Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết những người mong hiến phổi đã trực tiếp liên hệ tới Trung tâm. Họ đều là người Việt, sống cả trong và ngoài nước.
"Có người từ Myanmar đêm qua còn liên lạc với chúng tôi bày tỏ sẵn sàng hiến một lá phổi, miễn là đủ điều kiện ghép cho bệnh nhân phi công", ông Phúc nói.
Anh Lâm, 41 tuổi, ở Tây Ninh, là một trong những người mong muốn được hiến phổi. Anh cho biết đang sống độc thân, không hút thuốc lá, sức khỏe tốt.
"Tôi thấy thương anh phi công, nên dù phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe không tốt sau khi hiến phổi, thì tôi vẫn mong muốn được hiến một lá phổi để cứu anh ấy", anh Lâm bày tỏ với VnExpress.
Trước đó, một phụ nữ 40 tuổi và một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi đã đề nghị hiến một phần phổi. Cựu chiến binh ở Đăk Nông đã hai lần gọi điện đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
"Những người mong muốn được hiến phổi cứu bệnh nhân thực sự rất đáng trân trọng. Đây là nguồn động viên cho ngành y tế để cứu chữa bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai", ông Phúc nói, ngày 13/5.
"Bệnh nhân 91", phi công người Anh, dương tính nCoV từ ngày 18/3, là người bệnh nặng nhất hiện nay. Diễn biến sức khỏe bệnh nhân thất thường, ngày càng xấu, 90% phổi không hoạt động, can thiệp ECMO 40 ngày, lọc máu.
Bác sĩ mặc trang phục bảo hộ chuẩn bị vào phòng cách ly áp lực âm tại khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, nơi điều trị cho bệnh nhân phi công. Ảnh: Hữu Khoa. |
Các chuyên gia đầu ngành hội chẩn thống nhất chỉ định ghép phổi, đánh giá đây là cơ hội cuối cùng để cứu bệnh nhân. Nguồn phổi hiến ưu tiên từ người hiến tặng đã chết não.
Bộ Y tế cho biết vài ngày trước có người chết não hiến phổi phù hợp với "bệnh nhân 91", song rất tiếc phổi hiến không thể sử dụng do bị nhiễm trùng. Hiện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tiếp tục tìm kiếm nguồn phổi hiến phù hợp.
Theo VNE