Nghiên cứu xây cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng

Thứ sáu, 10/07/2020, 16:57
Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đang nghiên cứu hai phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm và Long Biên.

Ngày 10/7, đại diện UBND Hà Nội cho biết, thành phố đã giao TEDI nghiên cứu phương án xây cầu Trần Hưng Đạo. Trước đây, thành phố dự kiến xây dựng hầm song qua khảo sát cho thấy địa chất và thủy văn sông Hồng khá phức tạp, chi phí xây dựng hầm lớn. Cầu qua sông sẽ có chi phí thấp hơn hầm và có thể tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc trong trung tâm thành phố.

Tiêu chí đặt ra với cầu Trần Hưng Đạo là hiện đại, mang đặc trưng văn hóa truyền thống của Hà Nội và tạo dựng thương hiệu cho thành phố. Ngoài ra, đường dẫn hai đầu cầu đảm bảo kết nối hiệu quả giao thông trong khu vực.

Phối cảnh phương án kiến trúc thứ nhất của cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: TEDI.

Phối cảnh phương án kiến trúc thứ nhất của cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: TEDI.

Theo nghiên cứu của TEDI, dự án cầu Trần Hưng Đạo có điểm đầu tại ngã 5 nút giao với đường Lê Thánh Tông - Trần Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng; điểm cuối vượt qua đường Nguyễn Văn Linh, kết nối với đường quy hoạch tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Toàn tuyến dài 5,5 km, trong đó phần cầu vượt sông dài 2,4 km, còn lại là đường dẫn hai đầu cầu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng.

TEDI đang nghiên cứu hai phương án kiến trúc cầu. Phương án một theo kiến trúc Đông Dương, điểm nhấn là biểu tượng trụ cổng giống các cửa ô của thủ đô tạo ra không gian cổ kính.

Phương án hai với điểm nhấn là trụ cầu mô phỏng thanh kiếm của Trần Hưng Đạo vươn lên bầu trời, gắn với trận chiến Bạch Đằng. Cầu có kết cấu dầm - cáp hỗn hợp, không phải cầu dây văng. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm để đưa ra phương án khả thi nhất để trình hội đồng kiến trúc thành phố", đại diện TEDI cho hay.

Phương án thứ hai cho cầu Trần Hưng Đạo.

Phương án thứ hai cho cầu Trần Hưng Đạo. Ảnh: TEDI.

Theo đại diện tư vấn, cầu Trần Hưng Đạo được xác định nằm ở vị trí quan trọng, kết nối không gian hai khu vực Hoàn Kiếm và Long Biên. Ngoài việc tạo điểm nhấn cho khu vực, cần này phải thuận lợi cho việc lưu thông các loại tàu thuyền trên sông Hồng và phục vụ cho phát triển du lịch, cũng như chiều cao tháp không ảnh hưởng tĩnh không vì nằm gần sân bay Gia Lâm.

Về quy mô, cầu rộng 31 m, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và hai dải đi bộ; tốc độ
thiết kế xe đạt 80 km/h. Trên tuyến sẽ có 5 nút giao gồm nút đầu tuyến tại ngã 5 đường Trần Thánh Tông; đê Hữu Hồng; nút giao với trục đường quy hoạch phía Long Biên; đê Tả Hồng và nút giao với đường Nguyễn Văn Linh.

Vị trí cầu Trần Hưng Đạo.

Vị trí cầu Trần Hưng Đạo.

Phương án kiến trúc cuối cùng sẽ trình UBND thành phố Hà Nội trước tháng 10 năm nay. Thành phố sẽ thành lập Hội đồng kiến trúc để đánh giá, thẩm định các phương án kiến trúc cầu theo đề xuất của tư vấn, sau đó xem xét chủ trương và phương thức đầu tư cầu Trần Hưng Đạo.

Theo quy hoạch giao thông đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng. Hiện nay đã có 8 cầu gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy (giai đoạn 1), Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Việt Trì - Ba Vì.

Trong quy hoạch sẽ có thêm 10 cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5), Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).

Theo VNE

Các tin cũ hơn