Chuẩn bị tình huống khẩn cấp trên chuyến bay phi công hồi hương

Thứ bảy, 11/07/2020, 19:30
Các chuyên gia chia hành trình 32 giờ bay đến London, Anh, của bệnh nhân phi công thành 7 giai đoạn di chuyển có thể ảnh hưởng sức khỏe, tình huống xấu nhất sẽ hạ cánh khẩn cấp.

Theo Vietnam Airlines, bệnh nhân phi công đi chuyến bay lúc 19h ngày 11/7 từ TP.HCM ra Hà Nội, sau đó chuyển tiếp sang chuyến bay thương mại đi London khởi hành lúc 23h cùng ngày. Toàn bộ hành trình bay kéo dài 32 giờ, quá cảnh Frankfurt (Đức). Bệnh nhân ngồi ở hạng ghế thương gia.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - nơi bệnh nhân vừa kết thúc điều trị sáng 11/7, cho biết dù bệnh nhân khỏi hoàn toàn Covid-19 và đủ điều kiện sức khỏe để về nước, trên hành trình vẫn cần hỗ trợ y tế sát sao do chưa thể tự di chuyển và hồi phục 100% như người bình thường.

Các chuyên gia từ Tiểu ban Điều trị thược Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Tổng Lãnh sự quán Anh, công ty bảo hiểm của bệnh nhân, phòng khám Family - đơn vị y tế vận chuyển và Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines - đơn vị chủ quản của bệnh nhân đã họp, bàn bạc kỹ lưỡng mọi chi tiết nhỏ nhất, chuẩn bị phương án xử trí các tình huống xấu có thể xảy ra để đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân.

Bác sĩ Thức chia sẻ: "Chúng tôi đã tính toán từng giai đoạn một. Mỗi giai đoạn đó đều dự phòng từng tính huống nặng nhất có thể xảy ra đối với sức khỏe bệnh nhân".

Các chuyên gia nhận định bệnh nhân vừa trải qua bạo bệnh, đặc biệt phổi từng tổn thương gần như đông đặc hoàn toàn, mắc hội chứng "bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng quá mức chống lại cơ thể... Những bệnh lý này quá đặc thù. Do đó một trong những tình huống xấu nhất là có thể áp suất không khí khi máy bay ở độ cao không trung ảnh hưởng đến phổi bệnh nhân.

Theo bác sĩ Thức, các chuyên gia đã thảo luận từng chi tiết nhỏ nhất, như dùng loại máy bay nào vận chuyển, vị trí chỗ ngồi trên máy bay, tư thế ngồi, cách để chân của bệnh nhân. Áp lực trong khoang máy bay suốt quá trình vận chuyển cũng được tính toán ở mức phù hợp, nhằm bảo đảm oxy cho bệnh nhân.

"Nếu buộc phải cấp cứu trong quá trình vận chuyển, thì bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng khám, bệnh viện gần nhất. Chúng tôi đã liên hệ và làm việc trước với đội ngũ bác sĩ nước ngoài, phòng tình huống bất khả kháng hạ cánh khẩn cấp để bệnh nhân có thể được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Thức chia sẻ.

Bệnh nhân phi công nhận giấy ra viện và chứng nhận 9 lần âm tính nCoV, cùng Cục trưởng Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (bìa phải) và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, sáng 11/7. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân phi công nhận giấy ra viện và chứng nhận 9 lần âm tính nCoV, cùng Cục trưởng Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (bìa phải) và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, sáng 11/7. Ảnh do bệnh viện cung cấp.

Đại diện Phòng khám Family đảm nhiệm y tế vận chuyển bệnh nhân, cho biết đã chia hành trình bay thành 7 giai đoạn di chuyển về tới bệnh viện quê hương bệnh nhân ở Scotland. Phòng khám này được công ty bảo hiểm của bệnh nhân chọn là đơn vị y tế tham gia vận chuyển.

Bệnh nhân phi công người Anh gốc Scotland, 43 tuổi, "bệnh nhân 91", ra viện sáng nay, kết thúc 115 ngày điều trị Covid-19 và hồi sức tích cực. Quá trình điều trị anh ta trải qua hai giai đoạn, bao gồm hơn 60 ngày điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, đến khi sạch nCoV được chuyển sang điều trị nội khoa ở Bệnh viện Chợ Rẫy gần hai tháng.

Đây là bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Việt Nam. Bệnh nhân đã trải qua nhiều thời điểm nguy kịch như "bão cytokine", rối loạn đông máu, phổi đông đặc chỉ còn 10% hoạt động, nhiễm trùng máu, tràn khí màng phổi...

"Tất cả trí tuệ của chuyên gia y tế, bác sĩ, điều dưỡng trên khắp cả nước được tận dụng mới cứu được bệnh nhân", Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định.

Theo VNE

Các tin cũ hơn