Cuộc họp kín giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Dương Khiết Trì, trợ lý ngoại giao hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là lần gặp nhau đầu tiên giữa các nhà ngoại giao hàng đầu hai nước sau gần một năm. Cuộc gặp diễn ra tại Trân Châu Cảng, nơi nổ ra trận tập kích 80 năm trước, buộc Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản trong Thế chiến II.
Ngoài cạnh tranh kinh tế và công nghệ, Bắc Kinh và Washington còn chỉ trích lẫn nhau trong "trận chiến đổ lỗi" về Covid-19, cũng như xung đột trên hầu như mọi mặt trận, từ căng thẳng thương mại tới Biển Đông, Đài Loan, Tân Cương hay Huawei. Tranh cãi gần đây xung quanh việc Trung Quốc áp luật an ninh mới với Hong Kong khiến tình hình càng tồi tệ, đẩy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vào thế đối đầu quyết liệt và nguy hiểm.
Theo bình luận viên Shi Jiangtao của SCMP, không có gì đáng ngạc nhiên khi 7 giờ gặp mặt trong hai ngày giữa ông Dương và Pompeo dường như không mang lại tiến bộ đáng kể nào trong việc cứu vãn mối quan hệ hai bên, hoặc giúp hạ nhiệt thế đối đầu gay gắt giữa hai cường quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) và nhà ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì trong cuộc gặp tại Hawaii, Mỹ, hôm 17/6. Ảnh: Reuters.
Sự nghi ngờ và thù địch không chỉ làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, mà còn khiến phần lớn thế giới phân cực sâu sắc, trong bối cảnh không khí vô định, bối rối và khó khăn kinh tế bao trùm toàn cầu vì khủng hoảng Covid-19. Giới chức và học giả cảnh báo do việc trao đổi giữa các nước bị hạn chế nghiêm trọng, cùng các công cụ giảm căng thẳng như thương mại, du lịch và giáo dục gần như vô dụng, quan hệ Mỹ - Trung đang lao dốc với tốc độ chưa từng thấy.
"Phần còn lại của năm 2020 có thể đặt ra phép thử quan trọng với Mỹ và Trung Quốc, như 5 tháng cuối cùng của năm 1941 trong quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản", Graham Allison, giáo sư tại Đại học Harvard, nhận định.
Allison đánh giá cuộc không kích bất ngờ của Tokyo tại Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941 vượt quá sức tưởng tượng của Washington. "Họ từng cho rằng một quốc gia với diện tích chưa bằng 1/4 Mỹ sẽ không tấn công đất nước hùng mạnh nhất thế giới. Nên nhớ rằng khi nói điều gì đó 'không thể lường tới', nó chỉ khó xảy ra trong suy nghĩ của chúng ta", chuyên gia nói.
Mặc dù hai bên đều tỏ ra không muốn rơi vào một cuộc chiến thảm khốc, các nhà phân tích cho biết nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung vẫn ngày càng tăng, dù không bên nào có chủ đích.
"Trung Quốc coi Covid-19 là cơ hội để khai thác những điểm yếu của Mỹ. Do đó, họ có thể bị cám dỗ trước ý tưởng giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng vũ lực. Tôi nghĩ Bắc Kinh thực sự có khả năng tính toán sai lầm khi cho rằng Mỹ sẽ không, hoặc không thể đáp trả về mặt quân sự", Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, đánh giá.
Stephen Walt, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard, cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, Trung Quốc coi Tổng thống Mỹ Donald Trump là "một lãnh đạo yếu kém và dễ mắc lỗi", dường như tin rằng phản ứng "tai hại" của Washington với Covid-19 tạo ra thời cơ giúp Bắc Kinh đạt được thêm lợi thế.
"Hai nước đã rơi vào một cuộc cạnh tranh lâu dài xung quanh những tầm nhìn chiến lược không tương thích với nhau, bao gồm tham vọng thống trị châu Á của Trung Quốc. Ở một số khía cạnh nhất định, nó giống với Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng chưa nguy hiểm bằng", Walt nhận xét.
Tuy nhiên, Oriana Skylar Mastro, trợ lý giáo sư tại Đại học Georgetown, Mỹ, lại cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay không giống với Chiến tranh Lạnh. "Điểm tích cực là hai nước có mối liên kết sâu rộng với nhau. Tuy nhiên, thực sự vẫn tồn tại khả năng xung đột vũ trang ở mức độ chưa từng thấy so với quan hệ Mỹ - Liên Xô", Mastro nói.
