Chuyện của người sưu tập ấm trà

Thứ năm, 15/03/2012, 15:18
Có nhiều lý do khác nhau để ai đó đột nhiên trở thành nhà sưu tập. Một phút giây hứng khởi, hoặc là một cơ duyên bỗng chốc chuyển sang niềm đam mê. Cũng đôi khi, việc sưu tập là sự lý giải cho nỗi khắc khoải, tiếc nuối và niềm hy vọng về sự trường tồn của một nền văn hoá đã có từ xa xưa…



 

Nếu chỉ đơn thuần tính về số lượng, có lẽ bộ sưu tập ấm trà của ông thuộc vào loại lớn nhất trong các sưu tập về ấm trà ở Việt Nam, với khoảng gần 400 chiếc. Đây là con số đáng nể khi được ông cho biết rằng thời gian sưu tập chỉ mới vỏn vẹn gần chục năm nay. Người đi sưu tập thường mang trong mình hành trang lớn nhất là sự say mê, và chính bởi lý do ấy mà ta cảm giác dường như họ có duyên đến với đồ xưa cũ, những món đồ mà lắm khi, dù ở ngay bên cạnh, ta cũng vô tình bước ngang qua chẳng hề nhìn thấy.

 

Được biết đến từ hơn 3000 năm trước, cây trà đã nhanh chóng chiếm một vị trí quan trọng trong văn hoá ẩm thực của nhiều nước, đặc biệt là châu Á. Ở một vài nước như Trung Quốc, Nhật Bản, trà thậm chí đã trở thành một thứ “đạo”, kèm theo lễ nghi cầu kỳ để con người có thể đón nhận nó bằng đủ mọi giác quan và cảm xúc trân trọng nhất. Tại Việt Nam, trà cũng đã phổ biến từ hàng ngàn năm nay. Thế nhưng, việc sử dụng trà một cách mộc mạc dân dã đã làm dấy lên những quan điểm khác nhau về một “văn hoá trà” của người Việt. Sinh trưởng từ vùng đất chè nổi tiếng Thái Nguyên, lại làm công tác văn hoá, Vũ Quý Nhân có một trăn trở chắc không chỉ của riêng ông : liệu có chăng một nền văn hoá trà của người Việt Nam?
 


 

Hành trình ngược thời gian

Điểm thú vị ở chỗ, cách đặt vấn đề của nhà sưu tập Vũ Quý Nhân khiến ông không phải là người sưu tập cổ vật theo cách ta thường hiểu. Có nghĩa là trong những món đồ ông đã sưu tập được trên con đường bôn ba khắp đất nước và cả ở nước ngoài, cũng có những món thực sự là cổ vật, một vài món thuộc hàng hiếm gặp, thậm chí độc bản. Song ngoài ra, bộ sưu tập của ông có cả những món đồ còn mới, chỉ được làm ra dăm bảy chục năm nay, thứ đồ dân buôn bán ở phố đồ cổ Lê Công Kiều (TPHCM) thường gọi là đồ xưa hay đồ cũ.
 


 

Thoạt kỳ thuỷ, vốn là một người sành trà và yêu trà, Vũ Quý Nhân lặng lẽ sưu tầm các loại trà khác nhau, từ những thứ trà phổ biến ở Việt Nam như Đại Từ, Tân Cương (Thái Nguyên), trà San Tuyết (Mộc Châu), trà Suối Giàng (Nghĩa Lộ), trà Bảo Lộc (Lâm Đồng), trà Phú Thọ… đến các mác trà nước ngoài như Ô Long, Vũ Di (xuất xứ từ Trung Quốc)…

Một ngày, như ông thú nhận, ông chợt nhận ra món đồ không thể thiếu được trong thuật ẩm trà, thứ quan trọng nhất của trà cụ : ấm pha trà. Sẽ là vô duyên nếu hỏi ông về sự gian nan trong quá trình sưu tập những ấm trà kia, nhưng cứ nhìn chúng đang được bày la liệt với đủ mọi kiểu dáng, màu sắc khác nhau cũng đủ hình dung dấu chân của người sưu tập trên mọi nẻo đường đất nước.

