Vào lúc này, Rubel đang cảm thấy sợ hãi. Khu nhà tập thể nơi anh công nhân 28 tuổi cùng các lao động nhập cư khác sinh sống đã bị phong tỏa. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, theo yêu cầu của nhà chức trách nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 do virus corona chủng mới gây ra.
Vài tuần gần đây, đảo quốc Sư tử đã phải chứng kiến dịch bệnh bùng nổ một cách đáng sợ, với hàng ngàn ca nhiễm mới tại các ổ dịch trong những khu nhà tập thể cho công nhân người nước ngoài. Để kiểm soát, chính phủ đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ các cơ sở này, làm xét nghiệm cho công nhân và đưa mọi bệnh nhân có triệu chứng sang khu vực cách ly riêng.
Việc phong tỏa tưởng như hoàn toàn hợp lý, nhưng nó lại khiến hàng trăm ngàn công nhân bị kẹt lại, sống chen chúc trong những căn phòng chật hẹp, đến mức để "giãn cách xã hội" thì quả thực là bất khả thi.
|
Singapore có tới 1,4 triệu lao động nước ngoài, chủ yếu từ Nam Á và Đông Nam Á. Họ tới đây làm những công việc phổ thông, như giúp việc, công nhân xây dựng, công nhân nhà máy... và nhờ vậy trở thành lực lượng thiết yếu để giúp xã hội quốc gia này vận hành. Thế nhưng, họ vẫn nằm trong danh sách được trả lương thấp nhất, dễ chịu tổn thương nhất.
Rubel tới từ Bangladesh. Anh đến đây vào 6 năm trước, làm công nhân xây dựng để kiếm tiền gửi về cho gia đình. Nhưng hiện tại với lệnh phong tỏa, không những khiến sức khỏe gặp rủi ro, anh còn lo lắng cho cuộc sống của người thân nơi quê nhà.
"Tôi sợ nhiễm virus, bởi nếu ngã bệnh thì lấy ai chăm lo cho gia đình," - Rubel chia sẻ.
Anh cũng chẳng thể ngờ tình cảnh này lại xảy ra. Trong 3 tháng đầu năm, Singapore được ca ngợi, trở thành hình mẫu của thế giới khi dập dịch rất nhanh với những phương pháp kìm hãm quyết liệt. Nhưng mọi chuyện thay đổi 180 độ. Tính từ 17/3 đến nay, số ca nhiễm ở quốc gia này tăng từ 266 lên hơn 12.000 trường hợp, theo số liệu từ ĐH Johns Hopkins.
|
Một căn phòng dành cho dân nhập cư |
Đáng chú ý, mỗi ngày họ có hơn 1000 ca nhiễm, mà chỉ vài chục là từ công dân Singapore. Số còn lại, tất cả đều là lao động nhập cư.
Sự phân biệt của đất nước được xây dựng bởi người nhập cư
Có một sự thật ít người biết, đó là hầu hết các công trình biểu tượng của Singapore - như khu tổ hợp Marina Bay Sands, đều được xây dựng bởi đội ngũ lao động nhập cư.
40 năm trước, nền kinh tế của Singapore chưa mạnh như bây giờ. Không có nhiều đất đai và tài nguyên, chính phủ phải tập trung đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên nhằm tạo ra một nền kinh tế có xu hướng xuất khẩu, và thu lời từ công nghiệp hóa.
|
Nhưng kế hoạch này vấp phải vấn đề, đó là dân số của Singapore quá nhỏ. Họ không đủ nhân lực, nên buộc phải dựa vào các lao động từ nước ngoài. 40 năm trước là thế, và bây giờ cũng vậy. Ngày nay, đất nước 5,7 triệu dân có khoảng 1/4 là lao động nước ngoài.
Kế hoạch đầy tham vọng đã có hiệu quả - ít nhất là với công dân Singapore. Lực lượng nhân công giá rẻ từ nước ngoài đã giúp thu nhập trung bình của dân Singapore lên tới 56.786 USD vào năm 2019, trở thành một trong những nơi thịnh vượng nhất thế giới tính trên GDP đầu người.
