Việt kiều Mỹ kể chuyện những thay đổi không ai ngờ vì dịch Covid-19

Thứ hai, 27/04/2020, 14:30
Gần sáu tuần kể từ lúc Tổng thống Donald Trump công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia phòng dịch Covid-19, số ca nhiễm tăng không ngừng nghỉ. Và có vài chuyện ở Mỹ bỗng nhiên thay đổi một cách không ai ngờ tới.

Trung tâm thương mại Eden của người Việt ở Falls Church (Virginia) vắng hoe vào chiều thứ bảy

Quan niệm về chiếc khẩu trang

Kể từ lúc virus tấn công Mỹ và châu Âu cho tới bốn tuần trước đây, khẩu trang luôn là thứ vô cùng xa lạ. Ngay từ đầu, CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ) luôn bảo khẩu trang chỉ dành cho người mắc bệnh, khỏe mạnh không cần đeo. Cách phòng ngừa virus hiệu quả nhất là… rửa tay thường xuyên, không chạm tay lên mặt, mũi mình.

Thỉnh thoảng báo đưa tin, ở đâu đó có vài người châu Á bị chửi bới vì... đeo khẩu trang giữa chốn công cộng để bảo vệ cho mình.

Bảng thông báo trên xa lộ (Bảo vệ mạng sống. Hãy ở nhà. Chỉ ra đường vì lý do quan trọng). Nhưng vẫn không cản được dòng xe đông đúc mỗi ngày ở Mỹ

Nhưng giờ đây, CDC thay đổi khuyến cáo, ngoài việc giãn cách xã hội , thì khẩu trang có thể ngăn chặn sự lây lan của virus. Nhưng quả thật, để tìm ra một khẩu trang y tế đúng nghĩa trong các cửa hiệu lúc này là chuyện bất khả thi.

CDC và nhiều tờ báo đã “đăng đàn” chỉ cách làm... khẩu trang bằng vải, dùng khăn choàng cổ, hay bất cứ thứ gì có thể che mặt mỗi khi ra đường.

Xếp hàng vào Home Depot để mua vật liệu xây dựng

Kể từ ngày 17.4, Maryland đã ra luật khi đi khám bệnh, siêu thị, cửa hiệu, nhà hàng, hay xe buýt phải đeo khẩu trang nếu không là bị phạt. Connecticut, Hawaii, New Jersey, New York, Pennsylvania, Rdode Island; nhiều thành phố ở California như Los Angeles, Riverside hay nhiều nơi khác ở Texas đã bắt buộc hoặc khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Nếu vi phạm, số tiền phạt có thể lên tới cả ngàn đô la.

Vì sức khỏe và túi tiền eo hẹp trong dịch bệnh, khẩu trang đã trở thành một vật bất ly thân của nhiều người khi ra ngoài, kể cả lúc thở hổn hển khi chạy bộ.

Telehealth (Khám bệnh từ xa)

Trong khoảng thời gian này, trừ các y tá, bác sĩ chuyên về hô hấp phải làm việc không ngừng với áp lực kinh hoàng để cứu chữa nạn nhân thì nhiều bác sĩ cấp cứu ở bệnh viên, bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ gia đình phải chịu cảnh mất thu nhập, đóng cửa phòng khám để hạn chế sự lây lan của virus.

Nhưng người bệnh thì lúc nào cũng có, họ luôn muốn khám chữa và cần thuốc để uống mỗi ngày. Và thuốc ở Mỹ hầu như được bán theo toa, chứ chẳng thể dễ dàng ra nhà thuốc mua như bó rau, con cá.

Chẳng thể ngồi đó chờ hết dịch mới được khám chữa nên kiểu khám bệnh mới ra đời – telehealth. Người bệnh vẫn gọi tới văn phòng hay vô website phòng khám để lấy hẹn và sẽ được gửi một email có đường link xác nhận. Đúng hẹn, ngồi ở nhà, nhấn vào link được gửi hoặc mở facetime, viber, zoom hay một ứng dụng video nào đó để gặp gỡ, trò chuyện với bác sĩ về tình hình bệnh tật của mình.
Tất nhiên là hiệu quả hay không là điều gây bàn cãi. Nhưng trong tình hình thế này, liệu cơm gắp mắm được lúc nào hay lúc ấy. Quan trọng là có đủ thuốc uống cho tới khi mọi thứ trở lại bình thường.

