Ca nCoV toàn cầu vượt 100 triệu, các nước chia rẽ vì vaccine

Thứ tư, 27/01/2021, 14:59
Toàn cầu ghi nhận hơn 100 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 2,1 triệu người chết, giữa lúc lãnh đạo các nước bất đồng về phân phối vaccine trên thế giới.

Thế giới ghi nhận 100.788.281 ca nhiễm và 2.164.319 người chết do Covid-19, tăng lần lượt 561.331 và 16.375 ca trong 24 giờ qua. 72.791.837 người đã bình phục, theo trang cập nhật thời gian thực Worldometers.

Lãnh đạo các nước trên thế giới hôm qua tham gia hội nghị thượng đỉnh thường niên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, được tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong công tác chống dịch.

Tuy nhiên, bất đồng đã xuất hiện xung quanh vấn đề phân phối vaccine. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lập luận rằng châu Âu đã "đầu tư hàng tỷ giúp phát triển những vaccine Covid-19 đầu tiên của thế giới", nên các công ty giờ đây phải có nghĩa vụ cung cấp hàng.

Phát ngôn được đưa ra trong bối cảnh AstraZeneca và Pfizer thông báo sẽ giao hàng trễ cho EU. Trước lo ngại các hãng dược phẩm có thể bán vaccine cho những bên trả giá cao hơn nằm ngoài EU, Von der Leyen cho biết họ sẽ "thiết lập một cơ chế xuất khẩu vaccine minh bạch", nhằm đảm bảo các công ty tuân thủ hợp đồng.

Dù ủng hộ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu vaccine, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn kêu gọi phân phối một cách "công bằng". Von der Leyen cũng nhấn mạnh EU đã tìm cách đảm bảo quyền tiếp cận vaccine cho các nước nghèo hơn ngoài liên minh, thông qua việc tham gia chương trình COVAX do WHO đồng dẫn dắt.

Tuy nhiên, những bình luận này vẫn không giúp các nước đang phát triển cảm thấy yên tâm. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã chỉ trích "chủ nghĩa dân tộc vaccine", cáo buộc những nước giàu mua hàng với số lượng lớn và tích trữ, gây tổn hại cho các quốc gia khác.

Quá trình tiêm vaccine Covid-19 của Oxford/AstraZeneca được triển khai tại một trung tâm tiêm chủng ở Brighton, phía nam Anh, hôm 26/1. Ảnh: AFP.

Quá trình tiêm vaccine Covid-19 của Oxford/AstraZeneca được triển khai tại một trung tâm tiêm chủng ở Brighton, phía Nam nước Anh, hôm 26/1. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 46.760 ca nhiễm và 989 ca tử vong, đưa tổng số người nhiễm lên 25.874.814 và 432.031 người chết.

Kể từ ngày 26/1, Mỹ bắt đầu yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính nCoV đối với tất cả hành khách từ nước ngoài đến bằng đường hàng không. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết lệnh cấm nhập cảnh Mỹ đối với công dân nước ngoài từ Brazil, Anh và 27 nước châu Âu khác sẽ được gia hạn, đồng thời bổ sung thêm Nam Phi vào danh sách.

Bất chấp các biện pháp hạn chế đi lại, một trường hợp nhiễm biến chủng nCoV đang lây lan ở Brazil đã được phát hiện tại bang Minnesota. Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Biden, cho biết đây chỉ là vấn đề sớm muộn, với tình hình di chuyển của thế giới.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 11.492 ca nhiễm và 98 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 10.689.202 và 153.722.

Thủ tướng Narendra Modi hôm 22/1 cho biết Ấn Độ sẽ hoàn toàn tự chủ về nguồn cung cấp vaccine Covid-19, trong bối cảnh quốc gia này đã tiêm hơn hai triệu liều kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới.

Giới chức Ấn Độ đã thảo luận với hai hãng dược Mỹ Pfizer và Moderna về việc sản xuất vaccine của họ tại nước này. Pfizer cũng đang tìm cách xin cấp phép sử dụng vaccine tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, một bộ phận lớn người dân Ấn Độ quyết định không tiêm vaccine Covid-19, do lo ngại tác dụng phụ sau những tin tức về tình trạng sốc phản vệ hoặc tử vong. Giới chức y tế châu Âu cho biết không có bằng chứng cho thấy vaccine là nguyên nhân gây ra cái chết của một vài người trong viện dưỡng lão sau khi tiêm chủng.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 94 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 217.806. Số người nhiễm nCoV tăng 8.889 ca trong 24 giờ qua, lên 8.881.853.

Trung tâm y sinh Butantan của Brazil hôm 26/1 cho biết họ dự kiến khoảng 8,5 triệu liều vaccine CoronaVac, do công ty Sinovac của Trung Quốc sản xuất, sẽ đến nơi vào ngày 3/2, đồng thời hy vọng lô hàng số lượng tương tự đến ngay sau đó. Butantan cũng có kế hoạch thiết lập một nhà máy hoàn toàn dùng để sản xuất vaccine Trung Quốc vào đầu năm tới.

