Ngày 22/7, ông Nguyễn Nhân Chinh (36 tuổi) - con trai đương kim Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Chỉ 15 ngày sau, ông Chinh lại được điều động nắm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh.
Trước việc điều động, chỉ định nhân sự chóng vánh này của tỉnh Bắc Ninh, PV VTC News có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh điều động ông Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh đã gây xôn xao dư luận, chỉ 15 ngày sau, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh lại ra quyết định mới thay vị trí ông Chinh. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Tôi nghĩ rằng bố trí ông Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh là do nội bộ nể nang Bí thư Tỉnh ủy. Việc chỉ định ông Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh không sai quy trình, nhưng có điều chỉ định sau Đại hội trên dưới 1 tháng là điều bất bình thường.
Đương nhiên cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất mới điều được nhưng có lẽ một số người trong ban đó nể nang, trong đó có ông Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy nên mới đề xuất đưa ông Chinh về làm Bí thư Thành ủy.
- Trước đó, Bắc Ninh khẳng định việc bổ nhiệm trên “không vướng quy định nào của Đảng”. Vậy tại sao không vướng quy định nào của Đảng mà lại phải thay đổi?
Trong Đảng được quyền chỉ định mà không cần phải bầu, ví dụ chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư được quyền chỉ định mà không phải thông qua tập thể, thông qua Đại hội bầu, đó là theo quy định rất rõ ràng cho nên người ta cho rằng chỉ định là đúng.
Nhưng chỉ định ai, chỉ định thời điểm nào? Chỉ định trước Đại hội thì sẽ đúng hơn, khi chỉ định xong vào Đại hội bầu thì sẽ phù hợp. Đằng này để Đại hội bầu rồi mới chỉ định thì tôi cho rằng "anh ta" sợ rớt cho nên "anh ta" mới chỉ định sau.
Bây giờ mình đặt vấn đề nếu ông Chinh không phải là con của Bí thư Tỉnh ủy thì có đưa được về làm Bí thư thành ủy Bắc Ninh hay không? Thực tế mà nói tôi rất đồng tình đưa các cán bộ trước Đại hội để cho Đại hội bầu, đại biểu đi dự Đại hội sẽ cân nhắc, người ta tín nhiệm bỏ phiếu, nếu không tín nhiệm sẽ không bỏ phiếu.
Tôi nghĩ Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh sợ rằng nếu đưa về trước Đại hội và đưa vào Đại hội bầu thì ông Chinh sẽ không trúng, nên sau Đại hội rồi chỉ định là an toàn nhất.
Ông Nguyễn Nhân Chinh (thứ hai từ phải qua) nhận quyết định giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. (Ảnh: Tỉnh đoàn Bắc Ninh)
- Phải chăng chỉ khi có dư luận xôn xao về tính khách quan của việc chỉ định nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy và Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu xem xét lại việc điều động, bổ nhiệm ông Chinh thì các cơ quan chức năng ở Bắc Ninh mới thay đổi quyết định?
Sau khi chỉ định xong, dư luận, báo chí đặt vấn đề, có ý kiến của cấp trên nữa, tôi nghĩ rằng việc bổ nhiệm không hợp lý cho nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh mới điều ông Chinh làm công việc khác.
Cách làm như vậy người thiệt thòi là ông Chinh. Ông Chinh hoàn toàn không có lỗi mà lỗi ở đây là do cách làm của những người có thẩm quyền, thậm chí là bố của ông Chinh (Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến).
Trường hợp bổ nhiệm ông Nguyễn Nhân Chinh “hậu duệ” thì rõ rồi mà "trí tuệ" thì chưa khẳng định được. ĐBQH Phạm Văn Hòa |
Khi báo chí, dư luận quan tâm thì lại điều ông Chinh về làm Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh. Đây là lỗi do cấp thẩm quyền quyết định ông Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh chứ bản thân ông Chinh không có lỗi.
Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm nghiêm khắc để xem xét bố trí cán bộ làm sao cho phù hợp tình hình thực tiễn.
Phải có uy tín, đạo đức, năng lực, không vì một áp lực nào đó mà bố trí. Không “hậu duệ”, không “tiền tệ”, không “quan hệ” mà "trí tuệ" phải đặt lên trên hết. Có uy tín, có tâm, có tầm thì sẽ phù hợp. Trường hợp bổ nhiệm ông Nguyễn Nhân Chinh “hậu duệ” thì rõ rồi mà "trí tuệ" thì chưa khẳng định được.
- Ngoài ông Nguyễn Nhân Chinh, các trường hợp trước đây như Vũ Minh Hoàng (26 tuổi) được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng dù chưa một ngày làm việc, Lê Phước Hoài Bảo (30 tuổi) trở thành Giám đốc Sở trẻ nhất của cả nước, Nguyễn Xuân Anh (39 tuổi) là người đứng đầu thành phố đáng sống nhất của Việt Nam… từng khiến dư luận xôn xao về câu chuyện “chín ép”, thưa ông?
Vẫn có trường hợp đó. Ban Bí thư cũng đã thấy điều đó và đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chấn chỉnh.
Tuy nhiên mỗi nơi mỗi khác, các ngành vẫn còn tồn tại ít nhiều vấn đề đưa con em, người thân thuộc của mình vào những vị trí chủ chốt, người ta gọi là "hoàng hôn nhiệm kỳ".
Khi người đứng đầu chuẩn bị nghỉ hưu thì chọn lựa những người thân cận với mình, hiểu biết mình, bố trí vị trí chủ chốt thay mình làm mà không nghĩ đến việc sắp xếp người thân đó có đúng vị trí, đúng năng lực sở trường, đúng nguyện vọng và người đó có được uy tín tại nơi ở, nơi công tác hay không.
Tôi nghĩ tư tưởng đó hết sức hẹp hòi, rất trì trệ trong bộ máy của ta hiện nay.
- Vậy việc bổ nhiệm, luân chuyển không qua bầu cử các cán bộ trẻ là con, người thân của lãnh đạo cần phải lưu ý thêm điều gì, thưa ông?
Hiện nay trong công tác bổ nhiệm cán bộ thì Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã có quy định rất cụ thể, rõ ràng. Tôi mong rằng các nơi căn cứ vào những quy định, tiêu chuẩn, quy trình mà bố trí cán bộ làm cho đúng, cho trúng, không làm sai, làm lệch ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Đặc biệt, đối với cán bộ trẻ thì đương nhiên phải được nằm trong quy hoạch, phải có sự đào tạo, rèn luyện cơ bản ở cơ sở để cho cán bộ đó trưởng thành từ cơ sở thì sẽ hay và phù hợp hơn.
Nếu không trưởng thành từ cơ sở mà đưa ngang hoặc tự nhiên đi lên “như diều gặp gió” hoặc như người ta nói là “bổ nhiệm thần tốc” sẽ vô tình đưa cán bộ đó ngồi nhầm chỗ khiến cán bộ đó không hoàn thành nhiệm vụ.
- Sau trường hợp điều động xôn xao dư luận ở Bắc Ninh, vấn đề lớn về công tác cán bộ ở các cấp, địa phương hiện đang tồn tại những bất cập gì, thưa ông?
Trong công tác cán bộ hiện nay chúng ta phải có quy hoạch và phải bố trí đúng tầm, đúng việc, đúng vị trí việc làm, phù hợp với sở trường, sở năng của cán bộ đó.
Dùng cái tâm, cái tầm là vấn đề hết sức quan trọng trong sự phát triển, củng cố xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng. "Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ" mà còn kéo dài thì có thể sau này sẽ không có cán bộ tài nữa, như vậy chỉ thiệt thòi cho người dân.
Xin cảm ơn ông!