Giờ mua sắm cho người lớn tuổi

Trong tháng dịch bệnh, người cao tuổi bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề, không gì đong đếm được. Hơn một triệu người Mỹ sống trong các viện dưỡng lão phải đối mặt với tình trạng nhiễm virus và có thể chết bất cứ lúc nào mà không được gặp gỡ người thân, thậm chí một cái đám tang đàng hoàng cũng không có.
Theo thống kê của tờ New York Times, hơn 7.000 người chết trong viện dưỡng lão ở Mỹ vì virus. Cứ 5 người chết vì Covid-19, là có một người từ viện dưỡng lão.
Ngay từ đầu mùa dịch, CDC đã khuyến cáo người lớn tuổi nên ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp bất khả kháng. Công ty tôi cũng đã có chính sách ngay từ lúc ấy, cho nhân viên sáu mươi tuổi trở lên và những người có bệnh nền ở nhà nghỉ ngơi nhưng vẫn được trả lương đầy đủ.
Nghịch lý là, họ ở nhà rồi lấy gì ăn uống. Phần lớn người lớn tuổi ở Mỹ sống một mình, không ở cùng con cái. Láng giềng mạnh ai nấy sống, ít biết nhau. Người rành công nghệ thì không sao, có thể mua thực phẩm, thức ăn trên mạng, được gửi tới tận nhà trong chớp mắt. Người không rành về điện thoại thông minh, app, thì bắt buộc phải tự ra đường mua sắm. Và họ thường là người đến chậm.
Những ngày đầu giới nghiêm, trên facebook, instagram hay các kênh truyền hình vẫn hay đưa hình ảnh người Mỹ tóc bạc trắng đứng thất thần trước gian hàng trống rỗng hàng hóa mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Từ những bức ảnh “khuấy động tâm can” đó, các siêu thị bắt đầu có giờ dành riêng cho người cao tuổi, phụ nữ có thai hay bệnh tật. Thường là một tiếng trước khi tiệm mở cửa.
Xếp hàng vào chợ Aldi mua thực phẩm
Đó là lúc các kệ hàng được dọn dẹp sạch sẽ, lau chùi cẩn thận và đầy ắp hàng hóa. Nhưng thường các siêu thị này mở cửa từ 5, 6 giờ sáng. Nghĩa là họ phải dậy từ rất sớm, mới có thể đi kịp giờ giành riêng cho mình.
Một số siêu thị cũng linh động, nhân viên luôn xếp họ đứng đầu hàng để vào chợ. Tất nhiên những người trẻ như tôi chẳng lấy gì làm phiền khi nhường quyền ưu tiên cho người cao tuổi hay phụ nữ có thai vào mua sắm trước.

Luật nghỉ phép vì lý do gia đình và y tế (Family and Medial Leave Act)

