"Australia có chung lợi ích trong bảo đảm tự do hàng hải và giám sát các thông lệ, quy định quốc tế liên quan tới luật pháp trên biển. Phía Australia rất chuyên nghiệp, chuyến triển khai hỗn hợp của chúng tôi cho thấy cam kết chung với quan hệ chặt chẽ và vững bền từ lâu", đại tá hải quân Kurt Sellerberg, hạm trưởng tàu tuần dương USS Bunker Hill của hải quân Mỹ, hôm qua cho biết.
Những lời ca ngợi này được đại tá Sellerberg đưa ra sau khi các tàu chiến Mỹ và tàu hộ vệ HMAS Parramatta của hải quân Australia diễn tập chung trên Biển Đông từ ngày 13/4.
"HMAS Parramatta di chuyển cùng tàu tuần dương USS Bunker Hill, sau đó hội quân với tàu khu trục USS Barry và tàu đổ bộ tấn công USS America ngày 18/4", thông cáo Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương tuần trước có đoạn.
Tàu hộ vệ Australia (phải) diễn tập cùng tàu chiến Mỹ hôm 18/4. (Ảnh: US Navy). |
Hoạt động phối hợp giữa tàu chiến Mỹ và HMAS Parramatta bao gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật, vận hành trực thăng, diễn tập đội hình xuồng bảo vệ và hiệp đồng chỉ huy, kiểm soát. Hơn 3.000 thủy thủ hải quân và lính thủy quân lục chiến Mỹ đã tham gia đợt diễn tập.
"Chúng tôi mong chờ mọi cơ hội phối hợp trên biển với các đồng minh Australia mạnh mẽ. Sự hiện diện của nhiều tàu chiến uy lực trên Biển Đông đã phát tín hiệu tới các đồng minh và đối tác trong khu vực rằng chúng ta có cam kết sâu sắc với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do", chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy Nhóm tác chiến Viễn chinh USS America, nói sau đợt diễn tập.
Lầu Năm Góc trước đó thông báo tàu USS America và USS Bunker Hill đã được triển khai và hoạt động trên Biển Đông, nhưng không cho biết vị trí cụ thể. Ba nguồn an ninh giấu tên tiết lộ nhóm chiến hạm Mỹ đã xuất hiện gần nơi tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Quốc bám theo tàu khoan West Capella do công ty dầu khí Malaysia Petronas vận hành tại vùng biển gần Malaysia.
Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc lợi dụng tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp để thúc đẩy hiện diện tại Biển Đông. Trung Quốc bác cáo buộc tàu Địa chất Hải dương 8 quấy rối West Capella và cho biết tàu khảo sát triển khai "các hoạt động thông thường".
Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi sự bình tĩnh ở Biển Đông sau sự cố liên quan đến tàu Trung Quốc và Malaysia.
Địa chất Hải dương 8 trước đó xuất hiện ở cách bờ biển Việt Nam 158km, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 14/4 cho biết Việt Nam theo dõi sát tình hình ở Biển Đông. "Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ quy định liên quan của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông", bà Hằng nói.
Địa chất Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc từng xâm phạm EEZ và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông hồi đầu tháng 7/2019, sau đó rời đi vào cuối tháng 10/2019. Việt Nam đã nhiều lần phản đối hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc nói trên, khẳng định vùng ở nam Biển Đông không thuộc khu vực tranh chấp.
Theo VNE