Hôm 14-7, Mỹ ra tuyên bố lập trường về các yêu sách hàng hải tại Biển Đông. Đáng chú ý, hầu hết yêu sách của Trung Quốc (TQ) tại khu vực này đều bị bác bỏ. Động thái này diễn ra không lâu sau khi Washington đệ trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của Bắc Kinh.
PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (VN), nhận định các tuyên bố của Mỹ góp phần ủng hộ các quan điểm, yêu sách về biển của VN trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
Tuyên bố Mỹ tương đồng lập trường VN
. Phóng viên: Ông nhận xét như thế nào về thái độ của Mỹ trong tuyên bố phản đối các yêu sách hàng hải của TQ ở Biển Đông?
. Khi đối chiếu lập trường của Mỹ với VN về Biển Đông, ông có nhận xét gì?
+ Có thể nói là tất cả các điểm trong tuyên bố của Mỹ đều phù hợp với lập trường và quan điểm của VN thể hiện trong Công hàm số 22/HC-2020 của VN gửi tổng thư ký LHQ. Trong đó, chúng ta phải đặc biệt kể đến bốn lập trường tương đồng sau đây:
Thứ nhất, tuyên bố của nhà cầm quyền Bắc Kinh về chủ quyền đối với tài nguyên trên hầu như toàn bộ Biển Đông và những hành động bắt nạt để thực thi tuyên bố chủ quyền này là tuyệt đối trái luật pháp quốc tế.
Thứ hai, TQ không có cơ sở pháp lý chặt chẽ cho tuyên bố “đường lưỡi bò” trên Biển Đông mà Tòa Trọng tài thành lập theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã phán quyết bác bỏ vào ngày 12-7-2016.
Thứ ba, bác bỏ các tuyên bố vùng biển vượt quá 12 hải lý của TQ ở các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Do vậy, bác bỏ các tuyên bố quyền chủ quyền của TQ đối với vùng biển bãi Tư Chính (ngoài khơi VN), bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia), vùng biển nằm trong EEZ của Brunei, vùng biển Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia). Các hành động quấy rối đối với các hoạt động khai thác dầu khí và đánh cá của các nước khác hoặc đơn phương khai thác dầu khí và đánh cá của TQ trong các vùng biển đó là trái phép.
Cuối cùng, thế giới sẽ không cho phép TQ coi Biển Đông là ao nhà. Mỹ đoàn kết với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á để bảo vệ quyền chủ quyền của họ với tài nguyên ngoài khơi phù hợp với quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của luật pháp quốc tế. Mỹ đoàn kết với cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền tự do biển cả, tôn trọng chủ quyền, bác bỏ cách áp đặt “có thể tạo ra quyền” của TQ đối với Biển Đông và một khu vực rộng hơn.
Như vậy, tuyên bố của Mỹ cũng có thể được coi như một bằng chứng cho thấy sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường và quan điểm đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế của VN. Điều đó có lợi rất lớn cho VN trong các cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao và pháp lý để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của VN trên vùng biển VN và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Mỹ duy trì hoạt động quân sự và tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông để đối trọng Trung Quốc. Trong ảnh: Tàu USS Theodore Roosevelt. Ảnh: AFP/GETTY
Lý do Mỹ ủng hộ Đông Nam Á
. Việc Mỹ chọn thời điểm vừa kết thúc tuần lễ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ với VN để ra tuyên bố nói trên là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay hữu ý?
+ Như trong tuyên bố của Mỹ, họ có quyền lợi quốc gia trong việc duy trì luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không, hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Mỹ cũng đã tuyên bố công nhận và ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông và đã nhiều lần phản đối TQ bắt nạt, xâm phạm chủ quyền của nhiều nước.
Tuyên bố lần này của Mỹ chỉ là tiếp nối những hoạt động có hệ thống của Mỹ về vấn đề này. Việc Mỹ ủng hộ VN và các nước Đông Nam Á là đương nhiên vì quyền lợi trên Biển Đông của Mỹ và quyền lợi của VN và các nước Đông Nam Á là song trùng; và chỉ ủng hộ VN cùng các nước Đông Nam Á khác trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ, Mỹ mới có thể đạt và bảo vệ được lợi ích của mình.
