Thi thể Thị trưởng Seoul Park Won-soon, 64 tuổi, rạng sáng ngày 10/7 được tìm thấy tại khu vực núi Bukak, gần dinh thự của ông. Cảnh sát tin rằng đây là một vụ tự tử. Chiều 9/7, con gái ông báo cảnh sát về việc cha cô bỏ nhà đi và để lại lời nhắn thoại như lời vĩnh biệt.
Thị trưởng Park Won-soon (giữa) hồi năm 2019. Ảnh: AFP.
Trước khi chết, Thị trưởng Park đang đối mặt với cuộc điều tra cáo buộc quấy rối tình dục sau khi một nữ thư ký nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát tối 8/7. Người này nói rằng ông đã có hành vi tiếp xúc cơ thể trái ý muốn đối với cô từ năm 2017. Cô cũng nói với các nhà điều tra rằng một số nhân viên nữ tại Tòa thị chính Seoul bị ông Park quấy rối tình dục và giao tin nhắn với ông Park cho cảnh sát để làm bằng chứng.
Dù cảnh sát chưa xác nhận, sự việc đã gây chấn động tại Hàn Quốc, đồng thời một lần nữa cho thấy mức độ nghiêm trọng của nạn quấy rối tình dục ở quốc gia này, khi hàng loạt bê bối liên quan đến tình dục gần đây liên tục được phơi bày trên truyền thông.
Hồi tháng 4, Oh Keo-don, thị trưởng Busan, thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc, thừa nhận có hành vi không đúng mực và phải từ chức sau khi một nữ công chức cáo buộc ông này tấn công tình dục cô tại văn phòng.
Năm 2018, Ahn Hee-jung, ngôi sao đang lên trong đảng Dân chủ của Tổng thống Moon Jae-in, từ chức thống đốc tỉnh Nam Chungcheong do bị thư ký tố cáo trên truyền hình rằng ông nhiều lần tấn công tình dục cô. Ahn sau đó lĩnh án 3,5 năm tù với tội danh hiếp dâm.
Cuối tháng trước, cái chết của Choi Sook-hyun, 22 tuổi, vận động viên ba môn phối hợp thuộc đội tuyển thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Geyongsang, cũng làm bùng lên làn sóng giận dữ trong xã hội Hàn Quốc. Choi ngày 26/6 tự tử sau khi nộp đơn khiếu nại về tình trạng bạo hành và lạm dụng mà cô phải chịu từ huấn luyện viên và bác sĩ.
Vận động viên ba môn phối hợp Hàn Quốc Choi Sook-hyun. Ảnh: International Triathlon Union.
Gia đình Choi cho biết cô cảm thấy thất vọng và tức giận vì nhận thấy quá trình điều tra không tiến triển. Nhiều đồng nghiệp của Choi đã từ chối ra làm chứng, dường như vì sợ bị trả thù.
Đoạn băng ghi âm mà Choi để lại cho thấy cô bị đánh đập nhiều lần, bị bạo hành tinh thần bằng lời nói và bị quấy rối bởi huấn luyện viên, bác sĩ cùng các tiền bối.
"Cô kia! Lại đây! Ngậm mồm lại", một giọng nam cất lên trong đoạn ghi âm, theo sau là tiếng tát liên tục. "Tôi sẽ dạy cho cô một bài học nếu ngày mai còn hờn dỗi! OK?". Choi viết trong nhật ký rằng cô đã khóc mỗi ngày, cảm thấy mình thà chết còn hơn là bị đánh đập "như một con chó".
Đầu năm 2019, Shim Suk-hee, vận động viên trượt băng nổi tiếng từng giành 4 huy chương Olympic, tố cáo huấn luyện viên cũ đã lạm dụng tình dục, thậm chí cưỡng bức cô khi cô mới 17 tuổi.
Shim cho hay huấn luyện viên tên Cho nhiều lần đánh đập dã man cô và gây ra những vết thương nghiêm trọng. "Ông ấy thường xuyên đánh và chửi mắng tôi từ khi tôi mới lên 7, có lần ông ta dùng gậy hockey và đánh gẫy ngón tay tôi", Shim kể.
Theo số liệu trích dẫn từ một báo cáo của Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc, nhà chức trách nhận được 124 báo cáo về bạo lực thể chất và tấn công tình dục đối với các vận động viên trong 5 năm qua, trong đó có 16 vụ cưỡng hiếp. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng con số thực tế chắc chắn phải cao hơn.
Bên cạnh đó, đa phần những vận động viên bị quấy rối, bạo hành lại không tìm kiếm sự giúp đỡ dưới bất kỳ hình thức nào. "Cha mẹ của nhiều nạn nhân vị thành niên từ bỏ kiện cáo sau khi một quan chức thể thao, thường là bạn của kẻ lạm dụng, nói với họ 'Anh chị có muốn nhìn thấy tương lai con mình bị hủy hoại không?'", Chung Hee-joon, một nhà bình luận thể thao, chia sẻ.
Không chỉ ở giới chính trị và thể thao, giới giải trí Hàn Quốc cũng tồn tại rất nhiều góc khuất.
