Trong 5 năm tới, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh đảm bảo tăng trưởng bền vững, ban hành các chính sách phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường, giải quyết tình trạng bất bình đẳng, và hỗ trợ nhiều hơn cho khu vực tư.
- Ông đánh giá thế nào về tình hình chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 5 năm qua?
- Giáo sư Edmund Malesky: Tôi nghĩ các lãnh đạo Việt Nam có thể tự hào về những thành tựu đạt được trong thời gian qua. Ngay cả khi đối mặt với năm 2020 nhiều khó khăn vì đại dịch Covid-19, họ vẫn lèo lái đất nước đạt mức tăng trưởng kinh tế dương, hoạt động ở khu vực tư gia tăng, và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu.
|
GS. Edmund Malesky đến từ Đại học Duke (Mỹ). Ông là trưởng nhóm điều tra PCI trong nhiều năm. Đây là cuộc khảo sát đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Ảnh: Duke University. |
Theo kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2019, 65% người Việt cảm thấy điều kiện kinh tế ngày nay tốt hơn so với 3 năm trước. Con số này dự kiến sụt nhẹ trong năm 2020 do thất nghiệp và việc bị giảm thu nhập, chủ yếu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhưng tôi nghĩ thống kê cuối cùng sẽ không rơi quá xa so với mức năm 2019.
Các nhà lãnh đạo cần tiếp tục bảo đảm hoạt động kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho mọi người dân. Mặt trái của tăng trưởng kinh tế và tăng cường chuyên môn hóa là bất bình đẳng gia tăng, đặc biệt giữa tầng lớp cư dân trí thức ở đô thị và người nghèo ở nông thôn.
- Giáo sư David Dapice:Từ góc độ nhà kinh tế, tôi nghĩ Việt Nam đã làm rất tốt. Mức tăng trưởng 6-7% năm 2019 gần gấp đôi tăng trưởng GDP của thế giới. Năm 2020, Việt Nam vẫn cố gắng đạt tăng trưởng dương trong khi phần lớn các nước thụt lùi. Tỷ lệ đói nghèo được giảm đáng kể, xuất khẩu tăng nhanh và lạm phát được giữ ở mức thấp.
Những vấn đề cần giải quyết còn lại là môi trường, giáo dục, và đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng đều.
- Ông David Brown: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Bộ trưởng của ông đã điều hành đất nước rất tốt. Ban lãnh đạo Đảng đã tạo điều kiện đáng kể cho ngài Thủ tướng trong việc xử lý những vấn đề kinh tế - xã hội phức tạp, xây dựng sự đồng thuận chính sách rộng lớn về những hướng đi của Việt Nam để tiến về phía trước.
Hiệu quả từ nỗ lực quyết tâm chống dịch Covid-19 của Việt Nam khiến cả thế giới chú ý.
Những điểm sáng khác đáng nhắc đến bao gồm sự cải tổ chính sách năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào than mà hướng đến các nguồn năng lượng tái tạo; Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (MDIRP); sự nhấn mạnh vào công nghệ thông tin ICT là động lực của tăng trưởng nhanh chóng; và việc tránh những sai lầm trong việc quản trị nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung, 5 năm qua rất ít vụ việc đáng tiếc, và chúng đều được xử lý nhanh chóng.
- Ông đánh giá thế nào về công tác chống tham nhũng được tiến hành ở Việt Nam trong 5 năm qua?
- Giáo sư Edmund Malesky: Đối với những vụ tham nhũng “vặt”, như việc người dân phải “bôi trơn” để được phục vụ dịch vụ hành chính thuận lợi hơn, chúng ta rõ ràng thấy nỗ lực khắc phục đã thành công.
Theo khảo sát của PAPI vào năm 2016, khi cuộc chiến chống tham nhũng bắt đầu, 54% người được hỏi nói sẵn sàng lót tiền để có việc trong khối nhà nước, 38% nói cần phải hối lộ nếu muốn được chăm sóc y tế tốt hơn, và 43% nói sẽ “bồi dưỡng” để được thầy cô quan tâm hơn. Những chỉ số này đồng loạt giảm trong khảo sát năm 2019, lần lượt là 40%, 26% và 25%. Dữ liệu của năm 2020 sẽ tiếp tục theo xu thế giảm.
Tình hình cũng diễn ra tương tự trong khối doanh nghiệp. Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2016 cho biết 66% doanh nghiệp tư nhân nội địa nói họ sẽ “bôi trơn” khi làm việc với cơ quan nhà nước. Đến năm 2019, con số này giảm còn 54%.
Kết quả thăm dò ở nhóm công ty nước ngoài cũng cho con số giảm trong khảo sát PCI đối với doanh nghiệp FDI.
