đồng minh làm theo chúng ta" - CNN dẫn lời một quan chức an ninh quốc gia nói về cảnh báo mới được đưa ra - "Nếu đại dịch này không thể đặt các đồng minh của chúng ta vào đúng chỗ, thì cái gì sẽ làm được?".
Tờ New York Times lần đầu tiên đưa tin về cảnh báo này, sau đó thông tin được CNN xác nhận.
Bộ Tư pháp mỹ nói rằng họ đặc biệt quan ngại về các vụ tấn công mạng được thực hiện do hacker Trung Quốc, nhằm vào các bệnh viện và phòng thí nghiệm của Mỹ.
Trong hôm đầu tuần này, người đứng đầu đơn vị An ninh quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ John Demers nói với kênh CNBC rằng: "Sẽ là điên rồ nếu nghĩ rằng Trung Quốc không đứng sau một số hoạt động mạng nhằm vào các công ty dược phẩm và tổ chức nghiên cứu của Mỹ" đang tham gia nghiên cứu virus corona.
"Các nghiên cứu này hiện là chiếc chén thánh trong nghiên cứu về y sinh" và nó có "giá trị to lớn xét cả về mặt thương mại và địa chính trị"; ông Demers nói, thêm rằng các công ty của Mỹ chắc chắn sẽ muốn bán các sản phẩm của họ - các phương pháp điều trị hoặc vaccine ngừa virus corona - trong tương lai.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - người liên tiếp đưa ra các đòn công kích nhằm vào Trung Quốc liên quan tới COVID-19 - hồi tháng trước nói với hãng Fox News rằng: "Mối đe dọa lớn nhất không phải là khả năng hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh mạng, mà là đảm bảo rằng chúng ta có đủ nguồn lực sẵn có để tự bảo vệ mình trước những cuộc tấn công mạng của Trung Quốc".
Theo CNN, hoạt động do thám mạng mà Trung Quốc thực hiện nhằm vào Mỹ đã tăng đột biến tỏng những tháng sau khi dịch COVID-19 bùng phát; theo báo cáo mà Liên minh tình báo Five Eyes công bố. Nhóm này báo cáo rằng nhóm hacker APT41 của Trung Quốc đã thực hiện "một trong những chiến dịch lớn nhất mà chúng tôi đã quan sát được trong những năm gần đây".
Tuần trước, Anh và Mỹ đã đưa ra một cảnh báo mới liên quan tới các vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức nghiên cứu virus corona chủng mới, bao gồm các trung tâm chăm sóc sức khỏe, công ty dược phẩm, viện nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu dược phẩm và chính quyền địa phương.
Những bên tấn công "thường xuyên nhằm vào các tổ chức này để thu thập thông tin cá nhân, tài sản trí tuệ và thông tin tình báo thuộc ưu tiên quốc gia"; theo Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Anh (NCSC) và Cơ quan An ninh mạng và An ninh cơ sở hạ tầng (CISA), trực thuộc Bộ An ninh nội đĩa Mỹ.
"Đại dịch dường như khiến cho nhóm tin tặc APT tăng cường thu thập thông tin liên quan tới COVID-19. Ví dụ, tin tặc có thể tìm cách thu thập thông tin tình báo về chính sách y tế của quốc gia/quốc tế hoặc thu thập dữ liệu nhạy cảm liên quan tới nghiên cứu COVID-19"; theo cảnh báo mà Anh và Mỹ đưa ra.
Theo Viettimes