Tin tặc của tình báo Trung Quốc muốn đánh cắp dữ liệu vaccine Covid-19. Vì vậy, họ nhắm vào thứ họ tin là mục tiêu dễ dàng. Thay vì chỉ nhắm vào các công ty dược phẩm, họ đã do thám Đại học Bắc Carolina (UNC) và các trường khác đang thực hiện những nghiên cứu tiên tiến.
Họ không phải là những gián điệp duy nhất. Cục Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR) cũng nhắm vào các mạng lưới nghiên cứu vaccine ở Mỹ, Canada và Anh. Các hoạt động này được cơ quan gián điệp Anh phát hiện đầu tiên.
FBI đã cảnh báo UNC về những nỗ lực đánh cắp thông tin nghiên cứu vaccine Covid-19 do Trung Quốc thực hiện. Ảnh: AP. |
Iran cũng quyết liệt gia tăng nỗ lực thu thập thông tin về vaccine. Và Mỹ đã tăng cường khả năng phòng thủ cùng nỗ lực theo dõi hoạt động gián điệp của đối thủ.
Nhìn chung, mọi cơ quan tình báo lớn trên toàn cầu đang cố gắng tìm hiểu xem những bên còn lại đang làm gì.
New York Times đã phỏng vấn quan chức, cựu quan chức tình báo và những người đang theo dõi các hoạt động gián điệp. Theo họ, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một trong những nhiệm vụ có thời gian gấp rút nhất trong thời bình cho những cơ quan tình báo, khiến những cơ quan này đối đầu nhau.
Theo New York Times, gần như tất cả đối thủ của Mỹ đều tăng cường nỗ lực đánh cắp nghiên cứu của nước này. Trong khi đó, Washington chuyển sang bảo vệ các đại học và tập đoàn đang thực hiện nghiên cứu. Tình báo NATO - thường quan tâm đến sự di chuyển của xe tăng Nga và các nhóm khủng bố - mở rộng sang xem xét các nỗ lực đánh cắp nghiên cứu vaccine của Nga, một quan chức phương Tây tiết lộ với New York Times.
“Sẽ rất ngạc nhiên nếu họ không cố gắng đánh cắp nghiên cứu y sinh có giá trị nhất bây giờ”, John C. Demers, quan chức hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ, nói về Trung Quốc vào tháng trước trong một sự kiện của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). "Những nghiên cứu có giá trị từ quan điểm tài chính và vô giá từ quan điểm địa chính trị".
Nỗ lực gián điệp của Trung Quốc rất phức tạp. Nước này đã ngấm ngầm sử dụng thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để định hướng hoạt động đánh cắp thông tin của mình, New York Times dẫn lời các nguồn tin tình báo.
Không rõ Trung Quốc đã sử dụng sức hưởng của mình trong WHO để thu thập thông tin về nghiên cứu vaccine trên toàn cầu như thế nào.
WHO thu thập dữ liệu về vaccine đang được phát triển trên thế giới. Mặc dù phần lớn dữ liệu được công khai, tin tặc Trung Quốc có thể hưởng lợi bằng cách nhắm vào nghiên cứu mà WHO xem là tiềm năng nhất, theo một cựu quan chức tình báo.
Quan chức tình báo Mỹ đã biết về hoạt động của Trung Quốc vào đầu tháng 2 khi virus corona bắt đầu lây lan ở Mỹ. Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và các cơ quan khác đã theo dõi chặt chẽ động thái của Trung Quốc tại những cơ quan quốc tế, bao gồm WHO.
Theo cựu quan chức tình báo, kết luận có được từ thông tin tình báo đã giúp Nhà Trắng đi theo đường lối cứng rắn với WHO từ tháng 5.
Ngoài UNC, tin tặc Trung Quốc cũng nhắm vào các đại học khác trên khắp nước Mỹ và một số có thể đã bị tấn công mạng, các quan chức Mỹ cho biết. Trong bài phát biểu của mình, ông Demers nói Trung Quốc thực hiện "nhiều cuộc xâm nhập" ngoài những gì Bộ Tư pháp tiết lộ trong một bản cáo trạng vào tháng 7. Cáo trạng này cáo buộc 2 tin tặc làm việc cho cơ quan gián điệp của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc theo dõi nghiên cứu vaccine của công ty công nghệ sinh học Mỹ.
Cục Điều tra Liên bang (FBI) những tuần gần đây đã cảnh báo UNC về các nỗ lực đánh cắp dữ liệu, theo hai người quen thuộc với vấn đề. Các nhóm tin tặc Trung Quốc cố gắng đột nhập vào mạng máy tính khoa dịch tễ học của UNC nhưng không xâm nhập được.
Các nhà nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm ở Thẩm Dương, Trung Quốc, đang nghiên cứu vaccine Covid-19. Ảnh: AFP. |
Ngoài việc tấn công mạng, Trung Quốc còn nhắm vào các đại học Mỹ theo những cách khác. Một số quan chức chính phủ Mỹ tin rằng Trung Quốc đang cố gắng tận dụng các mối quan hệ đối tác nghiên cứu giữa đại học Mỹ và các cơ sở Trung Quốc.
Những người khác cảnh báo nhân viên tình báo Trung Quốc ở Mỹ và các nơi khác cố gắng thu thập thông tin về chính các nhà nghiên cứu. Chính quyền Tổng thống Donald Trump ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston ngày 22/7 một phần vì đặc vụ Trung Quốc sử dụng nơi này làm tiền đồn để nhắm vào các chuyên gia y tế trong thành phố, theo FBI.
Tình báo Trung Quốc tập trung vào các đại học một phần vì họ nghĩ biện pháp bảo vệ dữ liệu của những nơi này lỏng lẻo hơn công ty dược phẩm. Tuy nhiên, hoạt động gián điệp đang được tăng cường khi các nhà nghiên cứu đưa ra vaccine và phương pháp điều trị để các đồng nghiệp đánh giá. Điều này mang lại cho đối thủ cơ hội tốt hơn để tiếp cận công thức và chiến lược phát triển vaccine, một quan chức chính phủ Mỹ cho biết.
Các quan chức tin rằng gián điệp nước ngoài đã lấy được ít thông tin từ các công ty công nghệ sinh học của Mỹ: Gilead Sciences, Novavax và Moderna.
Bộ An ninh Nội địa và FBI đã cử các nhóm đến công ty công nghệ sinh học Mỹ để tăng cường khả năng bảo vệ mạng máy tính của họ.
Đồng thời, Sở Chỉ huy Thông tin của chính phủ Anh (GCHQ) đang tìm hiểu về nỗ lực đánh cắp thông tin của Nga.
Hồi tháng 7, cơ quan tình báo của Anh, Mỹ và Canada đã công bố hoạt động của Nga. Nga chủ yếu tập trung vào việc thu thập thông tin về nghiên cứu của Đại học Oxford và đối tác của họ - công ty dược phẩm AstraZeneca.
Những tin tặc Nga bị phát hiện thuộc một nhóm được gọi là Cozy Bear - nhóm các tin tặc liên kết với SVR.
Các quan chức an ninh nội địa đã cảnh báo công ty dược phẩm và đại học về những cuộc tấn công. Họ cũng giúp các tổ chức này xem lại hệ thống an ninh. Các quan chức nhận thấy tin tặc nhằm vào các lỗ hổng đã biết nhưng chưa được vá chứ không phải những lỗ hổng chưa xác định.
Chưa công ty hoặc đại học nào công bố bất kỳ vụ trộm dữ liệu nào từ những nỗ lực gián điệp đã được xác định. Theo một quan chức chính phủ Mỹ, một số nỗ lực gián điệp đã thành công trong việc xâm nhập nhập vào mạng máy tính. Giới chức tình báo cho biết tin tặc của Trung Quốc và Nga kiểm tra điểm yếu của hệ thống mỗi ngày.
“Đây thực sự là một cuộc chạy đua với thời gian. Chúng tôi tìm ra các lỗ hổng và vá chúng trước khi đối thủ tìm thấy chúng và khai thác những lỗ hổng đó”, Bryan S. Ware, Trợ lý Giám đốc An ninh Mạng của Bộ An ninh Nội địa, cho biết.
Theo các quan chức tình báo và thực thi pháp luật, chỉ có hai nhóm tin tặc, một nhóm từ Nga và một nhóm từ Trung Quốc, được xác định công khai. Tuy nhiên, nhiều nhóm tin tặc từ gần như tất cả cơ quan tình báo của hai quốc gia này đã cố gắng đánh cắp thông tin về vaccine.
Một nhà khoa học chuẩn bị mẫu trong quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19 tại phòng thí nghiệm ở St.Petersburg, Nga vào tháng trước. Ảnh: Reuters. |
Ngày 11/8, Nga thông báo đã phê duyệt vaccine Covid-19. Tuyên bố này ngay lập tức làm dấy lên nghi ngờ rằng các nhà khoa học Nga ít nhất đã được cơ quan tình báo hỗ trợ thu thập thông tin nghiên cứu từ các nước khác.
Các quan chức Mỹ khẳng định cơ quan tình báo của nước này chỉ phòng thủ và họ không được lệnh đánh cắp nghiên cứu Covid-19.
Họ cũng bày tỏ lo ngại rằng các hoạt động đánh cắp dữ liệu tiếp theo có thể làm tổn hại đến nỗ lực phát triển vaccine. Tin tặc trong khi trích xuất dữ liệu có thể vô tình - hoặc cố ý - làm hỏng hệ thống nghiên cứu.
“Khi đối thủ đang thực hiện hành vi xâm nhập và đánh cắp, có nhiều khả năng họ không chỉ đánh cắp thông tin mà còn làm gián đoạn hệ thống của nạn nhân”, ông Ware nói với New York Times.