Trong số ấm trà ông sưu tập được, có những chiếc ấm đã qua tay nhiều đời chủ nhân, ở vào những thời khắc khác nhau cách chúng ta rất nhiều năm về trước. Trà nhân ở bất kể thời nào dường như đều giống nhau ở sự cẩn thận và nghiêm trang đối với thú vui tao nhã của thuật uống trà. Những chiếc ấm vẫn còn nguyên vẹn hình hài, nắp đậy lọt nhẹ nhàng vào gờ ấm kín khít, dẫu thành ấm đã đóng một lớp cao trà dày dặn, chứng cứ của biết bao lần thưởng trà giữa những tao nhân mặc khách.

Một phút trầm mặc để tưởng tượng rằng trong gian phòng bé nhỏ có sự xuất hiện của nhiều người lắm, những trà nhân đã từng sử dụng các ấm trà kia như một phương tiện không thể thiếu được ở cuộc sống thường nhật. Trong hành trình ngược thời gian về lại quá khứ xa xôi, người sưu tập ấm trà không chỉ gặp các trà nhân. Với bộ sưu tập ấm trà của Vũ Quý Nhân, ta được thưởng lãm nghệ thuật và kỹ năng tinh xảo của các nghệ nhân làm gốm thuở trước.

Gốm và đồ sành sứ Trung Quốc đẹp cầu kỳ, nước men trong và màu men mịn màng như ngọc. Gõ tay vào một chiếc ấm có xuất xứ từ vùng gốm Thanh Hoa, nghe tiếng vang giòn tan, trong trẻo mà không lạc. Không thể không nhắc đến chiếc ấm Nghi Hưng trong bộ sưu tập. Đây là loại ấm được các nghệ nhân ở vùng Nghi Hưng (cách Thượng Hải 150 km về phía Tây Bắc) chế ra, được nhào nặn từ loại đất sét đỏ đặc biệt chỉ có ở vùng này. Ấm trà Nghi Hưng có đặc điểm là không tráng men, ấm nung xong có màu gan gà, thường được gọi là ấm Chu sa. Thứ đất sét của Nghi Hưng dẻo mà nhẹ, khi nung xong lại chắc chắn và đanh.

Ngoài ra, đất sau khi nung xong để lại những lỗ nhỏ vi ti trên bề mặt. Chính những lỗ này có tác dụng hấp phụ hương trà, ấm dùng càng lâu hương trà để lại càng nhiều. Tích xưa kể rằng khi hết trà, có người đã pha nước sôi vào chiếc ấm Nghi Hưng mà uống suông, bởi hương trà vẫn còn ngào ngạt từ những cao trà đóng trong thành ấm. Cầm trên tay một ấm trà xuất xứ từ Nhật Bản, có cảm giác là lạ, quen quen. Màu men lam của ấm trà sao lại hao hao giống men lam gốm Việt.

Đọc lại lịch sử và một thoáng tự hào khi biết rằng người Nhật học được nghề gốm chính từ các nghệ nhân Việt cổ. Bên cạnh những ấm gốm Chăm, gốm Trung Hoa, Nhật Bản, bộ sưu tập ấm trà của Vũ Quý Nhân có đủ các đại diện cho làng gốm Việt, từ gốm Chu Đậu, Bát Tràng, Quảng Ninh, Phù Lãng đến gốm Thanh Hoá, Lái Thiêu, Biên Hoà. Trải dài khắp ba miền Bắc Trung Nam, gốm Việt đều có những đại diện xuất sắc, và thật thú vị, vùng gốm nào cũng sản xuất ấm pha trà. Ấm trà Việt thường nhỏ, chất men và hoạ tiết mộc mạc.

Các nhà sử học cho rằng trà Việt đã đi một bước dài khi trở nên đại chúng hơn, từ lâu lắm rồi, trà đến với nhân gian quảng đại và gió thời gian, mộc mạc mà không dung tục. Vẫn còn đến ngày nay cả ba thói quen của người Việt : trà mộc, trà ướp hương và trà xanh. Những trà nhân mê đắm trà thường thích thưởng thức trà mộc với hương thơm tự nhiên của đất trời, khi mang hương nắng, lúc lại thoảng tựa hồ thứ mùi ngọt nhẹ của sương mai.

Rất nhiều vùng đất ngày nay vẫn còn thói quen uống trà xanh, thứ trà dân gian hái xuống uống ngay không qua chế biến. Trà xanh là thứ đồ uống không chỉ để giải cơn khát giữa trưa hè nực nội mà còn là bài thuốc rất tốt có tác dụng hạn chế nhiều chứng bệnh nan y.
 


 

Theo thegioif5.com

Các tin cũ hơn