Thường mỗi sáng chủ nhật, họ lại hẹn nhau đi cà phê hoặc rủ cả chồng con đi chơi đâu đó ở ngoại thành. Nhờ tình thân của phụ nữ, ba ông chồng cũng trở nên bạn bè nhau từ nhiều năm nay…Một nhóm có ba bà hay đi chơi chung với nhau, tỏ ra tâm đầu ý hợp. Ba bà này tuy không giàu có, nhưng có học và gia đình nào cũng êm ấm.
Một hôm, ba ông hẹn nhau đi nhậu. Ba bà lại rủ nhau ra quán cà phê đầu hẻm tán chuyện.
Một bà nói, đàn ông ngồi nhậu với nhau hay nói xấu vợ. Vậy hôm nay chị em mình nói xấu mấy ổng chơi. Hai người kia đang vui, nên hưởng ứng…
Thuốc chừa cáu gắt, la mắng vợ
|
Bà vợ đầu tiên khai mào: Ăn ở với nhau đã có hai mặt con, nhưng chị chẳng bao giờ tỏ ra giận chồng, mặc dù nhiều lúc ảnh cũng có sai sót. Đôi lần, do công việc thúc ép, về nhà anh thường hay nói xẵng giọng với chị. Mà sao chẳng lúc nào thấy chị cau có, cãi vã lại với chồng. Một hôm đang vui, anh hỏi chị sao em hiền vậy?
Chị nói: Bộ anh quên là em từng học cử nhân Hán - Nôm rồi à?
Vậy thì liên quan gì? - anh hỏi.
- Em đã vậy, bố em lại là thầy giáo dạy văn, nên em nghiện sách từ nhỏ…
- Nghiện sách thì anh đã biết, nhưng đừng trả lời lạc đề! Hỏi lại, sao... má nó chẳng bao giờ giận tui, hử?
Chị mới từ tốn:
- Trong sách Cổ học tinh hoa, cụ Ôn Như có dịch chuyện của Bảo Huấn bên Tàu. Truyện kể ba điều tự phản của Mạnh tử rằng ai làm mình tức giận, ai cáu gắt với mình thì hãy coi như đi đường bị gai vướng vào áo hoặc bị thuyền không người lái đâm vào, cùng lắm là bị cơn gió dữ tạt vào mình, cớ gì phải giận. Cứ từ từ đứng lại, từ từ gỡ gai ra, vì cái gai, con thuyền không hay cơn gió kia có gì đâu mà tâm mình phải phiền muộn. Để sức lo việc khác, dạy dỗ con cái…
Anh chồng hiểu ý vợ, từ ấy không dám to tiếng, cáu gắt với chị nữa.
Người vợ thứ hai kể, chồng chị hồi xưa hễ gặp chuyện gì không bằng lòng là quở trách chị tơi bời. Nấu ăn hơi mặn chút thì nói gay: “Còn muối không, mang thêm ra đây!”. Con học điểm kém lại mắng là tại mẹ. “Nhưng mình không phản ứng, vì nhớ ngày xưa mẹ mình từng dặn, muốn nhà cửa êm ấm, phụ nữ phải biết chiều chồng, đừng cãi vã tay đôi với họ…”. Dừng một lát, chị nói tiếp: “Lại... nhưng nữa! Nhưng mình khác mẹ mình ở chỗ phải có cách trị lại ổng chứ không thể cắn răng mãi. Một hôm ổng đang lên cơn thịnh nộ, mình tức quá, nói: Thì anh cứ mắng em nữa đi, em sẵn sàng nghe! Mắng nữa đi, em nghe đây… Không ngờ ổng tắt đài liền và dắt xe đi đâu đó. Tối, ổng làm dịu: Sao bị chồng la mà còn thách thức? Chỉ chờ có vậy, mình nói với chàng rằng: Chàng mắng chửi em càng nhiều thì cũng coi như chàng gánh phân đổ vào ruộng em thôi, ruộng em sẽ tươi tốt lên còn chàng thì… hết phân! He he… Vậy đó hai bà ơi, từ bấy đến nay, có gì ổng đều nhẹ nhàng với mình như đường phèn chưng mật ong!”.
Bài tập quan tâm nhà vợ
Bà thứ ba là một chủ tiệm tạp hóa từ sau ngày nghỉ hưu kể: Ông nhà tui chỉ có cái tội lấy tui xong thì chẳng buồn quan tâm đến nhà vợ. Lúc nào nhà vợ có giỗ chạp cũng tìm cách vắng mặt. Lúc thì nói bận việc cơ quan, tiếp khách trên bộ về, bận đi cơ sở… Nhưng lại cứ đòi hỏi tui phải có mặt trong bất cứ dịp kỵ giỗ nào ở nhà cha mẹ ổng, từ sáng sớm đến tối mịt. Mặc cho ổng rất quan tâm đến vợ con, nhưng tôi thấy bất công quá. Bèn nghĩ ra một kế. Mỗi cuối tuần, tôi bỏ tiền ra mua quà cho cha mẹ ruột, rồi “cử” ổng chở con về thăm ngoại. Ổng vừa ra khỏi nhà, tui gọi điện về cha mẹ, nói chồng con sắp có quà mang về…
Thành ra tuần nào ổng cũng đến thăm ông bà ngoại sắp nhỏ với ít bánh, quà của tôi mua. Cha mẹ tui với mấy cậu, dì cứ khen chồng tui hiếu thảo suốt.
Thì ra đàn ông cũng như con nít, được khen thì sướng lắm. Từ đó đến giờ, vài tuần ổng lại thúc tôi cùng đi về thăm… ngoại.
Theo thanhnien.vn