Mỹ sẽ không nhẹ tay với Trung Quốc

Thứ bảy, 23/01/2021, 08:38
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump có thể bất đồng về nhiều điều nhưng Trung Quốc không phải là một trong số đó

Theo ông Lanhee Chen, Giám đốc nghiên cứu chính sách của Mỹ và là giảng viên tại Trường ĐH Stanford (Mỹ), chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đã có những dấu hiệu đồng tình ban đầu với chính quyền tiền nhiệm về một số vấn đề "cực kỳ nhạy cảm" liên quan đến Trung Quốc. Ông Chen hôm 21-1 cho rằng chính quyền ông Biden có thể đổi giọng nhưng sẽ không thực sự thay đổi chính sách đối với Bắc Kinh.

Hãng tin Bloomberg dự báo chính quyền của ông Biden có thể mất vài tháng để công bố kế hoạch về Trung Quốc nhưng hiện đã rục rịch hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh để đối phó Bắc Kinh, khác với lập trường "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Ông Chen chỉ ra rằng tại phiên điều trần ở Thượng viện hôm 19-1, ông Antony Blinken, người được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ, nói ông đồng tình với đánh giá của chính quyền tiền nhiệm về Trung Quốc trong vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ thiểu số và Đài Loan. Theo đài CNBC, ông Blinken khẳng định Trung Quốc đặt ra thách thức với Mỹ lớn hơn bất kỳ quốc gia nào. Tương tự, bà Avril Haines, người vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, cũng cho biết trong phiên điều trần rằng Mỹ cần chống lại sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và cộng đồng tình báo sẽ góp sức trong cuộc cạnh tranh này.

Mỹ sẽ không nhẹ tay với Trung Quốc - Ảnh 1.

Hình ảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong lễ nhậm chức được phát sóng tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 21-1 Ảnh: REUTERS

Quan hệ Mỹ - Trung trở nên tồi tệ dưới thời chính quyền ông Trump khi hai nước rơi vào cuộc chiến thương mại, cạnh tranh công nghệ và xung đột về các vấn đề gồm nhân quyền và nguồn gốc đại dịch Covid-19. Theo Reuters, ngay ngày thứ hai nắm quyền, Tổng thống Biden đã đối mặt sức ép từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa liên quan đến lệnh trừng phạt của Trung Quốc. Cùng ngày ông Biden tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1, Bắc Kinh công bố lệnh trừng phạt nhằm vào cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo và 27 quan chức khác của chính quyền ông Trump.

Ông Jim Risch, thành viên cấp cao Đảng Cộng hòa tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho rằng với lệnh trừng phạt này, Bắc Kinh đang thử thách quyết tâm của chính quyền ông Biden về việc duy trì hướng tiếp cận cứng rắn, cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhằm vào Trung Quốc.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng được các cam kết mua hàng hóa Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã ký kết với chính quyền cựu Tổng thống Trump. Theo cam kết, Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, dữ liệu nhập khẩu của Trung Quốc do Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) phân tích chỉ ra rằng hơn một năm sau khi thỏa thuận có hiệu lực, Trung Quốc mới mua 58% trong tổng số hàng hóa đã cam kết.

Tổng thống Biden hiện vẫn chưa đưa ra thông báo nào về số phận của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nói trên. Hồi tháng trước, ông tuyên bố sẽ không lập tức dỡ bỏ áp thuế đối với Trung Quốc và sẽ xem xét lại toàn bộ thỏa thuận. Ông Scott Kennedy - cố vấn cấp cao, Chủ tịch ủy thác về kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế - nhận định chính quyền ông Biden phải thay đổi chính sách về Trung Quốc bởi cách tiếp cận của chính quyền cựu Tổng thống Trump đã thất bại.

Theo tờ The New York Times, trong tuần này, bà Janet Yellen, người được ông Biden đề cử làm Bộ trưởng Tài chính, nhấn mạnh chính quyền mới sẽ tìm cách giải quyết mọi hành vi sai trái về kinh tế của Bắc Kinh.

Tuyên chiến với Covid-19

Tổng thống Joe Biden sử dụng ngày nắm quyền toàn vẹn đầu tiên để tập trung vào nỗ lực phát động chiến lược quốc gia ứng phó Covid-19 "toàn diện, dựa trên sự thật và khoa học, không phải chính trị" giữa lúc đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người Mỹ.

"Chúng ta đang ở ngày 1" - Tổng thống Biden khẳng định, đồng thời cho biết kế hoạch kiểm soát Covid-19 dài 198 trang của ông đã được đăng tải trên trang web của Nhà Trắng.

Theo đài CNN, kế hoạch của vị Tổng thống 78 tuổi bắt đầu bằng chiến lược tiêm chủng toàn quốc để thực hiện cam kết 100 triệu liều tiêm trong 100 ngày đầu nắm quyền. Riêng ngày 21-1, Tổng thống Biden ký ít nhất 10 sắc lệnh, bản ghi nhớ và chỉ thị xoay quanh cuộc chiến chống Covid-19, như tăng cường nguồn cung vắc-xin, đẩy mạnh xét nghiệm và chăm sóc y tế, bảo vệ người lao động, yêu cầu đeo khẩu trang tại sân bay và trên một số phương tiện công cộng... Hành khách quốc tế bay vào Mỹ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 gần đây và sẽ bị cách ly ngay khi nhập cảnh.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân, vật dụng y tế cũng như các vật liệu quan trọng đối với chiến dịch xét nghiệm và tiêm chủng, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố triển khai "nỗ lực thời chiến, toàn diện" thông qua Đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA) - cho phép chính phủ vận động các công ty ưu tiên sản xuất những thiết bị cần thiết. Tổng thống Biden còn yêu cầu Bộ Giáo dục cùng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cung cấp hướng dẫn để trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em và các cơ sở giáo dục đại học hoạt động một cách an toàn.

Về hỗ trợ liên bang, Tổng thống Biden chỉ đạo Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang (FEMA) tăng mức bồi thường liên bang cho các bang từ 75% lên 100% chi phí cho thành viên Vệ binh Quốc gia và các nguồn cung khẩn cấp. Sắc lệnh này cũng khôi phục việc bồi thường toàn bộ chi phí để hỗ trợ mở lại trường học an toàn thông qua Quỹ Cứu trợ thảm họa của FEMA.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn