Bên lề Đại hội Đảng XIII, ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề lý luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
- Đến nay Việt Nam đã xây dựng lý luận về phát triển như thế nào, thưa ông?
- Phát triển lý luận của chúng ta trong thời gian vừa qua là kế thừa của 35 năm đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991... Chúng ta đã đạt được những thành tựu nổi bật và thực tiễn chứng minh được điều đó. Theo quan điểm như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, chúng ta kế thừa và phát triển, nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn như giữa đổi mới, ổn định và phát triển... Điều quan trọng nữa là nhấn mạnh đến yêu cầu về thẩm định thực tiễn, gắn giữa tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận.
Lý luận là việc chúng ta tổng kết thực tiễn, chưng cất hoàn thiện bằng chính thực tiễn Việt Nam, sáng tạo Việt Nam, cách làm của Việt Nam và chưa có tiền lệ. Đây là một mô hình mà hiện nay thế giới cũng nhìn nhận là rất đặc biệt, giải quyết được vấn đề về ổn định, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia của nhân dân.
Hai vấn đề lớn của văn kiện lần này về mặt lý luận là nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lấy dân làm gốc, dân là trung tâm, là chủ thể, vừa tham gia, vừa thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Đấy chính là chủ nghĩa xã hội, bởi chúng ta muốn một dân tộc với khát vọng phát triển, vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu, đồng thời là một dân tộc người dân được hưởng tự do, được hạnh phúc và mọi người tham gia, mọi người hưởng lợi hay nói đúng hơn là bao trùm bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau. Đấy chính là chủ nghĩa xã hội Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh: Hoàng Thùy
- Là Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, ông nói gì về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thời gian qua?
- Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển của Đảng ta. 5 năm qua, nhất là sau khi có Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, công việc này được triển khai bài bản, hệ thống, nhất quán và đặc biệt là rất quyết liệt từ Trung ương đến địa phương.
Lần đầu tiên, chúng ta có Ban chỉ đạo về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và triển khai từ Trung ương đến địa phương, tất cả đều vào cuộc rất bài bản. Chúng ta đã xây dựng được kế hoạch, chương trình thực hiện đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, cả trước mắt và đặt cơ sở cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng một cách thường xuyên.
Chính vì vậy, vừa qua chúng ta đã giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, phát triển đất nước và những kết quả rất quan trọng, nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ vừa qua.
Các cơ quan chức năng cũng đã xây dựng được một mạng lưới đấu tranh trên các loại hình báo chí cũng như trên mạng xã hội. Đây là điểm rất mới, một mặt xây dựng luận cứ để đấu tranh thật sự thuyết phục và hiệu quả, nhất là trên mạng xã hội, với những bài viết ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục để đông đảo tất cả mọi người hiểu sâu được quan điểm, đường lối của Đảng.
Chúng ta cũng đấu tranh trực diện với những luận điểm sai trái, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các thế lực thường lợi dụng những sự kiện lớn, những vấn đề nóng để xuyên tạc, làm lệch lạc, gây ra tình trạng mơ hồ. Vì vậy, chúng ta vừa xây dựng các luận cứ để phản bác, vừa sử dụng giải pháp về công nghệ, kỹ thuật để gỡ bỏ thông tin xấu độc trên mạng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn thực hiện các giải pháp về kinh tế, tài chính, kiểm soát dòng tiền mà các thế lực sử dụng thông qua các trang mạng xã hội để thực hiện mục tiêu chống phá. Với những giải pháp tổng thể đó, bước vào Đại hội XIII, khoảng 80-85 % các thông tin xấu độc, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã bị gỡ bỏ.
- Nhưng thông tin xấu độc này bị xử lý thì thông tin khác lại xuất hiện. Vậy giải pháp căn cơ như thế nào?
- Đây sẽ là một cuộc đấu tranh bền bỉ, thường xuyên, quyết liệt, đồng bộ và với sự tham gia của tất cả các lực lượng trong mặt trận tư tưởng, lý luận. Chiêu trò của các thế lực thù địch đa dạng, nhiều âm mưu, có kịch bản, thậm chí xây dựng giao diện trang thông tin tương tự trang chính thống làm bạn đọc lẫn lộn, mơ hồ và người dân không biết được đâu là đúng, đâu là sai.
Nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là phải làm tốt nữa công tác thông tin, giáo dục. Không chỉ có các lực lượng chuyên trách mà cả hệ thống chính trị, người dân phải cùng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định cái đúng, cái mới, cái hay; trực tiếp đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái.
Bên cạnh đó, chúng ta phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý để đấu tranh với các thế lực thù địch, đảm bảo vừa răn đe, cảnh báo nhưng đồng thời xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật.
- Công tác phòng, chống tham nhũng tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ vừa qua và sẽ được tiếp tục ở nhiệm kỳ tới như thế nào?
- Đạt được kết quả đó là nhờ chúng ta coi công tác xây dựng Đảng là then chốt. Xây dựng Đảng toàn diện cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đồng thời bám rất sát các nguyên tắc của Đảng. Trong nguyên tắc của Đảng có nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết trong Đảng, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân.
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa qua có được những kết quả rất tốt, củng cố được niềm tin của nhân dân. Nhưng đó mới là kết quả bước đầu, bởi vì điều quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được một thể chế để các cá nhân tham gia trong hệ thống chính trị không có cơ hội, không dám và không thể tham nhũng.
Chúng ta phải xây dựng một Đảng cách mạng, chân chính, trong sạch, vững mạnh thì cuộc đấu tranh mới mang lại kết quả cuối cùng, đưa Việt Nam có được kỳ tích phát triển mới.