Sau khi #MeToo, phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục ở phụ nữ, lan đến Hàn Quốc, nam diễn viên Jo Min-ki bị tố quấy rối tình dục và lạm dụng sinh viên tại Đại học Cheongju, nơi Jo giảng dạy kịch từ năm 2004. Lời cáo buộc đầu tiên được đưa ra vào ngày 20/2/2018, khi một bài đăng trực tuyến nặc danh cho biết nam diễn viên đã quấy rối tình dục một số nữ sinh viên. Ngay trong ngày hôm đó, Jo đã bị cách chức.
Tiếp theo là một chuỗi cáo buộc khác, nhưng diễn viên này phủ nhận hoàn toàn. Sau khi 10 phụ nữ đứng ra tuyên bố họ là nạn nhân, Jo cuối cùng thú nhận hành vi của mình vào ngày 27/2. Cảnh sát bắt đầu mở cuộc điều tra nhưng trước ngày thẩm vấn, Jo đã tự tử.
Đầu năm 2019, Hàn Quốc tiếp tục chấn động vì bê bối liên quan đến hộp đêm Burning Sun của Seung Ri, thành viên nhóm nhạc nổi tiếng Big Bang. Hộp đêm này bị cáo buộc trốn thuế, buôn bán ma túy, tiếp tay cho hành vi hiếp dâm, quay lén, bạo lực.
Hồi tháng ba năm nay, vụ "Phòng chat thứ N", chỉ các nhóm trên ứng dụng nhắn tin, gọi điện Telegram mà các nghi phạm lập ra để chia sẻ ảnh, video nhạy cảm của phụ nữ, lại một lần nữa gây rúng động. Người mua trả từ 250.000 won đến 1,5 triệu won cho nghi phạm để được xem các video này.
Cho Ju-bin, chủ mưu "phòng chat thứ N". Ảnh: Reuters.
Nhóm nghi phạm, gồm hơn 10 người, ở độ tuổi ngoài 20, kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội và ứng dụng kết bạn. Chúng gửi link giả mạo cho nạn nhân, lừa họ đăng nhập tên và mật khẩu trang cá nhân, từ đó thu thập thông tin cá nhân. Ít nhất 74 người bị lừa, trong đó có nhiều nữ sinh vị thành niên, nhỏ nhất 11 tuổi.
Các nghi phạm dùng mánh khóe ép nạn nhân quay video, chụp ảnh khỏa thân, dùng các vật nguy hiểm thủ dâm hoặc bị ép ra phố nói lời tục tĩu, khiêu dâm với người qua đường. Thậm chí, có nạn nhân bị tra tấn man rợ. Nếu các cô gái không phục tùng, chúng dọa công khai những hình ảnh, video đã chụp trước đó.
Lý giải cho việc nhiều nạn nhân cam chịu, không lên tiếng khi bị quấy rối tình dục, công tố viên Seo Ji-hyun cho rằng nguyên nhân có thể là do họ sợ bị kẻ quấy rối kiện ngược, cáo buộc họ đóng vai "rắn hoa", một cụm từ thông dụng ở Hàn Quốc ám chỉ những phụ nữ quyến rũ đàn ông để moi tiền.
Mặt khác, dù quan niệm "trọng nam, khinh nữ" đã giảm bớt trong xã hội Hàn Quốc, nó vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể đối với cách nhìn nhận vấn đề của một bộ phận người dân. Với nhiều người, phụ nữ luôn là kẻ có lỗi.
Phong trào #MeToo đang từng bước tạo ra thay đổi, đặc biệt trong suy nghĩ của người dân về vấn đề bạo hành, quấy rối tình dục phụ nữ tại Hàn Quốc. Vài năm gần đây, hàng nghìn phụ nữ đã tham gia các cuộc biểu tình trên khắp đất nước nhằm đòi quyền lợi và bảo vệ cho các nạn nhân.
"Nếu phải kể một điều mà phong trào #MeToo tại Hàn Quốc đạt được, đó là nó đã làm thay đổi cách mà xã hội và cộng đồng của chúng ta nhìn nhận hành vi tấn công tình dục", công tố viên Seo nói. "Nó khiến nhiều người nhận ra rằng kẻ tấn công tình dục nên cảm thấy xấu hổ chứ không phải các nạn nhân, lỗi lầm không nằm ở nạn nhân mà là do xã hội đã dung túng cho những kẻ lạm dụng và kỳ thị họ. Tấn công tình dục không phải vấn đề cá nhân mà là một vấn đề công khai, có tính hệ thống, đòi hỏi mọi người phải lên tiếng".
Nhưng theo bà, những thay đổi hiện nay thực sự chưa theo kịp mong muốn tạo ra thay đổi của người dân. Trong 219 điều luật liên quan đến #MeToo được trình lên Quốc hội Hàn Quốc năm 2018, chỉ 11 luật được thông qua, hầu hết chỉ là tăng mức phạt đối với tội phạm tình dục. Chẳng hạn, với tội hiếp dâm, luật vẫn yêu cầu nạn nhân phải chứng minh họ đã đấu tranh bằng tất cả sức lực để chống lại kẻ tấn công mình, một điều vô cùng khó khăn.
Theo VNE