Ông Biden tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Getty
Trước số ít khán giả chứng kiến trực tiếp, ông Biden tuyên thệ trước Chánh án Tòa án tối cao John Roberts vào đầu giờ chiều 20/1. Ông đặt tay lên bìa cuốn kinh thánh mà gia đình Biden đã sử dụng hơn 1 thế kỷ. Ở tuổi 78, ông Biden trở thành Tổng thống cao tuổi nhất trong lịch sử Mỹ.
Buổi lễ diễn tra trước Đồi Capitol khi nơi này được bảo vệ nghiêm ngặt, sau khi xảy ra vụ đám đông ủng hộ ông Donald Trump xông vào đây đập phá 2 tuần trước.
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Biden kêu gọi người Mỹ đoàn kết khi cả nước đang đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Với cử chỉ thể hiện nỗ lực hàn gắn giới chính trị, ông Biden đã mời những lãnh đạo hàng đầu trong Quốc hội, trong đó có lãnh đạo phe Cộng hòa ở Hạ viện Kevin McCarthy và lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell, cùng đi lễ nhà thờ vào sáng 21/1, AP đưa tin.
Phá bỏ truyền thống chính trị suốt hơn một thế kỷ, ông Trump từ chối gặp ông Biden để thể hiện sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Phó Tổng thống Mike Pence, các cựu Tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Bill Clinton là những người tham dự.
Từ lâu đã mang giấc mộng trở thành Tổng thống, sự kiện ngày 20/1 với ông Biden là khoảnh khắc đánh dấu đỉnh cao của sự nghiệp chính trị suốt 5 thập kỷ. Nhưng ông sẽ phải xử lý hàng loạt cuộc khủng hoảng “khó nhằn” cả với một người dày dạn kinh nghiệm chính trường.
Đại dịch thiết lập mốc mới trong ngày cuối cùng của chính quyền Trump, với 400.000 người chết và 24 triệu ca mắc, cao hơn bất kỳ nước nào khác. Hàng triệu người Mỹ mất việc vì tình trạng đóng cửa và hạn chế.
Ông Biden hứa sẽ huy động cả chính phủ liên bang để xử lý khủng hoảng, trong đó có triển khai chương trình truy vết, xét nghiệm và tiêm chủng diện rộng. Ông sẽ dành 1,9 nghìn tỷ USD để chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp tiền mặt cho các hộ gia đình. Ông dự định ban hành hàng loạt sắc lệnh ngay trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, như đảo ngược lệnh cấm của chính quyền Trump đối với du khách và người nhập cư từ các nước Hồi giáo, tái tham gia thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở những tòa nhà công cộng.
Ông Biden đề ra một chương trình tham vọng trong 100 ngày đầu tiên nhưng những kế hoạch của ông đều phải cần Quốc hội thông qua, trong khi Thượng viện lại đang bận rộn với phiên tòa luận tội ông Trump. Phiên tòa được coi là phép thử sớm đối với lời hứa của ông Biden nhằm tạo nên cảm giác mới về quan hệ lưỡng đảng ở Washington.
Uy tín sứt mẻ
Trở thành Tổng thống Mỹ, ông Biden cũng phải đối mặt với một nhiệm vụ to lớn nữa là sửa chữa hình ảnh nước Mỹ, đặc biệt sau vụ đập phá trong trụ sở Quốc hội.
“Sự kiện đó cho thấy Mỹ không có tư cách để trừng phạt nước khác dưới chiêu bài bảo vệ dân chủ”, Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa viết trên Twitter sau vụ việc ngày 6/1. Ông kêu gọi Washington chấm dứt những biện pháp trừng phạt kinh tế “đau đớn” vì lý do nhân quyền và pháp quyền.
Những lời mắng mỏ của ông Harare cho thấy uy tín toàn cầu của Mỹ rơi vào tình trạng mong manh như thế nào khi ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ của mình. “Chúng ta chớ nên ngây ngơ về những tổn hại đối với hình ảnh của Mỹ trong 4 năm qua, và cụ thể hơn là điều xảy ra hôm 6/1”, ông David O’Sullivan, cựu đại sứ EU tại Washington, nói.
Theo TPO