Sợ chết không toàn thây, từ chối hiến tạng

Thứ sáu, 09/03/2012, 15:34
Chưa vượt qua được quan niệm “chết phải toàn thây” nên rất ít người đồng ý hiến tạng, ngay cả với người thân thích, ruột thịt.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết chuyện hiến tạng ở Việt Nam đang đi ngược lại so với các nước trên thế giới. Theo thống kê có hơn 90% ca ghép tạng trên thế giới được lấy từ người cho chết não. Trong khi tại Việt Nam, nguồn tạng lấy được từ người cho chết não chỉ chiếm gần 10%, còn lại hơn 90% là từ người cho sống.

Tái sinh!
Chứng kiến và gặp gỡ những người đã được hồi sinh sau khi ghép tạng, ít ai ngờ họ trước đó đã từng phải đối mặt với tử thần, lay lắt sống những tháng ngày đau đớn cả về thể xác và tinh thần vì bệnh tật hành hạ. Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Giáp, 63 tuổi (Hải Phòng) cuộc sống đã thực sự tái sinh sau khi ông được ghép tim tại Bệnh viện Việt Đức hồi tháng 4/2011. Ông chia sẻ, phát hiện bị suy tim vào tháng 9/2009, từ đó cuộc sống của vợ chồng ông gắn liền với bệnh viện, thường xuyên phải vào viện cấp cứu do các biến chứng của căn bệnh tim quái ác. Thậm chí, ông đã từng chết hụt 2 lần. May mắn có quả tim phù hợp từ người cho chết não, ông đã được cứu sống. Đến nay, sau hơn 2 năm ghép tim thành công, ông Giáp đã hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Ông vẫn tiếp tục công việc hàn xì tại nhà để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Các bác sĩ BV Việt Đức đang thực hiện một ca ghép tim. Ảnh: M.Hương.

Đối với bệnh nhân Nguyễn Minh Đức (68 tuổi) ở Tây Hồ, Hà Nội, sống với căn bệnh tiểu đường 18 năm ròng, suy thận độ 4 phải tiến hành lọc máu chạy thận nhân tạo khiến cơ thể suy nhược trầm trọng. Tháng 5/2011, ông may mắn được ghép thận từ nguồn thận người cho chết não. “Đây thực sự là sự tái sinh của tôi và cả gia đình. Hiện tại, dù đã gần 70 tuổi nhưng tôi vẫn có thể đi bộ, đạp xe và tập thể dục, sống vui vẻ khỏe mạnh như bao người bình thường khác”, ông Đức vui mừng chia sẻ. Đây cũng là trường hợp đầu tiên được ghép thận từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Đức.

Vượt qua tập quán
Tuy nhiên, những người may mắn như ông Giáp, ông Đức còn quá ít ỏi, vẫn còn hàng nghìn bệnh nhân tại Việt Nam đang chết mòn vì không có nguồn tạng để ghép. “Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới trong khi chi phí lại chỉ bằng 1/3. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là quá khan hiếm nguồn tạng”,  tiến sĩ Quyết khẳng định.

Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, hiện có khoảng 200 - 300 người lọc máu thường quy có nhu cầu ghép thận và gần 200 bệnh nhân chờ ghép gan, tim. Trên thực tế, số lượng người không may chết não vì tai nạn giao thông, vì biến chứng não hàng năm rất nhiều nhưng do nhiều người chưa vượt qua được quan niệm “chết phải toàn thây” nên không đồng ý hiến tạng, ngay cả với người thân thích, ruột thịt.

Ông chia sẻ, trước đây Bệnh viện Việt Đức đã từng gặp trường hợp một gia đình ở Hải Dương có người anh bị suy thận độ 4, sự sống chỉ được cứu nếu được ghép tạng. Trong đúng thời điểm đó thì người em ruột chẳng may bị tai nạn giao thông và chết não nhưng trong gia đình có người phản đối không đồng ý lấy thận của em ghép cho anh nên ca ghép không thể thực hiện được.

Để giải quyết nguồn tạng khan hiếm, tiến sĩ Quyết cho rằng cần vận động tuyên truyền người dân bỏ qua những nghi ngại về phong tục tập quán và thấy được rằng người hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người, đây là hành động mang ý nghĩa nhân văn, cao cả. Ông Quyết cho biết thêm, hiện Bệnh viện Việt Đức đã đề xuất lên Bộ Y tế có chính sách đãi ngộ, tôn vinh gia đình có người hiến tạng, dù họ không hề đòi hỏi như: cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, tặng thẻ BHYT hoặc nếu gia đình nào có khó khăn về vật chất thì nên có chính sách giúp đỡ.
Xuân Trường

Theo baodatviet.vn

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích