|
Nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng mạnh nếu tận dụng tốt cơ hội từ cuộc đối thoại với "Bộ tứ kim cương". |
Đây được xem là cơ hội để Việt Nam thành một mắt xích quan trọng mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Tăng tốc ở chuỗi cung ứng mới
“Bộ tứ kim cương” gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ đã bắt đầu thảo luận và mời thêm 3 quốc gia khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand về những vấn đề nóng nhất như Covid-19 và phương thức chống lại sự lây lan của đại dịch này. Nhưng theo Reuters, vấn đề mấu chốt của cuộc đối thoại bộ tứ mở rộng gần đây là nhằm giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu thông qua sáng kiến “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”.
Hãng tin này nhận định, chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong Mạng lưới kinh tế thịnh vượng, tuy nhiên, chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản, thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong - nhận định, dịch Covid-19 lộ rõ điểm yếu của các tập đoàn thời gian qua chỉ tập trung sản xuất và phụ thuộc quá lớn tại một thị trường là Trung Quốc.
Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đại địch Covid-19 là “giọt nước tràn ly” để Mỹ cũng như các quốc gia châu Âu quyết định giảm hoặc thậm chí dứt bỏ sự phụ thuộc đến mức lệ thuộc vào thị trường hàng hóa Trung Quốc.
Ngoài ra, có 2 lý do nữa khiến nhiều tập đoàn đa quốc gia ủng hộ “Bộ tứ kim cương” là chi phí sản xuất Trung Quốc đang tăng, làm ăn tại đó dễ gặp rủi ro về ăn cắp công nghệ, quyền bảo hộ tác giả không được đảm bảo…
“Vậy rời Trung Quốc rồi, các tập đoàn đi đâu? Việt Nam và Ấn Độ là hai lựa chọn tối ưu do tuyến vận tải đi lại thuận tiện, dễ dàng, có đường biển dài và quan trọng là gần Trung Quốc. Thứ hai, Việt Nam chứng minh được cho các tập đoàn thấy mình có khả năng sản xuất các mặt hàng công nghệ cao. Việt Nam phải nhìn thấy đây là cơ hội lớn để tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng thế giới do lợi thế 64% dân số trong độ tuổi lao động, chi phí lao động lại thấp hơn Trung Quốc. Một điểm mạnh mà Mỹ và các quốc gia phương Tây nhìn nhận trong trận đại dịch này là tính ổn định chính trị, niềm tin của người dân Việt vào Chính phủ trong phòng, chống Covid-19”, TS Phùng Đức Tùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng Mỹ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhưng lâu nay Mỹ tách ra khỏi khối thương mại châu Á - Thái Bình Dương và đó là điều bất lợi cho Việt Nam.
Với quyết định thành lập mạng lưới kinh tế thịnh vượng, đối thoại nhóm “Bộ tứ kim cương” và mời thêm 3 quốc gia tham dự, thì đây là cơ hội để Việt Nam phục hồi vị thế chiến lược quan trọng của mình với thị trường Mỹ tại khu vực Đông Nam Á.
"Sau đối thoại này thì có thể nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt từ Mỹ vào Việt Nam sẽ tăng. Việt Nam sẽ có vị trí tốt trên bản đồ thu hút FDI. Nhưng chúng ta không nên quá chú trọng phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ mà nên chọn hướng phát triển dịch vụ về logistics, cảng biển, du lịch, tài chính tiền tệ…”, TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Hạ tầng sẵn sàng để đón "đại gia"
Dù khá lạc quan khi nói về cơ hội, vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới sẽ gia tăng sau này, nhưng TS Phùng Đức Tùng, lưu ý: Vấn đề là Chính phủ phải đáp ứng thế nào để thích ứng dòng đầu tư mới này? Chỉ có 2 điểm Việt Nam cần cải tạo trong cuộc đối thoại tới, đó là thay đổi thể chế và cải tạo hạ tầng.
Chỉ cần có thể chế thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, dân chủ, nhà đầu tư không phải đau đầu vì các chi phí không chính thức, ắt hẳn ta sẽ thuận tiện hơn để “đón đại bàng” về Việt Nam làm tổ. Thứ hai là hạ tầng. Giả sử Apple muốn có 400 ha đất để xây nhà máy ở Bắc Ninh như Samsung thì hiện nay “thắp đuốc” tìm không ra nữa. Các khu công nghiệp đã được lấp đầy.
Nếu vậy, nhà đầu tư phải chấp nhận đi xa hơn một chút như lên Bắc Giang. Nhưng như vậy sẽ khiến chi phí logistics tăng hơn. "Muốn có hạ tầng tốt, nên để tư nhân tham gia, Chính phủ có thể mua lại. Phải có hạ tầng tốt, chính sách tốt thì mời chào các tập đoàn sẽ đến. Khi đó sẽ có nền công nghiệp phụ trợ, dịch vụ kèm theo nhanh chóng. Chính sách thu hút FDI thế hệ mới cũng phải cần ưu đãi nhưng không phải ưu đãi về thuế, thuê đất mà ưu đãi từng chi tiết nhỏ khiến nhà đầu tư an tâm. Chẳng hạn, Chính phủ sẵn sàng chi trả cho đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao mà các tập đoàn vào đào tạo, thường từ 6 tháng - 1 năm. Thứ nữa, Chính phủ nên có Ban Vận động đầu tư FDI chủ động tìm đến các tập đoàn, hỏi họ cần gì, chúng tôi đang có gì, hỗ trợ cái gì được...", TS Phùng Đức Tùng nhấn mạnh.
Còn PGS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới - phân tích, Việt Nam muốn tận dụng được cơ hội khi “Bộ tứ kim cương” muốn thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu mới thì phải xem xét tạo ra được những điểm đột phá.
Hiện nay nhiều nước cũng đang chạy đua trong việc thu hút dòng vốn đầu tư được dự báo rời bỏ Trung Quốc sau dịch Covid-19 nên có nhiều chính sách ưu đãi rất lớn. Vì vậy khi các doanh nghiệp đặt lên bàn cân để so sánh thì chắc chắn sẽ ưu tiên các quốc gia có nhiều điểm tương đồng.
Tập trung xây dựng các đặc khu kinh tế
TS Võ Đại Lược phân tích: “Trung Quốc đã có hàng trăm đặc khu kinh tế với các cơ chế thương mại tự do, chính sách minh bạch và hầu hết các tập đoàn sản xuất nước ngoài đều đặt nhà máy ở các điểm này trong khi Việt Nam chưa có cái nào.
Không nên khuyến khích ưu đãi cho dự án FDI tập trung về thuế, phí thuê đất… như hiện nay nữa mà Việt Nam nên xây dựng các đặc khu kinh tế với tiêu chí hiện đại, công khai minh bạch và cơ sở hạ tầng hàng đầu thế giới thì mới có cơ hội thu hút thêm nguồn vốn FDI từ các tập đoàn lớn, đặc biệt từ Mỹ và châu Âu. Nếu không thì cơ hội này sẽ đi qua”.
|
Theo Thanh Niên