Lo ngại về tình hình đại dịch ở Brazil giờ đây tập trung vào thành phố Manaus, bang Amazonas. Hệ thống y tế khẩn cấp của thành phố gần như sụp đổ, không có nguồn cung oxy cho bệnh nhân, buộc chính phủ huy động bình oxy từ khắp cả nước để cứu các bệnh nhân. Đây cũng là nơi xuất hiện biến chủng nCoV mới với những đặc điểm tương đồng các chủng siêu lây nhiễm ở Anh và Nam Phi.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 18.241 ca nhiễm nCoV và 564 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.756.931 và 70.482. Số ca nhiễm mới mỗi ngày dường như đang có chiều hướng giảm.

Chiến dịch tiêm chủng đại trà tại Nga được khởi động từ ngày 18/1. Trước đó nước này đã bắt đầu tiêm cho nhóm nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, giáo viên và người cao tuổi. Vaccine Sputnik V Nga đang sử dụng cũng đã được phê duyệt ở nhiều nước trên thế giới.

Chính phủ Nga hôm 25/1 cho biết họ đã gỡ lệnh cấm đi lại đối với Phần Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Qatar. Công dân những nước này giờ đây có thể đến Nga bằng đường hàng không, và người Nga cũng được phép bay đến các nước này.

Anhghi nhận thêm 1.631 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì đại dịch vượt ngưỡng 100.000, lên 100.162, trong khi số ca nhiễm tăng 20.089 ca so với hôm trước, lên 3.689.746.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết đây là những con số "vô cùng đau buồn", nói thêm rằng chính phủ đang nỗ lực tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, trong bối cảnh nước này ghi nhận hơn 3.500 người nhập viện mỗi ngày.

Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo hôm qua nhận toàn bộ trách nhiệm về cuộc khủng hoảng. "Tôi vô cùng tiếc thương tất cả những người đã khuất. Đương nhiên với tư cách thủ tướng, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm vì mọi việc mà chính phủ đã làm", ông nói.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 22.086 ca nhiễm và 612 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.079.943 và 74.106. Đây là ngày thứ tư liên tiếp số ca nhiễm mới hàng ngày ở mức trên 20.000, trong khi số ca nhập viện đạt ngưỡng cao nhất trong 8 tuần.

Tình hình này làm dấy lên lo ngại về đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba. Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn hy vọng lệnh giới nghiêm hiện nay sẽ đủ để kiềm chế virus lây lan, trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến chủng mới được cho là dễ lây nhiễm hơn.

Hôm 26/1 có khoảng 91.522 người được tiêm vaccine Covid-19 liều đầu tiên, nâng tổng số người được tiêm tại quốc gia 67 triệu dân lên 1.184.510 kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu vào ngày 27/12/2020.

Iran,một vùng dịch nghiêm trọng ở Trung Đông, ghi nhận thêm 6.420 ca nhiễm và 79 người chết, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.385.706 và 57.560. Các con số có xu hướng giảm trong những tuần gần đây.

Iran hôm qua cho biết họ đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga để sử dụng trong nước, đồng thời đang nỗ lực mua vaccine từ AstraZeneca và các công ty khác. Trong chuyến thăm Moskva, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng cho hay họ có kế hoạch nhập khẩu và sản xuất Sputnik V. Theo Tổng thống Iran Hassan Rouhani, quá trình tiêm chủng sẽ bắt đầu trong những tuần tới.

Iran kêu gọi chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Biden gỡ những lệnh trừng phạt mà họ cho rằng đang gây tổn hại cuộc chiến chống Covid-19. Các biện pháp trừng phạt do cựu tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đã miễn trừ thực phẩm, thuốc men và những nguồn viện trợ nhân đạo khác. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng quốc tế bị ngăn cản thực hiện giao dịch với Iran.

Tại Đông Nam Á, Indonesialà vùng dịch lớn nhất khu vực với số ca nhiễm đã vượt mốc 1 triệu, lên 1.012.350 ca, tăng 13.094, trong đó 28.468 người chết, tăng 336. Giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.

Bộ trưởng Y tế Indonesia Gunadi Sadikin cho biết sẽ có những cải tiến trong công tác chống dịch, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ hướng dẫn y tế. Chính phủ đã khởi động chương trình tiêm chủng hàng loạt từ đầu tháng, siết chặt các biện pháp hạn chế di chuyển, trong bối cảnh hệ thống bệnh viện chịu áp lực ngày càng lớn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chính phủ Indonesia nên ban hành quy định rõ ràng hơn, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn nữa.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, báo cáo 516.166 ca nhiễm và 10.386 ca tử vong, tăng lần lượt 1.173 và 94 ca. Tình hình càng gây lo ngại khi các lô vaccine Covid-19 dự kiến tới nửa sau của năm mới bắt đầu đến nơi.

Do sự xuất hiện của biến chủng nCoV dễ lây lan hơn từ Anh tại nước này, Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 25/1 quyết định tái áp đặt lệnh cấm trẻ em 10-14 tuổi rời nhà, bất chấp lo ngại việc này sẽ khiến nền kinh tế ngày càng lún sâu vào khủng hoảng.

Theo VNE

Các tin cũ hơn