Xử lý cán bộ là bước sàng lọc cho nhiệm kỳ sau

Thứ hai, 20/07/2020, 09:56
“Tôi cho rằng, xử lý nhiều cán bộ sai phạm trong nhiệm kỳ này thì sang nhiệm kỳ sau sẽ bớt đi, thời gian tới sẽ tốt lên, không lặp lại vết xe đổ nữa. Đây cũng là bước sàng lọc cho nhiệm kỳ tới hoạt động tốt hơn. Vừa chọn được cán bộ tốt, cũng là bài học, tấm gương để cán bộ ở nhiệm kỳ mới soi vào”, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ với Tiền Phong.
Không chờ, “mũ ni che tai”

Vào thời điểm diễn ra đại hội này, so với các nhiệm kỳ trước, nhiều người nhận định, lần này việc xử lý cán bộ và các vụ án lớn có phần quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Ông thấy sao về điều này?

Đúng là ở đại hội trước đây cũng có tình trạng mọi thứ cứ “nằm chờ”, cán bộ không mạnh tay để lấy phiếu và giữ gìn cho qua đại hội. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lần này rất rõ, nhiều lần Trung ương cũng đã chỉ đạo, không để tình trạng “nằm chờ”, rồi “mũ ni che tai” diễn ra.

Xử lý cán bộ là bước sàng lọc cho nhiệm kỳ sau - ảnh 1
ĐBQH Bùi Văn Xuyền

Theo tinh thần đó, việc xử lý cán bộ vi phạm và các vụ án nổi cộm vừa qua đã đem lại niềm tin của người dân đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ hiện nay.

“Cái gì cũng có hai mặt cả, tuy nhiên việc xử lý cán bộ, các vụ án tham nhũng lớn được đa số người dân ủng hộ và cái quan trọng nhất là người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của bộ máy nhà nước. Đó là căn cứ tốt nhất để xem xét, đánh giá. Còn bảo vì sợ mà không làm, như thế sẽ tạo thành những điểm nóng và sẽ tích tụ lại”, ông Bùi Văn Xuyền

Đảng viên và nhân dân đã đặt lòng tin vào đại hội, nhất là công tác nhân sự của đại hội. Làm như vậy cũng là một bước sàng lọc cán bộ rất hiệu quả. Các tỉnh, thành, địa phương cũng phải xem xét, không phải vì đại hội mà dừng lại. Mọi công việc vẫn phải được tiến hành khẩn trương.

Đặc biệt vừa qua việc giải ngân vốn đầu tư công cũng nằm trong tình trạng như vậy. Bây giờ tất cả những nội dung đó phải đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ. Nếu không đạt yêu cầu ở bất cứ thời điểm nào cũng cần phải xem xét, đánh giá đối với cán bộ, như vậy mới có chuyển biến tích cực.

Nhưng việc xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu lâu nay vẫn còn nhiều cái vướng, thưa ông?

Công tác cán bộ là chọn người và giao việc. Địa bàn anh phụ trách, công việc phải chuyển biến. Tất nhiên chúng ta không cầu toàn, nhưng vấn đề nổi cộm phải được giải quyết chứ không để đóng băng lại. Trong công tác cán bộ cần lấy công việc làm thước đo đánh giá trong việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm và xử lý trách nhiệm.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu từ trước đến nay còn nhiều cái vướng. Cứ nói người đứng đầu nhưng ai là người đứng đầu, đứng đầu ở đâu, vị trí nào… cũng không chỉ rõ được. Nhưng vừa qua, Trung ương đã có những quy định liên quan đến việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để khắc phục tình trạng này.

Tôi được biết, ở một số địa phương đã giao việc cụ thể cho bí thư huyện ủy. Những vấn đề nổi cộm tại địa phương thì đặt hàng luôn trong đại hội, xây dựng kế hoạch chương trình công tác luôn. Như vậy mới có cái để đánh giá, chứ nói chung chung thì rất khó hiệu quả.

Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, cứ xử lý cán bộ nhiều như vậy thì không ai dám làm gì, và vì sợ trách nhiệm nên co lại hết cả, dẫn đến mọi công việc đình trệ?

Tôi không nghĩ như vậy. Đương nhiên cái gì cũng có hai mặt, tuy nhiên việc xử lý cán bộ, các vụ án tham nhũng lớn được đa số người dân ủng hộ và điều quan trọng nhất là người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của bộ máy nhà nước. Đó là căn cứ tốt nhất để xem xét đánh giá. Còn bảo vì sợ mà không làm, như thế sẽ tạo thành những điểm nóng và sẽ tích tụ lại.

Tất nhiên, việc này sẽ có tác động nhất định về mặt tư tưởng, nhưng người đứng đầu thấy vậy mà sợ không dám làm thì anh cứ thể hiện rõ quan điểm. Nếu anh không làm được thì đứng ra một bên để người khác làm. Thậm chí, nhiều người còn lấy lý do, sợ không có người làm. Sao lại sợ như vậy? Thực tế còn rất nhiều người nhiệt huyết muốn làm, muốn cống hiến chứ.

Bài học để không lặp lại vết xe đổ

Hai địa bàn lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM đang phải tiếp tục đối mặt với những vụ án nổi cộm, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý về hình sự. Theo ông, điều này ảnh hưởng, tác động như thế nào đến việc tổ chức đại hội, lựa chọn nhân sự tại hai thành phố lớn này?

Nếu nói không ảnh hưởng cũng không phải. Tất nhiên việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của đảng viên ở đó. Nhưng nó cũng chỉ tác động tới một bộ phận nào đó thôi, còn đại đa số đều ủng hộ chủ trương này. Mặt khác việc này còn có thể sàng lọc được cán bộ tốt hơn. Đó cũng là một điểm tốt, không vấn đề gì cả.

Dù đang trong kỳ đại hội, nhưng nhiều người cũng mong muốn các vụ án nổi cộm ở cả trung ương và địa phương phải được xử lý rốt ráo hơn, khẩn trương hơn, ông nghĩ sao về điều này?

Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng. Dư luận, nhân dân và ngay cả cán bộ cũng mong muốn các vụ án lớn được xử lý nhanh, rốt ráo, mang lại hiệu ứng tốt trong xã hội. Việc này đã được Trung ương chỉ đạo nhất quán rồi. Tuy nhiên, đối với án tham nhũng không phải đơn giản làm trong ngày một ngày hai, không thể gấp gáp được. Xử lý nghiêm túc nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Không thể vì cái nọ cái kia mà đẩy tiến độ, làm nhanh, rồi có thể dẫn tới oan sai, vi phạm tố tụng và lệch sang hướng khác. Công việc điều tra, truy tố, xét xử phải tuân thủ các quy định của luật pháp. Việc chứng minh có tội hay không phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và thuyết phục, không làm oan sai người vô tội. Đó là quan điểm nhất quán.

Các vụ án tham nhũng thường khó khăn, phức tạp nên thường kéo dài. Việc này cũng đã dần được khắc phục. Tuy nhiên tôi được biết, các vụ án lớn được dư luận quan tâm vẫn nằm trong phạm vi cho phép của luật tố tụng. Một số vụ án nổi cộm khác ở địa phương liên quan đến băng nhóm xã hội đen cũng nằm trong thời hạn tố tụng xem xét giải quyết.

Tất cả phải đúng luật pháp và bám vào luật pháp. Nếu không chứng minh được ai đó phạm tội, cũng phải tuyên bố rõ người ta không phạm tội, đó là nguyên tắc tố tụng.

Ông thấy sao khi trong nhiệm kỳ này đã có hơn 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, và con số này có thể còn chưa dừng lại?

Công tác cán bộ, nếu cầu toàn quá cũng khó. Tuy nhiên, hiện Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành rất nhiều văn bản sửa đổi, bổ sung, phục vụ cho công tác cán bộ, từ quy hoạch, đào tạo đến bổ nhiệm. Làm sao có thể tối ưu hóa công tác dân chủ trong công tác cán bộ, tránh chạy chức, chạy quyền, bịt chặt kẽ hở, hạn chế, khắc phục những tồn tại trước đây.

Quy định là vậy, nhưng thực tế những tiêu cực có xảy ra hay không cũng không thể khẳng định ngay, cũng không thể cầu toàn được. Bởi rất có thể lúc này tôi đào tạo bồi dưỡng anh tốt, nhưng sau một thời gian anh lại bị hoàn cảnh tác động, chi phối. Lúc đó cũng cần có sự đào thải, điều đó là bình thường, khách quan. Không nên đánh giá việc xử lý cán bộ nhiều là do cái này, cái kia.

Mặt khác, tình trạng có nhiều cán bộ bị xử lý như vậy cũng có thể do nhiều năm nay tích tụ lại. Đến khi tập trung làm quyết liệt, đầy đủ, bài bản theo đúng chỉ đạo của Trung ương sẽ phát hiện ra nhiều sai phạm. Tôi cho rằng, xử lý nhiều sai phạm trong nhiệm kỳ này, sang nhiệm kỳ sau sẽ bớt đi, thời gian tới sẽ tốt lên, sẽ không lặp lại vết xe đổ nữa. Đây cũng là bước sàng lọc cho nhiệm kỳ tới hoạt động tốt hơn. Vừa chọn được cán bộ tốt, cũng là bài học, tấm gương để cán bộ ở nhiệm kỳ mới soi vào để tránh.

Cảm ơn ông.

Theo TPO

Các tin cũ hơn