|
Ảnh: Bloomberg |
Trên tầng 9 của một tòa nhà gần sân bay Kai Tak của Hồng Kông, thầy dạy Kung Fu Lam Shu-shing đang dạy kỹ thuật cho học viên, ông đã dạy Kung Fu suốt từ năm 1978. Bức banner treo trên tường có hình người thầy của ông Lam Shu-shing, thầy của ông trước đây cũng từng dạy cho Bruce Lee.
Việc dạy được môn phái này cho thế hệ sau dường như đang trở thành thách thức lớn với thầy Lam bởi số lượng học viên theo học cứ ngày một ít đi.
Năm nay đã 70 tuổi, trước đây ông Lam từng sở hữu một phòng tập của riêng mình nhưng rồi ông phải bỏ khi ông không còn có thể tiếp tục thanh toán tiền thuê nhà: “Tôi chẳng thấy tình hình Hồng Kông có dấu hiệu gì sáng sủa hơn”.
Năm 2019, Hồng Kông trải qua nhiều tháng biểu tình căng thẳng, sau đó lại đến đại dịch Covid-19. Tình hình tại Hồng Kông trở nên vô cùng nguy nan.
Giờ đây khi mà chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới đang tính đến nới lỏng chính sách phong tỏa, Hồng Kông dường như vẫn còn đang vô cùng khó khăn: Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đang nối lại, nỗi lo về virus vẫn còn nguyên. Mối lo kép này không khỏi tác động vô cùng xấu đến hoạt động kinh doanh, điều này không khỏi khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu tương lai thành phố này sẽ ra sao, liệu Hồng Kông có giành lại được vị thế nổi trội ngày xưa hay không.
Cục trưởng Tài chính Hồng Kông, ông Paul Chan, khẳng định rằng thách thức kinh tế mà Hồng Kông đang đối mặt lớn chưa từng có. Trong quý 1/2020, kinh tế Hồng Kông suy giảm kỷ lục.
Ngay cả những trụ cột của kinh tế thành phố ví như bất động sản hay tài chính cũng đang có nhiều dấu hiệu suy yếu.
Trên thị trường bất động sản Hồng Kông, thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới, tình trạng phong tỏa đang khiến cho nhu cầu bất động sản Hồng Kông của nhóm các nhà đầu tư Trung Quốc suy giảm, theo trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn tại Savills, ông Simon Smith.
Ông Smith nói: “Rõ ràng, đại dịch đã khiến cho gần như không còn khách du lịch Trung Quốc đại lục nào đến Hồng Kông, bất ổn quay trở lại khiến cho mọi chuyện càng tồi tệ hơn nữa”. Những cá nhân giàu có đến từ Trung Quốc đại lục đã chiếm áp đảo thị trường nhà ở cao cấp, khoảng 60% người mua đến từ Trung Quốc đại lục, theo thống kê của Savills trong 10 năm qua.
Ngay cả các ngân hàng cũng đang cảm nhận được áp lực. Rủi ro với các khoản vay từ nhiều tổ chức cho vay như HSBC đang ngày một lớn dần, theo phân tích của chuyên gia cao cấp thuộc bộ phận tình báo thuộc Bloomberg, ông Francis Chan.
Cùng lúc đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một xấu đi sẽ tác động vô cùng xấu đến hoạt động cảng tại Hồng Kông nếu căng thẳng thương mại nối lại. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ giờ đang dọa trừng phạt Trung Quốc bởi những hành động chống lại người biểu tình Hồng Kông.
Cho đến nay, các công ty bán lẻ, khách sạn, quán bar và nhà hàng chịu nhiều tác động tiêu cực nhất. Du lịch đến Hồng Kông dường như đã sụp đổ do những quy định hạn chế liên quan đến Covid-19, nhiều tháng qua, người Trung Quốc đại lục cũng không dám đến Hồng Kông do bất ổn chính trị. Doanh số bán lẻ tính theo giá trị giảm hơn 40% trong tháng 3/2020 khi mà số lượng khách du lịch nước ngoài đến Hồng Kông giảm 99%.
Theo BizLive