Nhiều nước kết thúc phong toả, Brazil còn chưa thể bắt đầu

Thứ hai, 11/05/2020, 15:29
Brazil đã ghi nhận hơn 11.000 ca tử vong do Covid-19 nhưng vẫn chưa tìm ra cách phong toả hiệu quả để chống dịch, do mâu thuẫn giữa các cấp chính quyền.

Brazil vẫn chưa tìm ra cách chống dịch phù hợp. (Ảnh: Reuters).

Washington Post miêu tả tại nhiều thành phố có dịch nghiêm trọng như Rio de Janeiro (Brazil), người dân vẫn tụ tập và kéo nhau ra biển dạo chơi. Tổng thống Jair Bolsonaro cũng không hề tỏ ra lo lắng, ông còn cho biết sẽ tổ chức tiệc đồ nướng vào cuối tuần.
Trong khi nhiều nước đã dỡ bỏ lệnh phong toả và tái khởi động nền kinh tế hậu đại dịch, Brazil còn chưa tìm ra được hướng đi cho mình. Thay vì đoàn kết trước kẻ thù chung, Brazil bị chia rẽ do nhiều mẫu thuẫn về cách chống dịch ở cấp nhà nước và cấp khu vực.
Một vài thành phố phía Bắc và Đông Bắc của Brazil, nơi có hệ thống y tế yếu kém, đã bắt đầu thực hiện lệnh phong toả. Song nhiều khu vực khác vẫn tiếp tục trì hoãn biện pháp này. Thị trưởng thành phố Manaus từng cảnh báo lệnh phong toả có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội.
Khi virus corona mới xuất hiện, nhiều khu vực tại Brazil đã áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội. Song người dân dần phớt lờ những quy định này khi dịch tiếp tục kéo dài.
Ở bang Sao Paulo, khu vực chịu ảnh hưởng nhất do Covid-19, chưa tới 50% người dân chịu tuân thủ các khuyến cáo phòng chống dịch. Thống đốc bang Joao Doria cho rằng sự chủ quan của Tổng thống Bolsonaro là “tấm gương xấu”, gây ảnh hưởng tiêu cực tới công chúng.
Bên cạnh đó, tình trạng nghèo đói ở Brazil cũng khiến quốc gia này gặp nhiều khó khăn khi phòng chống Covid-19.
Gần 40% dân số tại Brazil là lao động tự do, nhóm đối tượng ít nhận được sự trợ giúp. Họ không thể ngừng làm việc và cũng không thể giãn cách xã hội trong điều kiện sống tồi tàn tại các khu ổ chuột đông đúc.
Nhiều nấm mồ của bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới xuất hiện tại một nghĩa trang thuộc thành phố Manaus. (Ảnh: Reuters).
Giới chuyên gia cảnh báo nước này sẽ đối mặt với một thảm hoạ nếu không áp dụng các biện pháp chống dịch cứng rắn hơn.
“Sự chậm trễ ấy có thể gây ra thảm hoạ nhân đạo trên quy mô lớn”, Quỹ Oswaldo Cruz cảnh vào về quốc gia đông dân Brazil.
Hệ thống y tế của Brazil, vốn được coi là tốt nhất trong khu vực Mỹ Latin, đang trên bờ vực sụp đổ. Nhiều bang thiếu hụt giường bệnh và bệnh nhân phải chờ nhiều ngày mới được điều trị. Trong khi đó, nhân viên y tế và dịch vụ mai táng đều bị quá tải.
Tính đến ngày 11/5, Brazil là ổ dịch lớn thứ 8 thế giới với 162.699 ca nhiễm và 11.123 ca tử vong do Covid-19.

Theo Zing

Các tin cũ hơn