Bà chỉ ra rằng Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn để giảm bớt những mối lo ngại của Mỹ, như xuống thang ở Biển Đông. "Tuy nhiên, Bắc Kinh không làm như vậy, bởi họ hiểu sai về cơ bản động lực trong chính sách của Washington. Họ nghĩ Mỹ đang phản ứng lại với sự suy giảm quyền lực của bản thân, rằng dù Trung Quốc có làm gì đi nữa thì Mỹ cũng sẽ công kích", Mastro nhận định.
"Vì vậy, Trung Quốc không có lý do để cố gắng kiềm chế tham vọng, cũng như cách mà họ nỗ lực đạt được mục tiêu. Đây là một sai lầm có thể dẫn đến chiến tranh", bà nói thêm.
Yuan Peng, chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, nhóm cố vấn liên quan đến chính phủ tại Bắc Kinh, cho rằng thế giới hậu Covid-19 có nét tương đồng với tình hình sau Thế chiến I hơn một thế kỷ trước. Reuters từng dẫn một báo cáo nội bộ của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc đánh giá rằng Bắc Kinh nên chuẩn bị cho xung đột vũ trang với Washington giữa lúc làn sóng bài Trung trở nên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuần trước bác bỏ quan điểm rằng nước này đang tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng bằng cách gây tổn hại cho Mỹ. "Trung Quốc không bao giờ có ý định thách thức hoặc thay thế Mỹ, hay đối đầu toàn diện với họ", ông cho hay, nhưng thừa nhận quan hệ Mỹ - Trung đang vướng vào thách thức nan giải nhất kể từ khi thiết lập quan hệ hồi năm 1979.
Những lời lẽ mang tính xoa dịu từ phía Bắc Kinh cũng ngày càng trở nên hiếm hoi trong năm qua, sau khi chính sách đối ngoại của họ theo đuổi chủ nghĩa dân tộc một cách mạnh mẽ, nhằm đáp lại lời kêu gọi "tinh thần chiến đấu" của ông Tập đối với các nhà ngoại giao, trước sức ép từ Mỹ và các đồng minh.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, phép thử nguy hiểm nhất chạm tới giới hạn cuối cùng của họ bao gồm các cuộc chạm trán quân sự liên quan tới hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Washington trên Biển Đông, cùng ý tưởng Mỹ công nhận Đài Loan độc lập. Một loạt động thái ủng hộ Đài Loan của giới chức Mỹ càng "chọc giận" Trung Quốc.
Về phía Washington, những phát ngôn mang tính hòa giải của Ngoại trưởng Vương không đủ để lay chuyển lập trường lưỡng đảng trong giới tinh hoa chính trị Mỹ, hoặc quan điểm của công chúng Mỹ về Trung Quốc, vốn đã đầy tiêu cực, đặc biệt sau khi Covid-19 bùng phát.
Chính sách của Mỹ với Trung Quốc những năm qua phần lớn bị chi phối bởi nỗi lo ngại về sự trỗi dậy của một cường quốc mới thống trị khu vực Á - Âu, cùng khả năng Nga - Trung trở thành một phe.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người vạch ra kế hoạch mở cửa với Trung Quốc vào những năm 1970 nhằm cô lập Liên Xô, đồng thời từng phản đối chính sách "diều hâu" kiềm chế Bắc Kinh, cũng ngày càng bi quan về tương lai quan hệ Mỹ - Trung. Giờ đây, ông coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược duy nhất của Washington, thậm chí cảnh báo một cuộc xung đột quân sự "không giới hạn" giữa hai nước có thể tồi tệ hơn những cuộc thế chiến từng xảy ra.
Đối với Kissinger và Allison, xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự của ông Tập những năm gần đây, cùng sự nhấn mạnh mức độ cần thiết của việc xây dựng một đội quân có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng, là một dấu hiệu khác chứng minh Trung Quốc đang chuẩn bị cho xung đột vũ trang, kịch bản tồi tệ nhất.
"Từ quan điểm lịch sử, Mỹ - Trung gần như được định sẵn sẽ rơi vào xung đột", Kissinger phát biểu hai năm trước.
"Sự thiếu chắc chắn lớn nhất đối với quân đội hai nước nằm ở thực tế rằng họ đều chưa thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng hiệu quả, đồng thời vẫn mơ hồ về các quy tắc quan hệ và lằn ranh đỏ của nhau", cựu thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh nhận định.
"Do đó, hai bên không ngừng thử thách nhau, làm gia tăng nguy cơ gây ra sự cố và hậu quả không thể kiểm soát được", bà cảnh báo.