Từ vụ Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Tiền Giang bị khởi tố, bắt giam vì có hành vi nhận hối lộ từ người nhà một bác sĩ (BS) được đào tạo theo địa chỉ nhưng khi học xong thì muốn bồi thường kinh phí đào tạo, cho thấy việc đào tạo theo hình thức này đến lúc cần chấn chỉnh.
Theo chồng, bỏ cam kết
Theo Sở Y tế tỉnh Cà Mau, từ năm 2015 đến nay, ngành y tế tỉnh này có khoảng 150 BS nghỉ việc ở bệnh viện công.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, cho biết trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều trường hợp BS thuộc diện đào tạo theo địa chỉ làm việc tại các bệnh viện công xin nghỉ việc. Những trường hợp này sẵn sàng bồi thường chi phí đào tạo để được tự chọn chỗ làm mới. "Do thu nhập của BS ở các bệnh viện công và các cơ sở y tế tư nhân chênh lệch rất lớn. Mỗi tháng một BS dạng hợp đồng chưa vào công chức chỉ nhận khoảng 3 triệu đồng, còn ở cơ sở y tế tư nhân thì được khoảng 20 triệu đồng. Đây là vấn đề nan giải để giữ chân BS của các bệnh viện công" - ông Dũng nêu thực trạng.
Mới đây, tại Bệnh viện Đa khoa TP.Cà Mau (tỉnh Cà Mau) có 2 BS xin nghỉ việc dù được cơ quan chủ quản thông báo là "không giải quyết cho nghỉ vì được UBND tỉnh cử đi học theo diện đào tạo theo địa chỉ sử dụng, có cam kết phục vụ lâu dài sau khi tốt nghiệp ra trường". Tuy nhiên, 2 BS này tự ý bỏ việc, sẵn sàng bồi thường chi phí đào tạo.
Tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời cũng có 2 BS tự ý bỏ việc. Ngoài ra, một số BS ở bệnh viện công trong quá trình đi học nâng cao chuyên môn ở TP.HCM đã được các bệnh viện, phòng khám nơi đây mời làm việc với mức lương cao và trang thiết bị hiện đại, cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều BS nghỉ việc trong thời gian qua.
Trong năm 2020, Sở Y tế tỉnh Trà Vinh đã có thông báo xét tuyển viên chức đối với đối tượng đào tạo theo chế độ cử tuyển, địa chỉ sử dụng và BS chính quy với số lượng 98 chỉ tiêu nhưng đến nay một số vị trí vẫn chưa tuyển được. Theo BS Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, Sở tổ chức thi vòng sơ tuyển cho những trường hợp đã kết thúc chương trình đào tạo nhưng có một vài vị trí vẫn chưa tuyển được nên sở đang xin ý kiến Sở Nội vụ tổ chức thi tuyển một lần nữa. "Cũng có trường hợp không về địa phương công tác theo sự phân công. Đối với BS nữ, khi học xong thì gửi đơn đến Sở Y tế xin nghỉ vì… theo chồng. Những trường hợp này, chúng tôi tiếp nhận đơn và gửi Sở Nội vụ để trình UBND tỉnh xem xét.
Bị can Nguyễn Văn Nguyện (Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Tiền Giang bị khởi tố, bắt giam vì có hành vi nhận hối lộ từ người nhà một bác sĩ (BS) được đào tạo theo địa chỉ. Ảnh: MINH SƠN
Giữ bằng tốt nghiệp để giữ chân
Để khắc phục tình trạng phá vỡ cam kết trong hợp đồng đào tạo, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Sở sẽ tạo môi trường làm việc cho cán bộ y tế phù hợp hơn, phát huy được năng lực, triển khai tự chủ tại các bệnh viện có điều kiện chủ động trong quản lý tài chính, nhân lực.
Một lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cho biết trung bình mỗi năm, UBND tỉnh cấp kinh phí đào tạo ngành y tế cho khoảng 130 người, gồm hệ chính quy và liên thông. Trong đó, hệ chính quy khoảng 70 người, gồm BS đa khoa, BS chuyên khoa… và khoảng 60 người thuộc hệ liên thông lên BS đa khoa, y học cổ truyền... Khi kết thúc chương trình học, các BS phải về tỉnh công tác 6 năm theo sự phân bổ, giám sát của Sở Y tế. Tuy nhiên, việc cử đi học phải lựa chọn đúng đối tượng. Từ nhiều năm qua, chưa có trường hợp nào khi đào tạo về không công tác cho tỉnh. Chỉ duy nhất trường hợp liên quan đến ông Nguyễn Văn Nguyện (Chánh Văn phòng Sở Y tế tỉnh Tiền Giang) vừa bị bắt là do ông Nguyện làm sai. Theo vị lãnh đạo này, thời gian tới, tỉnh sẽ rà soát tất cả trường hợp cử tuyển đi học phải đúng người.
Ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết tỉnh này đang thiếu nguồn nhân lực trong ngành, nhất là ở tuyến huyện. Do đó, sở đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện chủ trương đào tạo BS theo địa chỉ sử dụng. Theo đó, người được đào tạo phải tự bỏ chi phí học tập và có cam kết về địa phương phục vụ ít nhất 5 năm. Trong khoảng thời gian này, Sở sẽ giữ bằng tốt nghiệp để tránh trường hợp cán bộ y tế tự bỏ việc do thu nhập ở nơi khác hấp dẫn hơn. Cũng theo ông Tuấn, do trước đây còn bao cấp kinh phí đào tạo nên khoảng 15% số BS khi ra trường muốn bồi thường để không về địa phương phục vụ như đã cam kết. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã thực hiện chủ trương đào tạo theo địa chỉ mà người học phải tự bỏ chi phí.
"Mới đây, tại thị xã Tân Châu cũng có một BS xin được bồi thường kinh phí đào tạo với số tiền khá lớn nhưng đã có ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh và cả hội đồng là không đồng ý, bắt buộc phải thực hiện theo quy định. Những trường hợp được xét cho bồi thường là trong diện kết hôn theo vợ hoặc chồng hay đi nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình chứ không chấp thuận cho bất cứ lý do nào khác. Tỉnh giao Sở Y tế đứng ra nhận và giữ bằng tốt nghiệp (đã có cam kết dân sự ngay từ ban đầu). Có nhiều trường hợp muốn làm việc ở các TP lớn nên họ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn bồi thường nhưng phải có quyết định của UBND tỉnh thông qua hội đồng xem xét cho từng trường hợp cụ thể" - ông Tuấn khẳng định.
Cần giải pháp căn cơ để giữ chân bác sĩ Trước quan điểm cho rằng nên ngừng hình thức đào tạo theo địa chỉ, một chuyên gia cho rằng ngành y là ngành đào tạo liên tục nên các y, BS phải được thường xuyên cập nhật kiến thức mới. Do đó, cần phải có giải pháp căn cơ để giữ chân BS. Muốn vậy, các tỉnh phải đầu tư xây dựng bệnh viện hiện đại, có chiến lược đào tạo và có cơ chế để thu hút người lao động có chuyên môn cao về địa phương. Về hình thức đào tạo theo địa chỉ, đào tạo cử tuyển, ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết bộ đang xây dựng dự án đào tạo liên tục cho cán bộ y tế với những ràng buộc về pháp lý giữa đơn vị thực hiện việc cử cán bộ đi đào tạo và người được đào tạo để bảo đảm giữ chân y, BS. |
Theo NLĐ