ĐBQH Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách
Xe công thành…“xe ông”
Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã dẫn lời cử tri băn khoăn về định mức xe công, hầu hết chỉ giới hạn ở mức 1,1 tỷ đồng nhưng lại có nhiều xe biển xanh trị giá lên đến 8-10 tỷ đồng. Ông thấy sao về thực trạng này?
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có rất nhiều nội dung, trong đó có việc sử dụng tài sản công, xe công. Với xe công có nhóm xe phục vụ cho các chức danh và nhóm phục vụ cho công việc chung. Trong nhóm xe công phục vụ cho các chức danh, đúng như lời ông Vũ Hồng Thanh phản ánh, trong thực tế có không ít trường hợp sử dụng xe công vượt quá định mức quy định rất nhiều lần.
Về việc này, riêng các cơ quan ở Quốc hội phần lớn là sử dụng xe dưới định mức. Ví dụ các chức vụ tương đương thứ trưởng toàn đi xe dưới định mức quy định. Như tôi hiện vẫn đi loại xe cũ đã hàng chục năm nay rồi. Ở Quốc hội là vậy, nhưng ở các cơ quan khác, cả qua phản ánh của người dân và trên báo cáo đều cho thấy tình trạng lợi dụng tiền công để mua xe công vượt quá quy định.
Bên cạnh đó, không ít các chức danh không thuộc đối tượng phục vụ nhưng lại lạm dụng, lạm quyền, biến “xe công thành của ông”. Theo quy định, ở trung ương, các chức danh từ tổng cục trưởng trở lên mới có xe phục vụ. Tuy nhiên nhiều đơn vị lại lấy danh nghĩa xe phục vụ cơ quan, nhưng thực chất là phục vụ cho người đứng đầu như là xe chuyên trách. Điều này diễn ra ở rất nhiều nơi, nếu bây giờ tổng rà soát sẽ phát hiện ra rất nhiều, thu hồi tài sản về cho nhà nước và nhân dân rất nhiều.
Hay ở địa phương, chỉ bí thư, phó bí thư tỉnh ủy mới có tiêu chuẩn, nhưng trên thực tế, nhiều vị là phó chủ tịch tỉnh, thường vụ tỉnh ủy, giám đốc các sở, ngành, rồi bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện cũng vô tư dùng xe công như là xe chuyên trách.
Dù đã được phản ánh rất nhiều, không ít trường hợp gây bức xúc trong dư luận và nhân dân, nhưng việc lạm dụng xe công, sử dụng xe công vượt quá tiêu chuẩn vẫn diễn ra. Phải chăng điều này do chế tài chưa nghiêm, hay tâm lý thích khoe khoang, chơi trội mà bất chấp tất cả?
Nguyên nhân ở đây có tâm lý thích hưởng thụ, thích dùng đồ xịn, đồ sang của cán bộ quan chức. Bên cạnh đó là thói ngáo danh, thích oai với người khác. Rồi còn nguyên nhân nữa là cán bộ thiếu tự trọng. Tiêu chuẩn với mình như thế nào thì nên sử dụng như thế nhưng lại cứ thích chơi trội, chơi sang.
Theo tôi, việc này cần phải được kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản cho nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, cần gắn với trách nhiệm cá nhân và phải có hình thức gắn với đánh giá cán bộ, gắn với tiêu chí kỷ luật. Đương nhiên có những người cán bộ rất tự giác, gương mẫu thì phải có đánh giá, biểu dương họ. Còn những ai lạm dụng xe công núp dưới nhiều hình thức thì phải xử lý kỷ luật và gắn với đánh giá cán bộ.
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập rất rõ ràng đến việc đánh giá và lựa chọn cán bộ. Việc này mà lôi ra thì khối vị cán bộ không đủ tiêu chuẩn, thiếu tinh thần tự giác, thiếu tính gương mẫu của cán bộ đảng viên. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, đừng để cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong. Theo tôi, cái bên trong mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn nói đến là trí tuệ và ý chí nung nấu của cán bộ với công việc chung.
Cán bộ một lòng lo cho dân, cho nước, đó mới là cái bên trong. Còn cái mã bên ngoài, đi xe sang, mặc hàng hiệu thì bất kể cấp nào cũng nên loại bỏ bớt đi. Anh hành động, phát ngôn như thế nào để người ta thuyết phục, nể trọng, chứ làm cán bộ cấp cao mà nói câu nào dân chê cười, dè bỉu câu đó thì vứt đi.
