Vụ pate Minh Chay: ‘Tính mạng người dân là quan trọng nhất’

Thứ hai, 07/09/2020, 12:14
Không lực lượng thanh tra nào có thể kiểm soát hết các yếu tố nguy cơ nếu người sản xuất thiếu ý thức đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Nếu đứng ở góc độ quy trình, cơ quan chức năng đáp ứng được các quy trình xử lý vụ việc pate Minh Chay theo cơ sở pháp lý, các bước tiến hành cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên, xét theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc do pate Minh Chay nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố botulinum, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của người tiêu dùng, tôi có cảm giác cơ quan chức năng đã phản ứng hơi chậm”. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan (ảnh), Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, thẳng thắn nêu quan điểm với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc pate Minh Chay có chứa độc tố mạnh.

Chậm trễ sẽ gia tăng nguy cơ

. Phóng viên: Chậm là do cơ quan chức năng dành thời gian để củng cố chính xác tác nhân gây ra ngộ độc. Điều này đâu sai, thưa bà?

Vụ pate Minh Chay: ‘Tính mạng người dân là quan trọng nhất’ - ảnh 1

+ PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan: Thực tế cho thấy đây không phải việc dễ, ngay cả tác nhân gây ra ngộ độc cũng phải đòi hỏi kinh nghiệm của bác sĩ, chuyên gia. Về phía Bộ Y tế, nơi đây cũng đã lấy mẫu kiểm nghiệm hai lần và chờ đợi vi khuẩn sinh bào tử để đánh giá kết quả được chính xác nhất.

Mặc dù cơ quan chức năng đã làm hết sức nhưng chưa đáp ứng được sự mong mỏi mang tính khẩn cấp về mặt thời gian. Cơ quan chức năng chậm phút nào, giờ nào, ngày nào thì nguy cơ người dân tiếp tục sử dụng pate Minh Chay sẽ xảy ra và điều này rất nguy hiểm đến sức khỏe.

. Nếu vụ việc pate Minh Chay xảy ra tại TP.HCM, Ban Quản lý ATTP TP này sẽ xử lý ra sao, thưa bà?

+ Vụ việc cho dù xảy ra ở đâu thì cũng phải tuân thủ quy trình xử lý. Các nạn nhân của vụ ngộ độc pate Minh Chay không xảy ra cùng một địa điểm để cơ quan chức năng có thể vào cuộc ngay mà xảy ra ở những thời điểm khác nhau và địa phương cũng khác nhau như Khánh Hòa, Long An, Đồng Nai, Bình Dương... Điều này ít nhiều gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định nguyên nhân và xử lý vụ việc.

Nếu vụ việc pate Minh Chay xảy ra tại TP.HCM, chúng tôi lập tức tham mưu UBND TP yêu cầu công ty này ngưng sản xuất nếu có nghi ngờ, ngay cả khi chưa có kết quả kiểm nghiệm trong trường hợp nhiều người có cùng triệu chứng, cùng tác nhân gây ngộ độc. Bên cạnh đó, việc thu hồi sản phẩm sẽ được thực thi song song với việc báo cáo Bộ Y tế để có sự chỉ đạo cần thiết và kịp thời.

Vụ pate Minh Chay: ‘Tính mạng người dân là quan trọng nhất’ - ảnh 2

Cơ quan chức năng thu hồi pate Minh Chay. Ảnh: TRẦN NGỌC

Vụ pate Minh Chay: ‘Tính mạng người dân là quan trọng nhất’ - ảnh 3

Diễn biến việc tiếp nhận, xử lý vụ pate Minh Chay.

Độc tố rất mạnh nên cảnh báo càng sớm càng tốt

. Có ý kiến cho rằng “thà cảnh báo nguy cơ nhầm còn hơn để nhiều người bị ảnh hưởng sức khỏe do ăn pate Minh Chay chứa độc tố”. Quan điểm của bà ra sao?