Điểm mấu chốt là đối với người dân bình thường và các doanh nghiệp ở Việt Nam, chiến dịch chống tham nhũng đã giảm đáng kể những phiền toái hàng ngày, qua việc thúc đẩy thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân.
|
GS. David Dapice (Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard) là chuyên gia hàng đầu về kinh tế phát triển ở Đông Nam Á. Ông nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam từ cuối thập niên 1980, trọng tâm là các vấn đề kinh tế vĩ mô, chính sách đầu tư công, và phát triển vùng. Ảnh: Đại học Fulbright Việt Nam. |
- Giáo sư David Dapice: Cuộc chiến chống tham nhũng đã trở nên rộng khắp, và kiểm soát tham nhũng là cần thiết để ngăn chặn thất thoát, kém hiệu quả, và sự bất mãn. Cách tiếp cận hài hòa là điều cần thiết để duy trì sự hiệu quả và uy tín của những nỗ lực cần thiết này. Cần tiếp thu những trình báo của người dân, song cần hạn chế nguy cơ vu khống.
- Ông David Brown:Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh về chiến dịch này, và ông đạt nhiều thành công đáng kể trong việc làm trong sạch bộ máy, xử lý những cán bộ "tự diễn biến".
Đó là những thành công vượt ngoài kỳ vọng. Cần có cơ chế kiểm soát được những quan chức ở cấp cao nhất. Ở khía cạnh khác, tôi nghĩ con đường đúng đắn là tạo điều kiện hơn cho báo chí để giám sát các hoạt động ở mọi mặt.
- Đâu là những thách thức Việt Nam đối mặt trong 5 năm tới?
- Giáo sư Edmund Malesky: Tôi nghĩ thách thức rõ ràng cho Việt Nam trong thời gian tới chính là duy trì tăng trưởng một cách bền vững. Một số sự cố môi trường trong 5 năm qua khiến cuộc sống người dân khó khăn.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chứng kiến sự gia tăng của nhóm người “di cư khí hậu”, là những người buộc phải rời quê nhà do hậu quả của các thay đổi sinh thái vì biến đổi khí hậu.
Các lãnh đạo Đảng đã đề cập đến vấn đề này trong Nghị quyết 50 năm 2019, đề ra chỉ dẫn cho một số mô hình kinh doanh mà Việt Nam mong muốn thu hút và phát triển trong tương lai.
Một thách thức sẽ là tìm ra cách làm tốt nhất để buộc các doanh nghiệp tuân thủ quy định về môi trường, trong khi vẫn bảo đảm cơ hội tăng trưởng.
-Giáo sư David Dapice:Nước Mỹ nhiều khả năng sẽ trở lại “bình thường” trong các chính sách thương mại, nhưng việc tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa thương mại là hướng đi đúng. Việc đàm phán hiệp định thương mại tự do với Mỹ sẽ củng cố đường vào thị trường này. Vấn đề môi trường (và đặc biệt ở vùng ĐBSCL và các thành phố lớn) cần được chú ý nhiều hơn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được hỗ trợ hơn nữa.
Tốc độ tăng lương nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động trong thời gian qua là điều lo ngại. Nếu năng suất không tăng nhanh hơn thì tăng trưởng sẽ chậm lại. Nói chung, để tránh “bẫy thu nhập trung bình” đòi hỏi nhiều cải cách, để các công ty có quy trình tiên tiến hơn, gia tăng giá trị đối với sản phẩm xuất khẩu và các mặt hàng khác.
Việc đào tạo nhân lực cũng cần được nhấn mạnh, không chỉ giới hạn trong cải cách chương trình khối phổ thông hay đại học.
Và việc đánh giá đúng vai trò then chốt của hai thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM) đối với tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng. Do đó, các chính sách thuế và phân bổ ngân sách cần phản ánh điều này tốt hơn.
- Ông trông đợi chính sách mới nào cho giai đoạn phát triển 5 năm tới của Việt Nam?
-Giáo sư David Dapice:Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất là làm sao cân bằng được sự cởi mở về công nghệ, nguồn vốn, dòng chảy thông tin, với công việc kiểm soát. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp nhà nước không hoạt động tốt nhưng vẫn tồn tại. Những tập đoàn này có thể cải thiện như thế nào? Việc thảo luận công khai, thậm chí là tranh luận, là điều cần làm.
Chúng ta cần dành bao nhiêu hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân lớn? Hiển nhiên, không ai muốn sự việc tương tự như Vinashin xảy ra (Vinashin là tập đoàn nhà nước, nhưng tập đoàn tư nhân quy mô lớn cũng có thể gây ra kết quả tương tự). Thực tế, đây là tình trạng chung của mọi quốc gia, điển hình như Hàn Quốc (như vụ tập đoàn tư nhân Hanbo Steel sụp đổ cuối thế kỷ 20 với số nợ đến hàng tỷ USD, mà những khoản vay có được nhờ móc nối với khu vực công).
Một lần nữa thì minh bạch sẽ giúp loại những điều xấu. Không phủ nhận vai trò kiểm soát của chính phủ và Đảng nắm thế kiểm soát là điều rõ ràng. Việc lắng nghe những phản biện sẽ giúp thành công hơn (trong công tác quản lý, điều hành).
Khu vực tư cần được tạo điều kiện phát triển và đóng vai trò quan trọng hơn. Quy mô khu vực tư đến đâu phụ thuộc vào những quyết định kinh tế chính trị. Ở một số quốc gia thu nhập trung bình, sự đóng góp của khu vực tư là rất quan trọng, và điều này cho phép một số tập đoàn nhà nước duy trì hoạt động.
|
David Brown là viên chức ngoại giao Mỹ chuyên nghiệp trong hơn 30 năm và từng công tác ở Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều bài viết về vấn đề thời sự ở Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
- Ông David Brown:Đầu tiên, Việt Nam thành công trong việc tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp đa quốc gia, nhưng các công ty nội địa hiếm khi hội nhập được vào những chuỗi cung ứng. Các nhà lãnh đạo cần phải tìm hiểu vì sao, và ban hành những chính sách có ý nghĩa để thúc đẩy sự hội nhập này. Các công ty sở hữu nước ngoài không chỉ được trao "quyền" mà cần áp đặt "trách nhiệm".
Kế đến, Việt Nam không nên trông đợi tiếp tục được hưởng sự cân nhắc đặc biệt như là nền kinh tế mới đang phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đã trưởng thành ở nhiều mặt, đạt được lợi nhuận đáng kể trong nền kinh tế thế giới.
Đây là lúc chấp nhận rằng trách nhiệm đi kèm với thành công.
Việt Nam đã cam kết sẽ cho phép công nhân thành lập nghiệp đoàn và đàm phán lương cùng điều kiện làm việc trực tiếp với chủ lao động.
- Tương lai tăng trưởng của Việt Nam sẽ nằm ở các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng cao, mà điều này phụ thuộc vào lực lượng lao động dịch chuyển quốc tế. Việt Nam có thể làm gì để thu hút nhiều nhân tài trong nhóm này?
-Giáo sư Edmund Malesky:Điều đầu tiên Việt Nam có thể làm là tăng cường việc bảo đảm thực thi chế tài hợp đồng (contract enforcement) thông qua cải cách pháp lý, hoặc tuân thủ những thỏa thuận quốc tế, bảo đảm một cơ chế phân xử pháp lý ràng buộc như CPTPP.
Chuỗi giá trị toàn cầu được xây dựng dựa trên hàng loạt hợp đồng giữa các đối tác làm ăn - những người phụ thuộc vào tính tôn nghiêm của các thỏa thuận pháp lý để chấp nhận rủi ro.
Niềm tin rằng một doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhận được phán quyết công bằng, trong mọi tranh chấp thương mại giữa các công ty với nhau, là yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định, để tiến tới những vụ đầu tư có giá trị gia tăng cao tại một thị trường mới nổi.
Điều kế đến Việt Nam có thể làm, mà trên thực tế đã được bắt đầu từ năm 2018 bằng Luật Cải cách Giáo dục, là khuyến khích những suy nghĩ phản biện và giải quyết vấn đề trong lớp học trở thành tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo ở ngoài khuôn khổ nhà trường.
- Giáo sư David Dapice: Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người Việt yêu nước và từng học tập ở Mỹ. Khi tốt nghiệp (gần nhất là vào năm 2019), họ thực sự bị “giằng xé”. Họ cảm thấy mối quan hệ ở Việt Nam vẫn còn được đánh giá cao hơn năng lực, và nếu họ ở lại Mỹ thì sẽ có cơ hội phát triển và học tập tốt hơn. Một khu vực tư mạnh mẽ và đặt ưu tiên hàng đầu là năng lực sẽ đảo ngược tình hình này.
Ngoài ra, vấn đề không chỉ là thu nhập. Nếu các thành phố vẫn còn ngập nước, chất lượng không khí tồi, nền giáo dục đắt đỏ vô lý hoặc chất lượng không cao, cũng ảnh hưởng đến việc ra quyết định của những lao động trình độ cao.
Khi các công ty tư nhân phát triển tốt hơn, họ sẽ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho người sở hữu các kỹ năng cần thiết, và ưu tiên phát triển những người có thể tạo ra giá trị. Đó chính là nền tảng cơ bản để thu hút nhân tài.