Không làm gì cả cũng là phá hoại
Thực tế cũng không ít trường hợp người ta sử dụng xe sang nhưng lại viện lý do được biếu, tặng chứ không phải dùng ngân sách nhà nước, thưa ông?
Biếu tặng tự nguyện mà phù hợp với quy định của pháp luật thì chấp nhận được, nhưng phải theo quy định về quản lý tài sản nhà nước. Cái gì mà tặng cho nhà nước bằng tiền thì phải thông qua ngân sách. Tài sản là vật chất cũng phải qua cửa quản lý về tài sản công. Lúc đó các cơ quan quản lý ngân sách, tài sản công mới căn cứ vào nhu cầu của cá nhân, tập thể mà phân bổ, bố trí đúng tiêu chuẩn, chế độ. Chứ không phải tôi là chủ tịch tỉnh, doanh nghiệp tặng, tư nhân tặng thì cứ thế gắn biển xanh vào sử dụng, như thế là không được.
Một người có chức vụ trong bộ máy càng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật, không phải có chức, có quyền rồi muốn làm gì thì làm. Chức danh của nhà nước khác với người dân ở chỗ, chức danh ấy phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Tài sản đó trao cho chức danh đó chứ không phải trao cho cá nhân anh.
Nếu đã biết không phải tài sản cá nhân mà anh cứ cố tình sử dụng là cố tình vi phạm. Còn nếu anh không nhận thức ra, nghĩa là năng lực nhận thức của anh có vấn đề. Thiểu năng nhận thức về pháp luật như vậy mà lại ngồi được ở vị trí đó thì cần xem lại công tác cán bộ. Những cán bộ như thế cũng cần loại khỏi bộ máy.
Nói về việc lựa chọn nhân sự, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, “đừng thấy đỏ mà tưởng chín”, cũng “đừng để động tác giả đánh lừa”. Theo ông, phải dựa vào tiêu chí nào để đánh giá, lựa chọn cán bộ?
Tiêu chuẩn về cán bộ thì các văn bản của Đảng đã quy định, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã đề cập rất sâu sắc việc này. Công cụ có rồi nhưng việc sử dụng như thế nào lại phụ thuộc vào người đứng đầu, cơ quan tham mưu về tổ chức. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã nhấn mạnh, lần này phải gắn với trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ. Đặc biệt trách nhiệm ở đây là phải xử lý, trừng trị nghiêm khắc, chứ không phải chỉ đứng lên “tôi xin chịu trách nhiệm” rồi xong.
Có rất nhiều khía cạnh để soi rọi cán bộ, trong đó có việc nêu gương, dùng xe công. Bây giờ chọn cán bộ phải dựa vào thực chứng, chứ không phải những tiêu chí hình thức chung chung, bị cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong. Cái mã bên ngoài là bằng cấp, phiếu tín nhiệm. Bằng cấp thì mua được, mượn được. Còn tín nhiệm thì cũng dễ mua phiếu trá hình hay “tắt điện kiểm phiếu”.
Cho nên khi lựa chọn cán bộ phải có thực chứng ở từng vị trí cụ thể. Chẳng hạn là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì anh hiến kế gì cho Quốc hội, cho Hội đồng nhân dân? Còn ở cương vị quản lý lãnh đạo thì sản phẩm điều hành quản lý của anh là gì? Trong cả một khóa làm chủ tịch tỉnh, nhưng anh lại chẳng làm được cái gì cả. Quy hoạch trước đó nhiều năm anh không làm được, nhiệm vụ quản lý tài chính đất đai không làm được, cứ để thời gian trôi qua, gây tổn hại, thất thoát về nguồn lực.
Không làm gì cả cũng là phá hoại. Đó là sản phẩm của anh. Cứ ngồi ì ra, không làm gì hết, rồi đến lúc lấy phiếu lại tín nhiệm cao, như vậy đâu phản ánh đúng bản chất vấn đề. Đó chính là cái sơ sài bên trọng, là sự rỗng tuếch về trí tuệ, năng lực, phẩm chất. Không ít cán bộ trong đầu rỗng tuếch về tri thức, trí tuệ nhưng mưu hèn, kế bẩn lại rất nhiều.
Cái đầu thì như vậy, còn trong cái bụng thì không có đất nước, không có nhân dân, mà chỉ có gia đình, dòng họ, lợi ích nhóm, bè phái với nhau. Đó chính là nhóm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói là hại nước hại dân, cần phải loại bỏ ra khỏi dự kiến nhân sự.
Cảm ơn ông.