+ Từ cơ quan chức năng đến cộng đồng đều khẳng định: “Tính mạng con người là quan trọng nhất”. Tuy nhiên, không thể bỏ qua quy trình vì dễ dẫn đến nhầm lẫn, oan sai. Nếu oan sai cho doanh nghiệp chắc chắn gây thiệt hại kinh tế. Còn nếu chậm cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Trong trường hợp pate Minh Chay, do độc tố rất mạnh của vi khuẩn đe dọa tính mạng người sử dụng thì cần cảnh báo sớm ngày nào tốt ngày đó. Tuy nhiên, cảnh báo cần có nhiều mức độ. Một khi khẳng định 100% vi khuẩn xuất phát từ quy trình của công ty thì phải căn cứ trên các dữ liệu để cơ quan quản lý ra lệnh ngưng sản xuất và thực hiện thu hồi. Bên cạnh đó, xử lý vi phạm liên quan do các lỗi chủ quan hay khách quan.

Trong việc xử lý, bản thân cơ quan quản lý cũng có sức ép khi phải cân đối các giải pháp xử lý ở những thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong tình huống sự việc đã xấu thì cần chọn những tình huống ít xấu nhất. Thiệt hại kinh tế của công ty có thể đền bù, có thể làm bù nhưng sức khỏe, tính mạng người dân không có gì bù đắp được.

. Thưa bà, để không xảy ra vụ việc tương tự pate Minh Chay, cơ sở sản xuất và cơ quan chức năng cần làm gì?

+ Công ty sản xuất pate Minh Chay có địa chỉ, sản phẩm có nguồn gốc nên việc truy xét các vấn đề liên quan sau sự cố rất thuận lợi.

Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở sản xuất thức ăn chay và thực phẩm mặn, đặc biệt là đồ hộp luôn xảy ra nguy cơ vi khuẩn yếm khí xâm nhập khi nhiễm nguồn từ ban đầu nếu điều kiện sản xuất không đáp ứng. Hiện nay, bên cạnh những cơ sở dạng doanh nghiệp còn tồn tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ theo diện hộ kinh doanh cá thể.

Khi cơ quan chức năng kiểm tra, hầu hết các cơ sở đều đạt yêu cầu. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, không loại trừ nhiều cơ sở đã mua nguồn nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, tiết giảm chi phí đầu vào, vi phạm các điều kiện ATTP… vì mục đích lợi nhuận. Việc xử lý không nên dừng lại ở mức độ răn đe mà quan trọng cơ sở phải đầu tư ngay từ khâu sản xuất ban đầu.

Ý thức của cơ sở sản xuất là điều rất quan trọng. Nếu không có ý thức từ chính người sản xuất thì không có lực lượng thanh tra nào có thể kiểm soát được hết yếu tố nguy cơ cũng như các sai phạm mang tính cố ý.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, kể cả sự vào cuộc của người dân. Thực phẩm sạch chỉ có đất sống khi người dân nâng cao ý thức tiêu dùng, loại trừ thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Lựa chọn mô hình hiệu quả nhất

Hiện nay, ba Bộ Y tế, Công Thương và NN&PTNT cùng quản lý về vấn đề thực phẩm. Các Bộ đề ra chính sách, còn nhiệm vụ của địa phương là triển khai, áp dụng chính sách và thực hiện để bảo đảm ATTP cho người dân.

Mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP tại TP.HCM và các tỉnh, thành khác không phải thay thế nhiệm vụ quản lý cho ba Bộ. Trên thực tế, ba bộ vẫn quản lý về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, Ban quản lý ATTP TP.HCM có thể thống nhất được lực lượng, có thể giải quyết nhất quán, kịp thời thay vì phải xin phép nhiều chỗ, phải chờ nhau rồi mới báo cáo lên UBND TP.HCM.

Trên thực tế, việc phối hợp giữa các phòng, ban trong cùng sở, ngành đã khó. Do vậy, việc phối hợp giữa các sở với nhau sẽ trở nên khó khăn hơn. Thành tích dễ phân định nhưng sự cố xảy ra thì đơn vị nào chịu trách nhiệm, ai báo cáo, ai xử lý, ai quyết định... Đó là câu chuyện khó.

ATTP có tới ba ngành quản lý ít nhiều nảy sinh bất cập. Chẳng hạn vụ việc xảy ra liên quan đến ngành y tế thì ngành này bận rộn nhưng hai ngành còn lại (công thương và NN&PTNT) lại nhàn hạ bởi ngành y tế không thể huy động vì không đúng chức năng, nhiệm vụ.

Thông qua vụ việc pate Minh Chay, chúng tôi hy vọng cấp trên có thể thấy được tính hiệu quả trong việc quản lý của các mô hình để lựa chọn một mô hình hiệu quả nhất.

Theo PLO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích