Ông đến một cửa hàng địa phương và mua được những sản phẩm tương tự với giá chỉ bằng một nửa giá chính quyền Cesar đã trả. Chênh lệch đó đã thúc đẩy một trong 14 vụ điều tra liên quan đến Covid-19 tại Colombia.
"Chúng ta luôn có thể phát hiện tham nhũng. Nhưng điều làm tôi đau lòng nhất là tệ nạn xảy ra vào thời điểm này", Quintero nói.
Một phụ nữ đi chợ ở Bucharest, Romania ngày 21/4. Ảnh: AP.
Các quốc gia đang chi hàng nghìn tỷ USD để chống Covid-19 và giảm nhẹ tác động kinh tế. Khi các chính phủ đua nhau mua vật tư y tế và đưa ra các gói hỗ trợ, họ ưu tiên tốc độ hơn tính minh bạch, bỏ qua đấu thầu cạnh tranh và các quy định ngăn tham nhũng khác để tăng tốc đối phó đại dịch.
Hầu hết không còn lựa chọn nào khác. Với tốc độ lây lan của nCoV, nếu không mua nhanh, họ có thể khiến hàng triệu người gặp rủi ro. Nhưng nhiều quan tham, nhà thầu thân hữu và các tổ chức tội phạm đang lợi dụng tình hình này để đút túi số tiền lớn.
"Những trường hợp như vậy đang xảy ra", Max Heywood, người đứng đầu tổ chức giám sát chống tham nhũng Minh bạch Quốc tế, nói. "Nhìn vào những lỗ hổng trong hệ thống và số tiền thực sự được sử dụng, chúng tôi lo ngại về tình hình này".
Các quan chức tham nhũng đang kiếm chác từ những gói hỗ trợ thực phẩm cho lao động không thể làm việc vì Covid-19. Khi chính phủ Bangladesh tháng này khởi động chương trình phát gạo cho những công dân dễ bị tổn thương, hơn 270.000 kg gạo đã biến mất.
Khoảng 50 người bị cáo buộc cố gắng bán lại gạo với giá cao hơn. Chính phủ Bangladesh đã chỉnh sửa kế hoạch hỗ trợ để tránh gian lận. "Lẽ ra trong khủng hoảng quốc gia, những đức tính tốt của con người như đồng cảm và đoàn kết phải được bộc lộ, vậy mà thật đáng tiếc và đáng xấu hổ, những tệ nạn tệ hại nhất cũng xuất hiện", Iftekharuzzaman, giám đốc chi nhánh Bangladesh của Minh bạch Quốc tế, nói.
Tổng thanh tra Colombia Fernando Carrillo cho biết các cuộc điều tra liên quan đến Covid-19 như nâng khống giá đã được triển khai ở 14 bang. Ở bang Cesar, Quintero đang thúc đẩy cuộc điều tra về hợp đồng mua thực phẩm được thực hiện dưới sự giám sát của Thống đốc Luis Alberto Monsalvo Gnecco.
Quan chức bang đã công bố danh sách cụ thể hàng hóa đã mua, cho thấy bang này trả 2,81 USD cho 250gr cà phê được bán với giá 1,2 USD tại cửa hàng tạp hóa mà Quintero đã đến. Monsalvo Gnecco từ chối bình luận về vấn đề này.
Việc các mặt hàng như khẩu trang và máy thở đội giá là dễ hiểu vì nguyên lý kinh tế thị trường: cung thấp hơn cầu khiến giá tăng. Tuy nhiên, chênh lệch giá quá cao trong các hợp đồng nhà nước cùng với bản chất của các nhà cung cấp đang khiến nhiều nghi vấn nổi lên khắp thế giới.
Tại Romania, nơi đã bỏ quy trình đấu thầu bình thường để tăng tốc mua sắm, nhiều người đang nghi ngờ về các thỏa thuận "cửa sau". Romwine and Coffee SRL, công ty nhỏ cách Bucharest hơn 50 km, vốn kinh doanh thuốc lá và rượu nhưng được trao hai hợp đồng 12,6 triệu USD để cung cấp khẩu trang y tế chuyên dụng với giá cao hơn gấp đôi giá thị trường.
