Indonesia nhờ LHQ can thiệp sau vụ tàu TQ ném xác ngư dân xuống biển

Thứ tư, 13/05/2020, 11:47
Sự việc đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Jakarta và Bắc Kinh, và Indonesia đã đề nghị Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào cuộc.

Phái đoàn Indonesia tại Liên Hợp Quốc hôm 12/5 cho biết nước này đã hối thúc Hội đồng Nhân quyền LHQ cảnh giác với các hành vi lạm dụng trong ngành thủy sản, sau vụ thi thể 3 ngư dân Indonesia bị ném xuống biển từ tàu cá Trung Quốc gần đây.

"Indonesia nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đối với hội đồng trong việc bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, cụ thể là quyền của người làm việc trong ngành thủy sản", Hasan Kleib, trưởng phái đoàn Indonesia bên cạnh LHQ tại Geneva, cho biết, theo Nikkei Asian Review.

Phái đoàn Indonesia tại Geneva đã nêu vấn đề này với hội đồng hôm 8/5 và hội đồng đang thảo luận các biện pháp để cân bằng giữa việc ứng phó với đại dịch virus corona với việc bảo vệ quyền con người.

Thuyền viên Indonesia trên tàu cá Trung Quốc trong vụ việc. Ảnh: SCMP được cung cấp.

Ba thuyền viên Indonesia đã tử vong trên các tàu cá Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 3. Thuyền trưởng cho biết họ chết vì một bệnh truyền nhiễm, và phải được chôn cất trên biển để giữ an toàn cho các thành viên còn lại.

"Trung Quốc xem việc này là chuyện nghiêm túc và đang điều tra", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên hôm 11/5.

"Phía Trung Quốc đang liên lạc chặt chẽ với phía Indonesia về vấn đề này và sẽ giải quyết đúng đắn dựa trên sự thật và luật pháp".

Vụ việc được đưa ra ánh sáng sau khi một số thuyền viên Indonesia lên bờ tại Busan, Hàn Quốc, hồi cuối tháng 4. Một trong số thuyền viên sau đó đã tử vong vì viêm phổi.

Luật sư đại diện cho nhóm thuyền viên Indonesia hôm 10/5 đã đưa ra tuyên bố chỉ ra các vi phạm nhân quyền trên tàu cá Trung Quốc. Tuyên bố cho biết thuyền viên Indonesia đã bị ép buộc làm việc 18 giờ mỗi ngày và uống nước biển lọc, trong khi thuyền viên Trung Quốc được uống nước khoáng.

Một phần tiền lương của họ cũng đang bị giữ lại. Cảnh sát Indonesia có kế hoạch mở cuộc điều tra về các cáo buộc này.

Sự việc đã gây ra căng thẳng ngoại giao giữa Indonesia và Trung Quốc. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã triệu tập đại sứ Trung Quốc hôm 7/5 để bày tỏ quan ngại của Jakarta và thúc đẩy điều tra những gì đã xảy ra.

Một tổ chức đại diện cho người di cư Indonesia cũng ra tuyên bố kêu gọi chính phủ Indonesia triệu hồi đại sứ nước này tại Trung Quốc và trục xuất đại sứ Trung Quốc tại Indonesia.

Theo ZingNews

Các tin cũ hơn