Tuy nhiên, sự thịnh vượng ấy chẳng có phần của dân nhập cư. Họ bị gạt sang một bên, sống trong những điều kiện ngặt nghèo nhất, có rất ít quyền lợi và sự bảo hộ từ chính phủ. Nói cách khác khi một cơn khủng hoảng như Covid-19 ập đến, họ là những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Những quả bom nổ chậm
Ngày 4/4, Singapore chứng khiến số ca nhiễm mới tăng thêm 75 người - bước tăng kỷ lục ở thời điểm đó. Lần theo dấu vết, nhà chức trách tìm về các khu nhà tập thể theo dạng ký túc xá, vốn được xây làm nhà ở cho dân nhập cư. Khoảng 200.000 công nhân sống trong 43 khu nhà như vậy.
Có một từ dùng để miêu tả tình trạng trong các khu nhà này: Chật! Mỗi phòng có khoảng 10 - 20 công nhân sống chen chúc, trong khoảng không gian từ 45 - 90m2.
Trong một video khảo sát của CNN về một trong những căn nhà như vậy, có cảnh công nhân nằm ngủ trên những chiếc giường tầng xếp sát cạnh, cách nhau chỉ trên dưới 1m. Hầu hết là nam giới, đến từ những quốc gia có nền kinh tế kém phát triển. Họ dùng chung toilet, nhà tắm, phòng giặt, tủ đồ, và đến bữa thì xếp hàng nhận đồ ăn.
|
Mô tả như vậy để thấy rằng, việc tự cách ly đối với họ là vô nghĩa. Họ không thể giãn cách được vì chẳng có chỗ mà giãn, và đó là lý do vì sao virus corona có thể bùng phát nhanh đến vậy.
Đáng chú ý, chính phủ Singapore dường như phớt lờ rủi ro tại đây, và đã không hề cảnh báo họ cho đến khi mọi chuyện quá muộn. Đây là nhận xét của Alex Au, phó chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận TWC2 dành cho người nhập cư.
"Trong khi tuân theo cả thế giới yêu cầu giãn cách xã hội, tôi nghĩ chính phủ đã bỏ qua thực tế rằng đối với dân lao động chân tay phải ở 10 - 20 người/phòng, điều đó là không thể," - ông cho biết. "Việc không thể nhìn thấu rủi ro này và đưa ra giải pháp hợp lý đã đẩy chúng tôi vào tình cảnh tồi tệ."
Tại một số khu nhà, công nhân cho biết các biện pháp của chính phủ giúp họ an tâm hơn. Zasim, công nhân 27 tuổi từ Bangladesh chia sẻ anh được cung cấp khẩu trang, nước rửa tay, dụng cụ vệ sinh, xà phòng, và cả trái cây tươi. Họ cho phép anh dùng WiFi miễn phí, kèm vài chiếc thẻ điện thoại để anh và nhóm bạn cùng phòng có thể gọi điện, nhắn tin cho người thân trong thời gian phong tỏa.
|
Căn phòng Zasim sinh sống |
Nhưng cũng giống như Rubel, điều khiến Zasim lo lắng nhất là ảnh hưởng đến tài chính. Dẫu vậy, việc chính phủ cho rằng công nhân nhập cư vẫn nên được trả tiền trong giai đoạn này, đồng thời cung cấp viện trợ để doanh nghiệp làm điều đó đã khiến anh cảm thấy yên tâm hơn.
Rubel cũng có cảm nhận tương tự. Giờ đây, khu nhà anh sống đã sạch sẽ hơn, được cung cấp đồ ăn mỗi ngày. Dẫu vậy, tâm trạng của anh vẫn rất căng thẳng. Quá đông người trong không gian hẹp, ai cũng sợ mình đang sống chung với nhóm chưa phát triệu chứng.
"Thực sự rất căng thẳng cho bất kỳ ai trong tình cảnh này," - trích lời Desiree Leong, chuyên viên điều hành Tổ chức Nhân đạo cho Lao động nhập cư tại Singapore. "Bạn bị nhốt trong đó cả ngày. Rất căng thẳng và khó chịu."
|
Theo Tommy Koh - luật sư người Singapore nhận định, những khu nhà như vậy không khác gì bom nổ chậm với đất nước. "Cách Singapore đối xử với người nhập cư thực sự không văn minh. Chính phủ cho phép chủ doanh nghiệp đưa lao động vào trong các căn phòng chỉ toàn giường, không có chỗ mà kê ghế. Họ ở chen chúc nhau như cá hộp, 12 người trong một phòng."
"Đó là một quả bom, chỉ chờ dịp để kích nổ."
Theo Tri Thức Trẻ