Chủ doanh nghiệp giải thích rằng Sanimed International, nhà cung cấp vật tư y tế không thể ký hợp đồng trực tiếp với nhà nước vì nợ thuế, đã hợp tác Romwine and Coffee SRL. Ông nhấn mạnh rằng thỏa thuận này không bất thường.
"Ở mọi nơi trên thế giới, tất cả công ty lớn đều sử dụng công ty khác để đấu thầu", Hideg nói. "Có những công ty chỉ có ba nhân viên và ba máy tính xách tay đã thắng thầu hàng trăm triệu EUR với các hợp đồng xây đường, đường cao tốc, cầu...".
Sorin Ionita, chuyên gia Romania về cải cách hành chính công, gọi cuộc cạnh tranh cho các hợp đồng Covid-19 là "tranh tối tranh sáng", khó có thể xác định họ có tham nhũng hay không khi tất cả mọi người đều cố gắng giành được mặt hàng họ cần.
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã trao hợp đồng khẩu trang trị giá 55 triệu USD cho công ty cung cấp dịch vụ đào tạo Panthera Worldwide có trụ sở tại Delaware. Doanh nghiệp này không có lịch sử sản xuất hoặc mua sắm thiết bị y tế và công ty mẹ đã nộp đơn xin phá sản vào mùa thu năm ngoái. Họ tính giá 5,5 USD cho mỗi chiếc khẩu trang, gấp vài lần so với các nhà cung cấp chính phủ khác.
Giám đốc điều hành của công ty James Punelli nói rằng họ đã hỗ trợ công tác đào tạo y tế của Bộ Quốc phòng trong nhiều năm và đang khai thác các mối quan hệ quân sự của mình để mua được khẩu trang chất lượng cao.
Mỹ đã đưa ra những quy định ngăn tham nhũng khi triển khai gói hỗ trợ 2,2 nghìn tỷ USD, bao gồm bảo đảm không doanh nghiệp nào Tổng thống hoặc quan chức Nhà Trắng sở hữu đa số cổ phần được nhận tiền. Họ cũng thành lập một ủy ban thanh tra tổng quát để giám sát chi tiêu.
Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn lo ngại về khả năng can thiệp của Nhà Trắng, đặc biệt là sau khi Trump tháng này sa thải tổng thanh tra giám sát cộng đồng tình báo Mỹ. Trong khi đó, các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh ít nhất 100 triệu USD đã được chi cho công tác giám sát để đảm bảo minh bạch.
Hempowicz và những người khác thì lo ngại gói hỗ trợ của Mỹ "là cơ hội hoàn hảo cho những kẻ gian lận". Lịch sử cho thấy việc thiếu giám sát có thể gây thất thoát số tiền lớn. Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ báo cáo vào năm 2014 rằng tới 22% số tiền FEMA chi để khắc phục hậu quả bão Katrina và Rita năm 2005 có thể đã được chi tiêu không đúng cách hoặc gian lận. FEMA đã áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn và số tiền giảm xuống còn 2,7% sau bão Sandy năm 2012.
Quy định chống tham nhũng ở một số nước đã giúp đưa những thỏa thuận khả nghi ra ánh sáng. Tại Buenos Aires, Argentina, chính quyền thành phố phải công khai các hợp đồng mua sắm trên mạng. Ít nhất hai giao dịch đã bị đặt nghi vấn. 15.000 khẩu trang y tế được mua với giá hơn 40 USD mỗi chiếc từ một công ty chỉ có 1.500 USD vốn lưu động. Thỏa thuận còn lại là đưa người nhiễm nCoV vào một khách sạn mà chị của thị trưởng Buenos Aires là thành viên hội đồng quản trị.
Sau khi báo chí Argentina đưa tin về vấn đề này, hợp đồng bị hủy bỏ và hai quan chức thành phố từ chức. "Chúng ta cần cân bằng giữa việc nới lỏng các quy tắc, thủ tục để tăng tốc chống đại dịch và quản trị tốt", nghị sĩ Graciela Ocana nói.