Rất nhiều số liệu gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang phục hồi sau khi Covid-19 qua đỉnh, từ lượng than đá được đốt đến độ dài các đoạn tắc đường ở Bắc Kinh. Nhiều khoản vay được gia hạn hơn và doanh số bán ôtô cũng tăng.
Dù vậy, liệu những dấu hiệu này có thể tạo ra một nền kinh tế trong nước đủ mạnh để chống chọi với các thách thức từ bên ngoài hay không còn phụ thuộc vào khả năng các nhà máy và cửa hàng duy trì việc làm cho nhân viên và tiếp tục chi tiêu.
Hàng triệu người Trung Quốc đang thất nghiệp vì nhu cầu toàn cầu đi xuống và kinh tế trong nước tái khởi động chậm chạp. Số liệu không rõ ràng lại càng khiến việc đánh giá khả năng hồi phục khó khăn hơn.
Công nhân tại một công trường xây dựng ở Ninh Ba (Trung Quốc). (Ảnh: Bloomberg) |
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức của Trung Quốc trong tháng 4 là 5,8%. Tuy nhiên, khảo sát này lại chỉ theo dõi khu vực thành thị, vốn ổn định quanh 4-5% nhiều năm qua.
Các nhà phân tích tại BNP Paribas cho rằng tỷ lệ thực, nếu tính cả khu vực nông thôn, có thể lên 12% trong quý I. Khoảng 130 triệu người đang bị gián đoạn việc làm. Còn Zhang Bin - nhà kinh tế học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng số người thất nghiệp cuối tháng 3 có thể vào khoảng 80 triệu.
Triển vọng thị trường việc làm hiện "không lạc quan" trong bối cảnh việc phục hồi tại một số lĩnh vực phải chờ đến khi toàn cầu mở cửa trở lại, Liu Peiqian - nhà kinh tế học tại Natwest Markets cho biết. "Đà phục hồi hiện tại chủ yếu nhờ vào các chính sách của chính phủ, chứ chưa phải dựa trên sức mạnh nội tại của nền kinh tế", Liu nhận xét.
UBS group dự báo Trung Quốc sẽ có thị trường việc làm tệ nhất hơn 2 thập kỷ, với hơn 10 triệu việc làm bị mất năm nay. Trong khi đó, mục tiêu thông thường của Bắc Kinh là số việc làm tăng ròng 10 triệu mỗi năm. Trong vài tháng tới, sức ép lên thị trường việc làm nước này sẽ càng lớn, khi lượng sinh viên kỷ lục sẽ tốt nghiệp năm nay.
Tháng trước, giới chức Trung Quốc cho biết sẽ ổn định việc làm và xã hội là ưu tiên hàng đầu. Làn sóng thất nghiệp có thể dẫn đến bất ổn xã hội gia tăng, khiến giới hoạch định chính sách càng thêm đau đầu. "Mối lo lớn nhất của Bắc Kinh không phải là tăng trưởng, mà là việc làm", Lam - giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Trung văn Hương Cảng cho biết.
Bên cạnh đó, tạo ra việc làm còn có tác động lan truyền trong nền kinh tế. "Chúng tôi cho rằng tình hình việc làm và tăng trưởng thu nhập yếu đi sẽ gây sức ép lên tiêu dùng", nhà kinh tế học tại UBS Wang Tao cho biết. Dù tác động chỉ là tạm thời và việc phục hồi sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm, Wang vẫn dự báo tiêu dùng cá nhân giảm trong năm nay.
Trong trường hợp này, đà phục hồi mới nhen nhóm thông qua sức tăng tiêu thụ năng lượng và các ngành liên quan đến cơ sở vật chất sẽ khó kéo dài. Khi đó, tăng kích thích là việc cần thiết. Chính phủ Trung Quốc sẽ hé lộ nhiều chi tiết hơn về vấn đề này trong kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 22/5.
Bloomberg tuần trước đưa tin chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc bỏ mục tiêu con số với tốc độ tăng trưởng năm nay. Việc này sẽ giúp giới chức tự do hơn trong việc xác định quy mô gói kích thích.
Tháng này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cam kết tung thêm kích thích tiền tệ "mạnh tay hơn". Chính phủ cũng được kỳ vọng phát hành lượng lớn trái phiếu đặc biệt, nhằm tăng tốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Ngày mai, Trung Quốc sẽ công bố số liệu về đầu tư vào tài sản cố định trong 4 tháng đầu.
"Đà phục hồi đến nay chủ yếu vẫn nhờ nguồn cung", Larry Huawei - Giám đốc phụ trách kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Securities nhận xét, "Việc này có thể còn tiếp diễn trong vài tháng tới. Nhưng thách thức về nhu cầu, đặc biệt từ xuất khẩu và giảm phát, có thể kéo tụt đà phục hồi này".
Theo VNE