Luật lao động của Mỹ không quy định về số ngày nghỉ dưỡng (vacation) hay nghỉ bệnh (paid sick leave) cho nhân viên. Tùy vào từng tiểu bang, thành phố hay chính sách của công ty, luật này có thể thay đổi.
Tiểu bang Maryland quy định, nhân viên làm toàn thời gian sẽ được hưởng 40 tiếng đồng hồ nghỉ bệnh trong vòng một năm. Nhưng không hẳn mới vô làm bạn sẽ được nghỉ liền. Ở công ty tôi, nhân viên phải làm đúng sáu tháng mới được hưởng 1 tuần. Và phải làm thêm sáu tháng nữa, mới được hưởng thêm một tuần nghỉ phép.
Tuy nhiên, Mỹ có Family and Medical Leave Act (FMLA) quy định cho những công ty có hơn 50 nhân viên, phải cho phép người lao động đã làm việc cho họ ít nhất 12 tháng hay 1.250 giờ trong vòng 12 tháng được nghỉ không lương trong vòng 12 tuần vì bệnh tật hay để chăm sóc người thân bị bệnh.
Nhưng khi dịch bệnh bắt đầu tấn công nước Mỹ, Bộ Lao động Mỹ đã cập nhật luật để phù hợp với tình hình hiện tại.
- Người lao động sẽ được hưởng 2 tuần (80 giờ) lương đầy đủ nếu họ bị bắt buộc phải cách ly theo yêu cầu của chính phủ liên bang, tiểu bang, thành phố hay bác sĩ, hoặc họ bị nhiễm bệnh hay có những dấu hiệu liên quan tới Covid-19 như nóng sốt, đau đầu, đau họng, đau bụng, ho, mất vị giác và khướu giác.
- Người lao động sẽ được hưởng 2 tuần (80 giờ) với mức 2/3 lương để chăm sóc người thân bị cách ly theo lệnh của cơ quan có thẩm quyền, hay để chăm sóc trẻ em dưới 18 tuổi vì trường học bị đóng cửa do Covid-19.
- Người lao đông sẽ được hưởng thêm 10 tuần nữa với mức 2/3 lương để chăm sóc cho trẻ em vì trường học tiếp tục đóng cửa vì Covid-19.
Dù Maryland vẫn còn trong tình trạng hạn chế đi lại, nhưng là công ty cho thuê mướn chung cư, chúng tôi được coi là ngành nghề quan trọng (essential business) nên vẫn được mở cửa. Nhưng để bảo vệ sức khỏe của nhân viên và hạn chế tiếp xúc với người lạ, chúng tôi đóng cửa 9 văn phòng, chỉ mở một để các nhân viên trực điện thoại thu tiền nhà khi người thuê gọi tới trả bằng thẻ tín dụng và nhận các yêu cầu sửa chữa nhà trong trường hợp khẩn cấp.
Với gần 180 nhân viên từ văn phòng tới làm việc bên ngoài, việc kiểm tra sức khỏe của họ và người thân là điều bất khả thi. Không giống như Việt Nam, người bị nhiễm virus lập tức được nhập viện, các trường hợp F1, F2, F3… sẽ được cách ly tập trung hay cách ly ở nhà.
Ở Mỹ, hầu như chỉ có những người nhiễm Covid-19 và trở nặng mới được nhập viện. Phần lớn người có triệu chứng nhẹ hoặc không có dấu hiệu bệnh, sẽ được bác sĩ cho thuốc và hướng dẫn tự cách ly bằng cách đóng cửa phòng lại, chỉ cho một người chăm sóc và không được tiếp xúc với ai. Điều đáng nói là lúc này vẫn còn cuối xuân, nên tình trạng dị ứng phấn hoa vẫn còn rất nặng nên chẳng biết đâu mà đoán hết.
Thế là sếp và tôi bất đắc dĩ phải trở thành chuyên gia tâm lý lẫn dịch tễ. Mỗi ngày, chúng tôi bắt nhân viên phải nói rõ tình hình sức khỏe của mình lẫn người thân. Nếu trong người có các triệu chứng như nóng sốt, đau họng, mỏi mệt, mất mùi vị, thở không được… thì lập tức phải ở nhà, chờ tới 14 ngày sau hoặc khỏe hơn mới được đi làm lại. Nếu vợ chồng, con cái hoặc người thân của nhân viên bị dính virus, hay nghi ngờ dính mà chưa đi thử (vì thử lúc này khó như lên trời), đều phải nghỉ ở nhà cho tới các triệu chứng bệnh mất đi.
Khẩu trang vải của một người bạn ở California may tặng tôi
Chúng tôi gọi đây là giai đoạn “thanh lọc” nhân viên hiệu quả nhất. Cũng có người khỏe mạnh nhưng bịa chuyện không khỏe để nghỉ hưởng lương nhưng điều quan trọng nhất trong lúc này là sức khỏe của mỗi cá nhân lẫn đồng nghiệp.
Các cửa hiệu với giờ đặc biệt dành cho người cao tuổi ở Arizona. Nhiều nơi mở lúc... 5 giờ sáng
Có thể nói đây là giai đoạn hại não và mệt mỏi về tinh thần nhất nhất bởi vì đang sống giữa tâm dịch, mỗi ngày phải đọc bao nhiêu là tin tức kinh hoàng. Dẫu việc không nhiều, thời gian đi làm ngắn lại, ngày nghỉ cũng dài hơn, nhưng phải ở trong không gian kín, hạn chế ra ngoài, tay luôn cầm chai nước rửa, khẩu trang luôn ở trên miệng, không gặp gỡ tiếp xúc hay nói chuyện với ai, làm người ta ngột ngạt.
Mỗi sáng bước chân ra khỏi cửa, là đã có nguy cơ dính virus rồi. Chiều đi làm về, cảm giác rờn rợn sống lưng, tự hỏi không biết mình đã dính virus chưa, có mang về nhà lây cho người thân không cứ lởn vởn trong đầu, nhưng không thể nghỉ ở nhà lãnh tiền trợ cấp rồi đói.
Cách tốt nhất là cẩn thận tới mức tối đa và nhắc nhở bản thân phải đeo khẩu trang với rửa tay thường xuyên khi ra đường và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người lạ.
Mùa hè sắp đến trên đất Mỹ rồi. Dẫu mọi thứ không còn được như xưa, các chuyến đi chơi của tôi cũng đã bị hủy gần hết rồi. Nhưng cứ mong dưới ánh nắng chói chang của mặt trời, đỉnh dịch Covid-19 sẽ qua đi và mọi thứ sẽ dần trở lại như xưa.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn