Chợ Bến Thành-TP HCM: Nhức nhối nạn đeo bám du khách

Thứ ba, 13/03/2012, 09:24
Nhiều du khách ngoại quốc phàn nàn, có người vừa đặt chân đã "tháo chạy" vì không chịu xiết nỗi ám ảnh bị đám đông gồm dân bán dạo và "cò" mua sắm đeo bám theo kiểu… "mua mới tha".

Chợ Bến Thành nằm giữa trung tâm quận 1, sát "nách" khu phố Tây, đối diện Trạm điều hành xe buýt Bến Thành nên lúc nào cũng nườm nượp khách du lịch ghé tham quan. "Như khu phố Tây và đường Đồng Khởi (con đường đẹp và đắt giá nhất TP HCM với giá 1m2 được tính bằng tiền tỷ), chợ Bến Thành là "mỏ vàng" của những kẻ chuyên sống bằng việc đeo bám du khách. 

Sáng 30/3, tại cổng Đông của chợ, chúng tôi mục kích cảnh tượng chướng mắt trước cảnh gần chục người bán hàng rong bâu lấy nhóm du khách người Pháp. Chịu không nổi, các vị khách quyết định trả tiền mua đại món đồ nào đó để rước lấy sự "bình yên" và đây là lúc họ bị bọn cò… chém đẹp với giá cao gấp chục lần, có khi hàng chục lần giá trị gốc của món hàng.

Nhiều lần đưa khách ngoại quốc đến tham quan chợ Bến Thành nên anh Nguyễn H.T., hướng dẫn viên Công ty lữ hành M.P. trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) rất "am tường" các ngón đòn làm phiền khách của dân bán hàng rong như chúng tôi mục kích. Anh T. cho biết, dân bán hàng rong ở chợ chia làm nhiều nhóm, luôn kè kè điện thoại di động bên mình, hễ phát hiện bóng dáng du khách là í ới gọi nhau kẻ chờ đầu trên, người phục đầu dưới… quần đảo đến khi nào họ chịu mua mới thôi.

"Mức độ chém đẹp của dân bán hàng rong chẳng nhằm nhò gì với "cò" mua sắm. Bọn này chuyên gạ khách đến các quầy hàng dụ họ mua sản phẩm, chủ yếu là hàng lưu niệm rồi buộc chủ kinh doanh trả huê hồng cho chúng có khi lên đến hơn 40% tổng giá trị mua sắm".
 

Ảnh 1: "Cò" vây khách rất chặt tại chợ Bến Thành.

Bật mí điều này, anh Bình, đồng nghiệp với anh T. bỏ nhỏ rằng anh có người thân đang kinh doanh tại chợ Bến Thành nên nhẵn mặt các cò mua sắm và dân đeo bám: "Phường bán hàng rong chỉ quần khách ở vòng ngoài. Riêng cò mua sắm thì đảo vòng trong. Nói chung tình trạng cò mua sắm tại chợ Bến Thành diễn tiến từ nhiều năm qua. Hồi năm 2000, trước nạn "cò" đòi chi hoa hồng lộ liễu gây nhiều bất bình cho tiểu thương, trao đổi với báo giới, Phó Ban quản lý là ông Phạm Văn Tân có nói rất khó dẹp nạn cò đòi chi hoa hồng dù chợ đã nhiều lần mở chiến dịch" - anh Bình, khẳng định.

Theo các hướng dẫn viên và một số tiểu thương kinh doanh tại chợ Bến Thành, từ năm 2007, do bị quân bán hàng rong chặt chém và bị sụp bẫy cò mua sắm quá nhiều nên khách du lịch đề cao cảnh giác, họ ngại đến chợ Bến Thành hoặc có đến thì hạn chế việc mua sắm vì sợ… dính bẫy.

Điều này khiến việc đưa tour của các hãng lữ hành cũng như công việc kinh doanh của không ít tiểu thương gặp nhiều khó khăn. Để tự cứu mình, nhân viên hướng dẫn cùng tiểu thương nỗ lực bảo vệ khách nhưng khuyên khách không nên mua sắm từ dân bán dạo hoặc những người lạ tự dưng đến mời chào đi mua sắm, cũng như quyết không chi hoa hồng cho cò.
 


       

"Khi biết được điều ấy, bọn chúng hung hãn đe doạ chúng tôi" - anh T., nói. Bà M. tiểu thương ở chợ, trăn trở: "Gây sự với cò sẽ gặp nhiều bất lợi nhưng chúng râm ran, đồn đại rằng sản phẩm của mình kém chất lượng, giá đắt. Mà như thế thì có ai dám ghé mua. Do vậy để không bị dính vào bi kịch "đấu tranh" khó "tránh đâu", lắm chủ kinh doanh phải chọn giải pháp nâng khống giá trị hàng hoá cao hơn giá trị thật nhiều lần đặng trả chi phí môi giới cho cò".

Để trả lại môi trường văn minh, trong sạch cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cho chợ Bến Thành, thiết nghĩ Ban quản lý chợ cần có giải pháp quyết liệt giải quyết nạn hàng rong, cò mua sắm đeo bám, trục lợi khách. Nếu gặp khó khăn trong cuộc chiến ấy, Ban quản lý chợ có thể nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Chứ với thực trạng du khách bị cò đeo bám xâu xé như hiện nay thì e rằng hình ảnh thiếu thiện cảm trong lòng du khách, khiến họ đến và không dám trở lại, không giới thiệu cho bạn bè, người thân. Đã như thế thì ngành du lịch tại Việt Nam khó mà có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch trong khu vực và thế giới

Nguồn Tintuc

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn