Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill, tàu khu trục USS Russell và USS John Finn tiến vào Biển Đông hôm 23/1, theo thông cáo của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ.
"Nhóm chiến hạm dự kiến thực hiện các chiến dịch thường kỳ, bao gồm hoạt động bay của phi cơ cánh bằng và trực thăng, diễn tập tiến công trên biển, huấn luyện hiệp đồng chiến thuật giữa các đơn vị tàu mặt nước và không quân hải quân", thông cáo có đoạn viết.
Hải quân Mỹ cho biết đây là đợt triển khai theo kế hoạch của Hạm đội 7, nhằm "bảo đảm tự do trên biển và xây dựng quan hệ đối tác phục vụ an ninh hàng hải".
USS Theodore Roosevelt trên đường tới Biển Đông hôm 22/1. Ảnh: US Navy.
Đây là đợt triển khai tàu sân bay đầu tiên của Mỹ tại Biển Đông kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hôm 20/1. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, thông qua Luật Hải cảnh. Theo dự thảo được công bố trước đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23/1 cũng kêu gọi Bắc Kinh "ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế nhằm vào Đài Bắc" sau vụ 13 máy bay quân sự các loại của Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan.
Mỹ gần đây tăng cường hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông và thuyết phục đồng minh, đối tác tham gia nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này. Các hoạt động diễn tập được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung vẫn ở mức cao, khi hai bên liên tục đẩy mạnh hoạt động quân sự trong khu vực, dẫn tới nguy cơ đụng độ từ những sự cố ngoài ý muốn.
Hồi tháng 7, nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan đã hai lần diễn tập chung tại Biển Đông. Nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan hồi giữa tháng 8 cũng tổ chức diễn tập phòng không trên khu vực Biển Đông, song không công bố vị trí cụ thể.