Giải ngân chậm vì né trách nhiệm?

Thứ hai, 20/07/2020, 09:31
Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do chủ đầu tư sợ trách nhiệm.

Dự án cao tốc Bắc Nam - một trong những dự án đầu tư công trọng điểm. Ảnh minh họa

Mạnh tay điều chuyển vốn

Thống kê về tiến độ giải ngân sáu tháng đầu năm ước đạt 159.397 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù các cấp, ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn so với yêu cầu. Cả nước có 3 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.

Là một trong những cơ quan giúp việc cho Chính phủ dự thảo chính sách về đầu tư công, Bộ KH&ĐT vừa có công văn “thúc” giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 gửi tới bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhằm đạt mục tiêu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 theo đúng tinh thần tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ giải pháp, tháo gỡ kịp thời rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA…

“Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc không bảo đảm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại bộ, cơ quan trung ương và địa phương mình. Nhằm đảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí vốn, nhất là đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả, Quốc hội đã giao Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương”, công văn của Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân nhanh để đảm bảo giải ngân toàn bộ kế hoạch đầu tư công năm 2020 được giao.

Cấp dưới đốc thúc, người đứng đầu không ký thì…

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, lượng vốn đầu tư công thực hiện trong năm 2020 gần 700.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với các năm trước. Để có thể giải ngân 100% vốn đầu tư công của cả năm nay, chủ đầu tư phải đôn đốc các nhà thầu để thi công.

“Trong đầu tư công, trách nhiệm của người đứng đầu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, ban quản lý dự án được quy định rõ. Người đứng đầu mà né trách nhiệm, không ký hồ sơ thì bước tiếp theo không thể thực hiện. Cấp dưới đốc thúc, sôi sục nhưng người đứng đầu không ký thì dự án vẫn không thể thực hiện”, ông Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Anh Dương, Ban Nghiên cứu tổng hợp của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nếu người đứng đầu, sợ trách nhiệm, việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay ODA tồn đọng khoảng 30 tỷ USD vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy. Ông Dương cho rằng, hiện nay ai cũng nói là bối cảnh mới nhưng vẫn cách làm cũ, tư duy cũ thì rất khó phát triển đất nước.

“Trong bối cảnh mới, điều hành kinh tế Việt Nam cần bớt sợ trách nhiệm. Nếu chủ đầu tư sợ trách nhiệm thì việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay ODA tồn đọng khoảng 30 tỷ USD vẫn sẽ chỉ nằm trên giấy. Nếu các bộ, ngành và địa phương vẫn lo ngại sẽ rất khó làm được”, ông Dương kiến nghị.

Theo TPO

Các tin cũ hơn