Điều kiện nào để công bố hết Covid-19?

Thứ năm, 14/05/2020, 12:35
Việt Nam đã khống chế được Covid-19 trong cộng đồng, nhưng chưa đủ điều kiện để công bố hết dịch trên toàn quốc.

Đến ngày 14/5, Việt Nam trải qua 28 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số 288 ca nhiễm, 252 người được chữa khỏi, 36 người đang điều trị.

PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng Việt Nam đã khống chế được Covid-19 trong cộng đồng, nhưng chưa đủ điều kiện để công bố hết dịch trên toàn quốc. Theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, việc công bố hết dịch phải đáp ứng các điều kiện: không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định; đáp ứng điều kiện khác với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng; đã thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định.

Ngày 1/4, Thủ tướng công bố Covid-19 trên toàn quốc. Vì vậy, Thủ tướng cũng sẽ công bố hết dịch, trên cơ sở đề nghị của Bộ Y tế. Hiện Covid-19 đã được bổ sung vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao), thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày; thời gian không phát hiện ca nhiễm mới là 28 ngày (tính từ ngày người mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế). Như vậy, thời gian không phát hiện ca nhiễm mới là một trong những cơ sở để công bố hết dịch bệnh. Hiện Việt Nam vẫn còn 36 ca bệnh nên chưa đủ điều kiện để công bố.

Ông Nga phân tích thêm, dù đã khống chế được dịch bệnh trong cộng đồng, Việt Nam vẫn còn nguy cơ lây nhiễm. Thời gian tới, nhà chức trách sẽ tiếp tục đón người Việt Nam về nước, đều được cách ly ngay, nhưng vẫn có nguy cơ lây chéo trong khu cách ly và ra cộng đồng. "Những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở, không được cách ly, vẫn có thể là nguy cơ lây nhiễm", ông nói và cho rằng Việt Nam chỉ nên công bố hết Covid-19 trên toàn quốc khi đã hết ca nhiễm, đồng thời không còn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Đại tá Hà Thế Tấn, Viện phó Y học dự phòng quân đội.

Đại tá Hà Thế Tấn, Phó viện trưởng Viện Y học Dự phòng quân đội, cho rằng với các bệnh truyền nhiễm, từ khi ghi nhận ca bệnh cuối cùng đến thời điểm hai lần thời gian ủ bệnh mà không phát hiện ca nhiễm mới, thì có thể công bố hết dịch. "Covid-19 có thời gian ủ bệnh 14 ngày, vậy nên sau 28 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới thì có thể công bố hết dịch trong cộng đồng", ông Tấn phân tích.

Tuy nhiên, ông lưu ý Covid-19 là dịch bệnh mới, chưa có nghiên cứu đầy đủ nên vẫn có thể xảy ra trường hợp có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn 14 ngày. Trong số ca nhiễm ở Việt Nam, đa số thời gian ủ bệnh từ 3 đến 7 ngày, chưa ghi nhận trường hợp nào trên 14 ngày. Vì vậy, Việt Nam đủ điều kiện công bố hết Covid-19 trong cộng đồng. Nhưng trong nước vẫn còn ca nhiễm nCoV đang điều trị tại cơ sơ y tế hoặc trung tâm cách ly, nên chưa thể công bố hết Covid-19 trên toàn quốc.

Theo ông Tấn, Việt Nam vẫn nên tiếp tục duy trì chính sách hạn chế, kiểm soát và cách ly đối với người nhập cảnh, để tránh nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài.

Trước đó ngày 10/5, trả lời báo chí, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, nguy cơ lây xuất hiện các trường hợp nhiễm nCoV trong cộng đồng tại Việt Nam ở mức rất thấp. "Còn vấn đề Việt Nam có công bố hết dịch hay không, chúng tôi xác định đến khi có đủ điều kiện và không còn ca nào nhiễm bệnh thì mới công bố. Chúng ta vẫn đặt trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng, không được chủ quan, lơ là, để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả", Thứ trưởng Long nói.

Theo VNE

Các tin cũ hơn