Ngày 13-5, thông tin từ Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 cho biết sức khỏe bệnh nhân (BN) 91 vẫn rất nguy kịch. Phổi của BN tổn thương nặng, khả năng phục hồi kém, phải nhanh chóng lên phương án ghép phổi.
Chiều qua, Bộ Y tế đã giao cho Trung tâm Ghép tạng quốc gia, BV Việt Đức làm các thủ tục chuẩn bị tiến hành ghép tạng. BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM có nhiệm vụ chuẩn bị các phương án trước khi ghép, điều trị nhiễm trùng tích cực.
Bệnh nhân 91 đã chạy ECMO được 38 ngày và phải sử dụng thuốc từ nước ngoài nhập về. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM
Tuy nhiên, để ghép phổi được BN cần tìm được người hiến tặng có yếu tố hòa hợp (về miễn dịch, kích thước, sinh hóa). Khi BN chắc chắn không còn nCoV nữa sẽ được chuyển sang BV Chợ Rẫy để ghép phổi.
Theo tiểu ban điều trị, từng có một người tình nguyện hiến phổi cho BN91 nhưng do có vấn đề về nhiễm trùng nên không thể dùng phổi của người này để ghép.
Bộ Y tế cho biết cơ quan chức năng của Anh đã tìm được một người thân của BN. Người này cũng khẳng định sẵn sàng phối hợp với ngành y tế để quyết định một số vấn đề trong công tác chữa trị cho người nhà.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Việt Nam đang cố gắng tối đa trong điều trị cho BN91. Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng với hy vọng giành lại sự sống cho BN khi các phương pháp khác đã không còn đáp ứng. Việc điều trị, cứu sống người bệnh là lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc.
BN91 năm nay 43 tuổi, là phi công người Anh, có thời gian điều trị COVID-19 dài ngày nhất ở Việt Nam (từ ngày 7-3 đến nay).
Trong thời gian điều trị, không ít lần BN rơi vào trạng thái nguy kịch, ngừng tuần hoàn ba lần, phải đặt ECMO, lọc máu.
Theo PLO