Lãnh đạo buông lỏng, tham nhũng diễn ra nghiêm trọng

Thứ bảy, 05/09/2020, 08:56
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh như vậy tại buổi tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng - Vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học

Ngày 4/9, phát biểu khai mạc Tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng - Vấn đề lý luận và thực tiễn”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh: Người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, đôi khi có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN). Ở đâu người lãnh đạo gương mẫu đi đầu, kiên quyết đấu tranh PCTN thì ở đó tham nhũng ít xảy ra và ngược lại, ở đâu người đứng đầu có biểu hiện buông lỏng, không muốn và không dám chống tham nhũng, nói không đi đôi với làm thì ở đó tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.
Theo ông Học, những chuyển biến tích cực, rõ nét trong PCTN thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong PCTN. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã rất kiên quyết, kiên trì chỉ đạo phát hiện, xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Qua đó, xử lý nghiêm nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao có hành vi tham nhũng với tinh thần tích cực, khẩn trương, làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai; đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, điều tra và đã có kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử.
“Chính phương châm chỉ đạo này của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã tạo bước đột phá trong công tác PCTN, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, được nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao”, Phó Ban Nội chính Trung ương nói.
Tuy nhiên, theo ông Học, vẫn có tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng bị phát hiện xử lý.
Đồng tình với phát biểu trên, PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, quan trọng là người đứng đầu có làm hay không, có thực hiện (phòng chống tham nhũng - PV) hay không. Phản biện lại ý kiến của một đại biểu nói rằng phải tăng lương, ông Phúc thẳng thắn nhận xét: Càng những ông giàu có, của cải nhiều thì lại càng tham nhũng chứ có phải anh ít lương tham nhũng đâu.
“Hôm qua xem tivi đưa tin cuộc làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ TP.HCM có đoạn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói: “Các anh cứ nói cơ chế, tôi không tán thành đổ cho cơ chế”. Tôi thấy điều này là đúng”, ông Phúc nói và đặt vấn đề: “Cũng cơ chế đó sao có người làm tốt, có nơi không tham nhũng? Tôi nghĩ rằng mọi nghị quyết, quy định, mọi lý luận đều phụ thuộc vào người đứng đầu thực hiện như thế nào trong thực tiễn”.
Theo TPO

Các tin cũ hơn