. Mỹ mới đây đã gửi công hàm lên LHQ phản đối TQ và nay là phản đối Bắc Kinh với cộng đồng quốc tế về vấn đề Biển Đông. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới đại kế hoạch hướng ra biển lớn của TQ?
+ Cần nhớ rằng không chỉ Mỹ mà các nước xung quanh Biển Đông khác như Philippines, Malaysia, Indonesia gần đây cũng đã tỏ thái độ rất cứng rắn với TQ. Dưới các áp lực này, TQ chắc chắn sẽ phải cân nhắc rất kỹ càng khi tiến hành các hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Có thể về vẻ ngoài TQ không có thay đổi nhưng bản chất cách hành xử trên Biển Đông của TQ sẽ có những thay đổi để tìm cách thích nghi.
Mỹ bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hôm nay, chúng tôi tăng cường chính sách của Mỹ tại một vùng có tranh chấp, có ý nghĩa sống còn tại khu vực đó - Biển Đông. Chúng tôi tuyên bố: Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó là hoàn toàn bất hợp pháp. (Trích lập trường của Mỹ về các yêu sách hàng hải |
Không cần ngại Trung Quốc gây sức ép
. Có lo ngại rằng TQ sẽ làm khó và gây sức ép VN khi quan hệ Việt - Mỹ ngày một gắn bó, nhất là về Biển Đông. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
+ Rõ ràng là nếu chúng ta chùn bước thì TQ sẽ lấn tới. Thực tế từ trước tới nay TQ luôn có chiến thuật “mềm nắn, rắn buông”. TQ thừa biết các hành động bắt nạt, tìm cách tước đoạt quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN và các nước khác trong vùng biển của các nước này là trái luật. Tuy nhiên, họ vẫn cố làm vì nghĩ rằng bằng cách “có thể tạo ra quyền”, cuối cùng họ sẽ thắng. Tôi tin rằng những hành động quyết đoán của VN, của Mỹ và các nước khác sẽ không làm tình hình Biển Đông căng thẳng thêm, mà ngược lại giúp giảm căng thẳng, duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
. Cuộc đối đầu giữa Mỹ và TQ ngày càng toàn diện và rõ ràng. Khả năng TQ mượn kinh tế và các công cụ khác để làm khó VN như từng làm với Philippines là hoàn toàn khả dĩ. VN cần ứng xử như thế nào trong cuộc đối đầu giữa “hai ông lớn” này?
+ Điều này rất đơn giản. Lập trường của VN là tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển. Như vậy, VN ủng hộ tất cả hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế; phê phán và bác bỏ các hoạt động không phù hợp với luật pháp quốc tế. VN sẽ làm điều này với tất cả các nước, không chỉ là đối với Mỹ hoặc TQ. Như vậy, việc bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia của VN trên Biển Đông không mâu thuẫn với đường lối ngoại giao “bốn không” của VN. Đó là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ VN để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Quan điểm của Mỹ về Hoàng Sa . Cho đến nay, chính phủ Mỹ chưa nêu quan điểm về Hoàng Sa. Theo quan sát của ông, liệu người Mỹ có lập trường như thế nào về Hoàng Sa? + Quan điểm của chính phủ Mỹ là những gì tranh chấp thì phải giải quyết bởi các bên tranh chấp và nếu các bên không giải quyết được thì phải ra tòa án quốc tế. Vì về mặt luật pháp quốc tế, quần đảo Hoàng Sa vẫn là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa TQ với VN nên Mỹ chưa thể có phát biểu gì về Hoàng Sa. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng năm 2014, Đại tá Raul Pedrozo (cựu cố vấn pháp lý thuộc Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ) đã công bố một báo cáo với nhan đề “TQ và VN: Phân tích các yêu sách chủ quyền đối lập tại Biển Đông” tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA). Ấn phẩm đặc biệt này được thực hiện dưới sự tài trợ của chính phủ Mỹ. Trong nghiên cứu ấy, Đại tá Raul Pedrozo đã bác bỏ những lập luận của TQ và kết luận rằng bằng chứng chủ quyền của VN trên quần đảo Hoàng Sa mạnh hơn bằng chứng của TQ rất nhiều. |
Theo PLO