Bế mạc Khóa họp thường kỳ thứ 44 của Hội đồng Nhân quyền LHQ

Thứ hai, 20/07/2020, 09:38
Đoàn Việt Nam đã tham dự, phát biểu tại 9 phiên; tích cực tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác.

Ảnh tư liệu: Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tham dự và phát biểu tại phiên họp Khóa 44 Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 30/6. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)
Ngày 17/7, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã kết thúc Khóa họp thường kỳ lần thứ 44, kéo dài 3 tuần tại Geneva, Thụy Sỹ với hình thức kết hợp giữa họp tập trung và họp trực tuyến, nhằm tuân thủ các quy định của chính quyền sở tại và Liên Hợp Quốc về phòng chống đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Geneva, khóa họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã tổ chức 29 cuộc họp, 7 phiên thảo luận, thông qua 2 báo cáo kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và tiến hành 35 phiên đối thoại với Cao ủy Nhân quyền, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, 2 ủy ban điều trần và 22 Báo cáo viên đặc biệt về hơn 50 chủ đề.

Do các đường bay quốc tế chưa được khôi phục, nội dung và hình thức tổ chức của khóa họp lần này có một số điểm khác với các khóa trước, như điều chỉnh thời gian họp phù hợp với múi giờ tại một số nước để đảm bảo các thủ tục đặc biệt, diễn giả tại các nước có thể tham gia bằng hình thức trực tuyến; phiên thông qua báo cáo UPR, thay vì xem xét báo cáo của khoảng 14 nước như thông lệ, Khóa họp 44 chỉ tiến hành xem xét báo cáo của 2 nước là Tây Ban Nha và Kuwait và lùi phiên báo cáo của các nước còn lại cho đến Khóa họp 45.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet đã khai mạc Khóa họp và trình bày Báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền, trong đó tập trung vào tác động của đại dịch COVID-19 đối với bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới; một số lãnh đạo cấp cao các nước đã phát biểu tại Khóa họp qua hình thức video, như Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Bộ trưởng Tư pháp Namibia Yvonne Dausab...

Các phiên thảo luận chuyên đề thường niên đã tập trung vào một số nội dung được Hội đồng Nhân quyền đặc biệt quan tâm, như tác động của đại dịch COVID-19 đối với một số nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, trong đó, dành một ngày trong chương trình làm việc để thảo luận về bảo vệ môi trường và quyền trẻ em và Đối thoại với Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về quyền trẻ em trong xung đột vũ trang; thảo luận về quyền của phụ nữ, với điểm nhấn là quyền của phụ nữ trong đại dịch.

Phiên thảo luận chuyên đề về quyền của người khuyết tật trong bối cảnh biến đổi khí hậu được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, Philippines và Bangladesh, ba đồng tác giả của Nghị quyết thường niên của Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền con người.

Phiên thảo luận đã thu hút sự tham gia của đông đảo các quốc gia và tổ chức quốc tế như UN Women, UNICEF và một số tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva. Diễn giả và đại biểu các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đại diện người khuyết tật đều nhấn mạnh tác động tiêu cực và không đồng đều của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, đặc biệt là người khuyết tật, vốn là nhóm dễ tổn thương nhất trong tình huống khủng hoảng như trong đại dịch COVID-19.

Trong số 23 Nghị quyết được thông qua, nghị quyết mới do Nam Phi, Pakistan và Namibia đồng bảo trợ về "vai trò trung tâm của chính phủ trong ứng phó với đại dịch và các tình huống khẩn cấp về y tế khác và hậu quả kinh tế xã hội, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, thực hiện quyền con người", được các nước thành viên thông qua bằng hình thức đồng thuận, khẳng định sự ủng hộ của Hội đồng Nhân quyền đối với vai trò lãnh đạo của nhà nước trong ứng phó với đại dịch để đảm bảo quyền y tế, quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân quyền đồng thời đảm bảo phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Nghị quyết cũng nhấn mạnh nội dung hợp tác quốc tế và hỗ trợ năng lực cho các nước đang phát triển trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người, tập trung vào quyền của người cao tuổi, do Việt Nam cùng Philippines và Bangladesh giới thiệu, tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động tại Hội đồng Nhân quyền, thể hiện vai trò dẫn đầu trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Chủ đề của Nghị quyết năm nay được lựa chọn trong bối cảnh các tình huống khẩn cấp như COVID-19, kết hợp với biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến các nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, trong đó có người cao tuổi. Nghị quyết đã được Hội đồng Nhân quyền xem xét, thông qua bằng hình thức đồng thuận.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn, đã tham gia tích cực tại khóa họp. Đoàn Việt Nam đã tham dự, phát biểu tại 9 phiên, đáng chú ý, tại các phiên thảo luận chuyên đề về quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người khuyết tật trong bối cảnh biến đổi khí hậu, quyền tiếp cận công nghệ thông tin..., Việt Nam đã khẳng định cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, dành ưu tiên cho các nhóm người yếu thế trong xã hội và tiếp tục nỗ lực phục hồi kinh tế hậu đại dịch, hướng tới thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), với cam kết "không để ai lại phía sau."

Đối với vấn đề quyền trẻ em, Việt Nam nhấn mạnh bảo vệ quyền trẻ em là một trong những ưu tiên chính sách, chủ đề bảo vệ quyền trẻ em trong xung đột vũ trang và tái thiết hậu xung đột cũng là một ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc 2020-2021.

Đoàn Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch ASEAN, đã đại diện ASEAN phát biểu chung tại các phiên đối thoại về Báo cáo hàng năm của Cao ủy về tình hình quyền con người và tác động của đại dịch COVID-19, tình hình nhân quyền ở Philippines, các Phiên thảo luận chuyên đề thường niên về biến đổi khí hậu, hợp tác kỹ thuật.

Đoàn Việt Nam cũng tích cực tham gia xây dựng nội dung các văn kiện, đồng bảo trợ nhiều sáng kiến trên tinh thần đối thoại và hợp tác, thể hiện quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam và quan điểm, thành tựu chung của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của HĐNQ phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Theo Vietnam+

Các tin cũ hơn