Ngày 12/7, bệnh nhân 91 (43 tuổi, nam phi công) đã được vận chuyển về quê hương an toàn sau khi khỏi Covid-19 và phục hồi sức khỏe. Trong chuyến bay trở về nước, bệnh nhân đã được chăm sóc như thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Một ngày trước khi chuyển phi công lên máy bay, bác sĩ Rafi Kot, Tổng giám đốc Phòng khám Gia đình lên Boeing 787-10 để đo đạc, tính toán chính xác chiều cao của ghế máy bay. Ông cho biết nam phi công có vết loét rất lớn ở vùng cùng cụt. Vết thương này khiến bệnh nhân đau đớn, khó ngủ. Do đó, một mút đệm khu vực ghế ngồi của bệnh nhân 91 đã được thiết kế riêng. Điều đó giúp vết loét không bị ảnh hưởng.
Đầu tháng 7, điều dưỡng Nguyễn Thiên Bảo (50 tuổi) nhận được thông báo anh sẽ cùng bác sĩ Nguyễn Công Huy (48 tuổi) hộ tống bệnh nhân 91. Đây không phải lần đầu tiên hai người đồng nghiệp này phối hợp chuyển bệnh nhân ra nước ngoài.
|
Điều dưỡng Nguyễn Thiên Bảo và bác sĩ Nguyễn Công Huy. Ảnh: NVCC |
“Bệnh nhân được quá nhiều sự chú ý và chúng tôi có thể chịu sức ép truyền thông khá lớn”, nam điều dưỡng chia sẻ cảm xúc đầu tiên khi nhận quyết định.
Tuy nhiên, những áp lực và lo lắng này nhanh chóng tan biến khi cả hai bắt đầu vào guồng quay của công tác hậu cần. Những chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM để trò chuyện với bệnh nhân, cùng ê-kíp chuẩn bị từng vật dụng gần như chiếm trọn thời gian của cả hai.
“Suốt chặng đường bay, chúng tôi làm việc liên tục, áp lực từng phút, từng giây vì bệnh nhân vẫn không thật sự khỏe mạnh. Anh ấy vẫn phải thở oxy và dùng thuốc giảm đau”, điều dưỡng Bảo kể lại.
Cách mỗi giờ, bác sĩ Huy và điều dưỡng Bảo thay phiên hỏi sức khỏe của bệnh nhân, đổi tư thế nằm.
“Chúng tôi gần như không thể ngủ và cũng không dám nghỉ ngơi đến khi bàn giao bệnh nhân cho đồng nghiệp tại Bệnh viện Wishaw tại Glasgow, Scotland. Chúng tôi mới thở phào vì nhiệm vụ đã hoàn thành”, nam điều dưỡng nói.
Hai tuần trước khi bắt đầu cuộc vận chuyển nam phi công về Scotland, bác sĩ Rafi Kot có 332 giờ chuẩn bị. Đây không phải lần đầu tiên đơn vị này đưa bệnh nhân hồi hương.
Vấn đề khiến vị giám đốc suy nghĩ là điều hành, kết nối tất cả sân bay, bộ phận hải quan, xuất nhập cảnh, cơ quan an ninh nơi bệnh nhân sẽ đi qua, đảm bảo thời gian cất cánh, hạ cánh trùng khớp.
Để cuộc vận chuyển diễn ra thuận lợi, đơn vị này phải đảm bảo mang theo đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế. Bệnh nhân 91 sẽ có 7 chặn đường di chuyển, trong đó 4 chặn đường bay, đi qua 5 sân bay, 4 quốc gia.
Bác sĩ Kot đánh giá bệnh nhân hiện hoàn toàn tỉnh táo, sức khỏe ổn định và khỏi Covid-19. Tuy nhiên, để đảm bảo mọi việc trong tầm kiểm soát, ê-kíp này đã chuẩn bị các dụng cụ như một phòng cấp cứu thu nhỏ. “Chúng tôi coi nam phi công là bệnh nhân rất nặng”, ông nói thêm.
Hơn 3.500 lít oxy, máy theo dõi bệnh nhân, máy sốc điện, máy thở, máy xét nghiệm, máy hút, bộ đặt nội khí quản, thiết bị cấp cứu nếu có tràn khí màng phổi và các loại thuốc, được sắp xếp trong balo và hai valy nhỏ.
Sau khi cuộc vận chuyển diễn ra thuận lợi, đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, bác sĩ Drew Posey, đã gửi thư điện tử đến Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, để chúc mừng sự thành công trong việc điều trị bệnh nhân 91.
Nam phi công được xem là “trường hợp đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ y tế Việt Nam”. Để mang lại sự sống cho bệnh nhân, Việt Nam đã huy động tất cả chuyên gia đầu ngành với nhiều cuộc hội chẩn cấp quốc gia.
Các bác sĩ, điều dưỡng gần như dốc toàn bộ y - tâm - trí - lực, đưa bệnh nhân “từ cõi chết trở về”. Ngày 6/7, nam phi công 43 tuổi đã được công bố khỏi bệnh, có thể ra viện và không cần cách ly.
Theo Zing